TP.HCM yêu cầu các trường quốc tế báo cáo vụ thu đủ 100% học phí mùa dịch

VietTimes – Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu các trường liên quan báo cáo vụ việc sau khi tiếp nhận đơn kiến nghị của hàng trăm phụ huynh về vấn đề nhiều trường quốc tế thu 100% học phí, dù học sinh phải nghỉ học kéo dài hơn 3 tháng do dịch bệnh COVID-19.
Cô trò Trường Vstar School học online trong thời gian dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: Vstar School)
Cô trò Trường Vstar School học online trong thời gian dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: Vstar School)

Sở GD&ĐT yêu cầu các trường quốc tế báo cáo

Sở GD&ĐT TP.HCM vừa cho biết Sở đã nhận được đơn kiến nghị, cầu cứu của các nhóm phụ huynh khối trường dân lập quốc tế, gồm Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS), Trường Quốc tế Australia (AIS Saigon) và Trường Sao Việt (VStar School).

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho hay Sở sẽ xử lý theo trình tự, trước mắt, yêu cầu các trường báo cáo vấn đề thu học phí.

Liên quan đến việc nhiều trường dân lập quốc tế thu đủ 100% học phí dù học sinh buộc phải nghỉ học kéo dài suốt hơn 3 tháng nay, diễn biến mới nhất, chiều ngày 28/4, rất đông phụ huynh Trường Sao Việt (VStar School) đã kéo đến trụ sở của trường, yêu cầu giải thích thông tin.

Một phụ huynh có con học tại trường này cho biết gia đình đã đóng toàn bộ học phí năm học 2019-2020, nhưng phần học phí học kỳ II chưa được sử dụng hết do học sinh nghỉ để tránh dịch kéo dài.

Nhóm phụ huynh trường quốc tế Sao Việt phản đối học phí chiều 28/4 (Ảnh Nguyễn Thuận)
Nhóm phụ huynh trường quốc tế Sao Việt phản đối học phí chiều 28/4 (Ảnh Nguyễn Thuận)

Cuối tháng 3/2020, phụ huynh nhận được thư ngỏ của trường thông báo đóng học phí cho năm học 2020-2021, đáng nói là trong mail này không hề đề cập việc hoàn trả học phí chưa sử dụng như thế nào.

Chung nỗi bức xúc về việc thu học phí như nhóm phụ huynh Trường Quốc tế Australia (AIS Saigon), hàng trăm phụ huynh Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) mà đại diện là văn phòng luật sư Nguyễn Thạch Thảo cũng đã cùng nhau gửi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan chức năng, vì những người có hai, ba con cùng học ở trường đã phải đóng học phí tiền tỷ một cách vô lý. 

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo – đại diện phụ huynh VAS nói: “Hàng trăm phụ huynh VAS đã ký đơn kiến nghị gửi tới UBND TP.HCM và Sở GD-ĐT, đề nghị chỉ đạo nhà trường trả lời cụ thể những vấn đề thắc mắc của phụ huynh. Chúng tôi yêu cầu xác định chi phí số tiền học phí trực tuyến, kể từ ngày có thông báo nghỉ dịch Covid -19 cho phù hợp với tình hình hiện tại này”.  

“Chúng tôi yêu cầu xác định lại mức học phí khi các học sinh không được thụ hưởng các hoạt động liên quan tới các hoạt động ngoại khóa, các môn năng khiếu, các cơ sở vật chất của nhà trường trong thời gian nghỉ dịch. Xác định chi phí các khoản liên quan tới ăn uống, y tế, vệ sinh... của các em học sinh nếu không đi học” - Luật sư Nguyễn Thạch Thảo nhấn mạnh.

Học online không hiệu quả như quảng bá?

Cũng tương tự như vấn đề xảy ra với VAS, trong đơn cầu cứu, nhóm phụ huynh AIS Saigon đề nghị nhà trường xem xét lại chất lượng và trao đổi với phụ huynh về vấn đề học online trong thời gian qua.

Thầy trò Vstar School học online trong lúc phải nghỉ để tránh dịch COVID-19 (Ảnh: Vstar School)
Thầy trò Vstar School học online trong lúc phải nghỉ để tránh dịch COVID-19 (Ảnh: Vstar School)

Trong đơn cầu cứu, các phụ huynh AIS Saigon cho biết nhà trường đã triển khai phương pháp dạy học online trong thời gian học sinh nghỉ mà không thông báo, trao đổi trước với phụ huynh. Theo đánh giá của phụ huynh, việc dạy online cũng không hiệu quả với một số khối lớp.

“Đối với một số bậc học từ cấp 2 trở lên, việc học online có thể có phần tác dụng. Nhưng đối với học sinh mầm non hay lớp 1, lớp 2, việc học online hoàn toàn vô nghĩa khi các bé chưa được phép, hoặc không biết sử dụng thành thạo máy tính bảng, hay điện thoại thông minh, thì không thể tham gia quá trình học tập online”, đơn cầu cứu của phụ huynh viết.

Đồng thời, các phụ huynh AIS Saigon cũng đề nghị trường hoàn trả học phí trong thời gian học sinh không đến trường và không sử dụng một số dịch vụ như ăn uống, xe đưa rước. Trong đó, mức hoàn trả cao nhất được phụ huynh kiến nghị là 70%, thấp nhất 50% theo từng bậc học khác nhau.

Trường Quốc tế Australia (AIS Saigon) hiện có hơn 1.300 học sinh đến từ 40 quốc gia khác nhau, từ mầm non đến hết bậc học THPT. Học phí bậc THPT của AIS Saigon cao nhất với 646 triệu đồng mỗi năm. Từ tiểu học đến THCS, mức học phí dao động từ 419 triệu đồng đến gần 600 triệu đồng mỗi năm.

Trong đơn cầu cứu, các phụ huynh AIS Saigon cho biết nhà trường đã triển khai phương pháp dạy học online trong thời gian học sinh nghỉ mà không thông báo (Ảnh: Vstar School)
Trong đơn cầu cứu, các phụ huynh AIS Saigon cho biết nhà trường đã triển khai phương pháp dạy học online trong thời gian học sinh nghỉ mà không thông báo (Ảnh: Vstar School)

Không chỉ gửi đơn tới GĐ Sở GD&ĐT TP.HCM và Chủ tịch UBND TP.HCM, nhóm phụ huynh trường Quốc tế Australia (AIS Saigon) gồm hơn 300 người và nhóm phụ huynh Trường Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) đã gửi đơn cầu cứu đến Bộ trưởng GD&ĐT.

Ngoài các trường đã gửi đơn kiến nghị tới Sở GD&ĐT TP.HCM, UBND TP.HCM, Bộ GD&ĐT, các phụ huynh có con theo học tại Trường Quốc tế Anh (BIS), Trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC) và Trường Quốc tế Song ngữ (EMASI) cũng đồng loạt phản ánh rằng họ phải đóng đầy đủ tiền như bình thường trong khi con cái chỉ học online tại nhà và theo đánh giá của phụ huynh thì học online không hiệu quả.