Nếu tương lai thực sự giống như những gì các kỹ sư Trung Quốc mong ước, hàng hóa sẽ được vận chuyển tới trước cửa nhà bạn nhờ hệ thống xe tự lái của Baidu. Smartphone của bạn, mở khóa bằng nhận diện khuôn mặt, sẽ chạy chip của Pingtouge.
Thay vì dùng GPS, bạn sẽ có thể biết được vị trí của mình qua Beidou (Bắc Đẩu), hệ thống định vị “của nhà trồng được” của Trung Quốc, dù bạn ở bất kỳ đâu trên thế giới. Kết nối Internet siêu nhanh nhờ các thiết bị của Huawei Technologies sẽ đảm bảo bạn có thể xem truyền hình 8K một cách dễ dàng.
Bất chấp tham vọng toàn cầu của Trung Quốc và những gã khổng lồ công nghệ của quốc gia này, không ít sản phẩm và dự án chiến lược của họ vẫn được đặt tên theo tiếng Trung Quốc và phiên âm theo bính âm, cách sử dụng chữ Latinh để phiên âm các từ tiếng Hán.
Việc phát âm sao cho đúng những tên gọi đó đã là một sự khó khăn nhất định đối với người phương Tây, chứ chưa nói hiểu đến ý nghĩa đằng sau nó. Đây chính là một trong những "hạn chế" lớn nhất của các công ty Trung Quốc nói chung, và các công ty công nghệ nói riêng, khi tiếp cận khách hàng phương Tây.
Vậy tên của các công ty công nghệ Trung Quốc lớn nhất có ý nghĩa gì? Dưới đây là một số cái tên đáng chú ý.
Viễn thông: Huawei và ZTE
Huawei là cái tên Trung Quốc xuất hiện dày đặc nhất trong thời gian gần đây trên các trang báo của Mỹ. Hơn một nửa doanh thu của Huawei đến từ các thị trường bên ngoài Trung Quốc, dù công ty có tên gọi chẳng dễ đọc chút nào đối với người không thành thạo tiếng Trung Quốc: Wah-Way.
Cái tên Huawei thực chất được tạo ra từ hai chữ cái Trung Quốc, dịch ra tiếng Việt là "Hoa Vĩ". Chữ cái đầu tiên Hua có nghĩa là “Trung Quốc” hoặc “người Trung Quốc”, trong khi chữ cái thứ hai Wei thường có nghĩa là “thành tựu” hoặc “hành động”. Đặt chúng lại với nhau, tên gọi Huawei sẽ mang ý nghĩa “thành tựu của người Trung Quốc”.
ZTE Corp, đối thủ lớn nhất của Huawei tại Trung Quốc, đã chọn một cái tên “thân thiện” hơn. ZTE thực chất là viết tắt của Zhongxing (Trung Hưng) Telecommunication Equipment. Zhongxing cũng là một cái tên gồm hai chữ cái, có thể được dịch là sự thịnh vượng của Trung Quốc hay sự hồi sinh của Trung Quốc.
Công ty bán dẫn và camera
Alibaba là cái tên khá dễ đọc với người phương Tây, nhưng họ lại lấy một cái tên có ý nghĩa sâu xa cho công ty sản xuất chip của mình: Pingtouge Semiconductor.
Pingtouge (Bình Đầu Ca) là biệt danh mà cư dân mạng Trung Quốc dành cho loài lửng mật, một loài vật tuy nhỏ nhưng không hề biết sợ, nổi tiếng với khả năng kháng độc và giết được cả rắn hổ mang. Có lẽ cái tên này nhằm thể hiện tham vọng cạnh tranh với những gã khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất chip.
Baidu (Bách Độ), công ty sở hữu công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc cũng giới thiệu con chip AI do chính họ phát triển với tên gọi Kunlun (Côn Lôn). Đây là một trong những dãy núi dài nhất thế giới, và cũng có vai trò quan trọng trong thần thoại Trung Quốc.
Một công ty khác của Trung Quốc cũng hiếm khi xuất hiện với tên đầy đủ trong tiếng Anh là DJI, hãng sản xuất máy bay không người lái (drone) cho mục đích giải trí lớn nhất thế giới. Tên đầy đủ của DJI là Da Jiang (Đại Cương) Innovations, lấy cảm hứng từ câu ngạn ngữ Trung Quốc “Tham vọng vĩ đại thì không có ranh giới”.
Tàu cao tốc và tàu vũ trụ
Tàu cao tốc Fuxing (Phục Hưng) là tàu nhanh nhất của Trung Quốc với tốc độ tối đa 350 km/h, và quan trọng hơn là một loạt những công nghệ hoàn toàn do Trung Quốc tự phát triển.
Con tàu Chang'e 4 (Hằng Nga) gần đây cũng gây chú ý khi trở thành tàu thám hiểm đầu tiên hạ cánh lên vùng xa của Mặt Trăng. Cũng dễ hiểu khi cái tên này được chọn, bởi Hằng Nga là nữ thần Mặt Trăng trong văn hóa Trung Quốc và nhiều nước Á Đông.
Xe thăm dò tự lái đi theo Hằng Nga có tên là Yutu (Thỏ Ngọc). Cái tên này đã được chọn trong một cuộc thăm dò trực tuyến, vì thỏ ngọc là thú cưng của Hằng Nga.
Tên của nguyên mẫu trạm vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc, Tiangong 1 (Thiên Cung) cũng lấy cảm hứng từ thần thoại Trung Quốc. Thiên Cung dùng để chỉ cung điện trên trời, theo thần thoại là nơi Ngọc Hoàng, vị thần đầu tiên của Trung Quốc.