TPHCM tìm giải pháp thay thế cho nước sông

Nhiều phương án về xây dựng hệ thống hồ chứa nước an toàn nhằm chống ngập lụt và xâm nhập mặn đã được các chuyên gia đưa ra tại buổi hội thảo “Hồ trữ nước bảo đảm cấp nước an toàn cho TPHCM” do TCty cấp thoát nước Sài Gòn (Sawaco) tổ chức hôm nay, 8-4.
Hồ Dầu Tiếng chứa một lượng nước lớn đẩy mặn cho sông Sài Gòn - Ảnh: TL
Hồ Dầu Tiếng chứa một lượng nước lớn đẩy mặn cho sông Sài Gòn - Ảnh: TL

Xây hồ trữ nước

Theo Sawaco, TPHCM đang ngày càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nước biển dâng cùng với sự sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức. Hai con sông cấp nước chính cho TPHCM là sông Đồng Nai và sông Sài Gòn đều bị nhiễm mặn, ô nhiễm nặng do nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp.

Chất lượng nước của hai con sông này đều thấp do hàm lượng chất hữu cơ như COD, BOD khá cao, lượng trực khuẩn, E.coli, độ đục… hiện đều vượt quá chuẩn cho phép của Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Sawaco do đó đã đề xuất xây dựng các hồ dự trữ nước sông để dự phòng trong trường hợp có sự gia tăng đột ngột hàm lượng chất cặn lên các tầng lọc cát trong nhà máy xử lý, cũng như các sự cố tràn hóa chất công nghiệp, hay hàm lượng chloride tăng cực điểm do triều cường lên vào mùa khô...

Theo chiến lược cấp nước tổng thể cho TPHCM đến năm 2025 của Sawaco, TPHCM sẽ xây dựng các hồ chứa nước thô được điều tiết bởi các hồ Trị An, Dầu Tiếng, Phước Hòa để dự phòng thay thế cho nguồn nước từ hai sông Đồng Nai và Sài Gòn trong trường hợp hai sông trên bị nhiễm mặn quá nặng.

Các chuyên gia từ Hà Lan cũng đưa ra phương án xây dựng đường ống truyền dẫn nước trực tiếp từ hai hồ Dầu Tiếng và Trị An để thay thế nguồn nước từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Song song đó là xây dựng hồ trữ nước đa năng vừa đóng vai trò cung cấp nước sạch, vừa đóng vai trò kiểm soát lũ, tưới tiêu, bảo vệ thiên nhiên...

Ông Rik Dierx, Giám đốc Dự án biến đổi khí hậu - cấp nước ở Đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM, cho rằng hồ dự trữ nước thô giúp cải thiện và tăng sự ổn định của chất lượng nước trước khi được xử lý tại nhà máy. Các hồ có khả năng trữ nước nhiều ngày còn đảm bảo quá trình sơ lắng nước trước khi đưa vào xử lý giúp giảm và ổn định độ đục; cho phép quá trình tự lọc giúp cải thiện chất lượng nước; các hạt nhỏ và vi sinh vật khó lọt vào nước cấp cho khách hàng…

Tuy nhiên, theo Sawaco, việc xây dựng đường ống dẫn nước trực tiếp từ các hồ thủy điện được xem là giải pháp cuối cùng, vì vốn đầu tư cho giải pháp này là rất lớn (hơn 10.000 tỉ đồng). Do đó, chỉ khi nào nước từ sông Sài Gòn và sông Đồng Nai không thể sử dụng được nữa thì mới dùng đến giải pháp này.

Chỉ nước thô thì không đủ

Theo TS Bùi Du Dương, Phó trưởng ban Quan trắc tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các giải pháp lấy nước thô đều quá bị động, vì nguồn nước này phụ thuộc vào nước ở thượng nguồn của hai sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Nếu nước ở thượng lưu bị ô nhiễm hoặc xảy ra hạn lịch sử thì TPHCM sẽ hoàn toàn không có nước.

Ông Dương cho rằng, phải làm sao để “không có giọt nước ngọt nào lọt ra biển”, nghĩa là phải đa dạng hóa nguồn nước cấp bằng cách khai thác triệt để nguồn nước mưa phát sinh tại chỗ, và các nguồn nước ngầm. Nếu hạn hán xảy ra thì có thể bổ trợ bằng nước mưa, nước ngầm, nếu nước ngầm có vấn đề thì nước mặt bổ sung ngược trở lại.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Ứng Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam, cũng cho rằng lượng nước mưa ở Việt Nam rất lớn, không nên coi thường nguồn nước này. Đồng thời phải tận dụng nguồn nước ngầm, chứ không nên chỉ lấy nước mặt từ các hồ thủy điện. 

Ông Dũng đã đặt ra câu hỏi “lấy nước ở đâu mà dự trữ” bởi nếu nước sông cạn, hồ thủy điện không xả nước thì TPHCM cũng không có nước sử dụng.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật nhà nước, nguyên chủ nhiệm Chương trình nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL, đặc biệt nhấn mạnh việc trữ nước phải đi đôi với tiết kiệm nước, nếu không tiết kiệm thì trữ bao nhiêu cũng không đủ. Hiện đang xảy ra tình trạng ngập lụt vào mùa mưa nhưng thiếu nước, nước nhiễm mặn vào mùa khô.

Ông Trân cũng cho rằng, luật quản lý nước theo lưu vực sông là vấn đề sống còn của Việt Nam. Hiện lưu vực một con sông trải ra nhiều tỉnh nhưng việc quản lý thì chỉ tỉnh nào biết tỉnh đó.

“Hiện chỉ có duy nhất sông Đồng Nai có lưu vực nằm hoàn toàn trong địa bàn tỉnh, còn Đồng bằng Sông Cửu Long có 90% nguồn nước nằm bên ngoài. TPHCM lấy nước từ các tỉnh khác, nếu không cùng hợp tác quản lý thì sẽ không thể kiểm soát được chất thải cũng như lượng nước sử dụng”, ông Trân nói.

Theo TBKTSG