TP.HCM tiêm vắc xin COVID-19 cho mọi người dân trên địa bàn, chuẩn bị tiêm cho trẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong đợt tiêm vét cuối cùng, mọi người dân đang có mặt trên địa bàn TP.HCM được mời đi tiêm chủng COVID-19.
TP.HCM tiêm chủng COVID-19 cho mọi người dân trên địa bàn. Ảnh: Hoà Bình
TP.HCM tiêm chủng COVID-19 cho mọi người dân trên địa bàn. Ảnh: Hoà Bình

Mất chứng nhận tiêm mũi 1 cũng được tiêm mũi 2

Thông tin từ HCDC và Sở Y tế TP.HCM cho hay, tính đến ngày 19/10, TP.HCM có tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm vắc xin 1 mũi là 98,8%, 2 mũi là 76,3%; trong đó, tỷ lệ trên 50 tuổi tiêm đủ 2 mũi là 76,11%.

Trong chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 đợt cuối cùng, các quận huyện đang tiếp tục nhận tiêm vét các trường hợp chưa tiêm mũi 1, đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 2 cho người đã đủ thời gian sau khi tiêm mũi 1; kể cả người mất giấy chứng nhận tiêm mũi 1 cũng được linh động giải quyết tiêm mũi 2 nếu ký cam kết xác nhận nội dung đã tiêm mũi 1.

Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức về việc tiêm vét vắc xin COVID-19 cho người dân từ đủ 18 tuổi trở lên.

Theo đó, các địa phương sẽ căn cứ danh sách người dân trên địa bàn đã tiêm mũi 1 trên hệ thống tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, chủ động thực hiện mời người dân đã đến hạn tiêm mũi 2 đến điểm tiêm theo kế hoạch của địa phương.

Trường hợp người dân không có giấy chứng nhận đã tiêm mũi 1 do thất lạc hoặc chưa được cấp, thì địa phương hướng dẫn người dân cung cấp các thông tin về việc đã tiêm vaccine mũi 1 hoặc ký bản cam kết về việc đã tiêm mũi 1. Điểm tiêm phải có trách nhiệm cập nhật hoặc điều chỉnh lại thông tin trên Hệ thống và thực tiêm theo quy định.

Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các quận, huyện, phường, xã chú ý thông tin tới tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên cư trú trên địa bàn thành phố chưa tiêm mũi 1 hoặc mũi 2 (khi đã đến hạn) để người dân có thể dễ dàng tiếp cận điếm tiêm theo kế hoạch của địa phương, đảm bảo người dân được tiêm chủng đúng lịch, đủ liều và an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Lịch tiêm vắc xin COVID-19 cập nhật từng ngày ở các phường trên địa bàn TP.HCM
Lịch tiêm vắc xin COVID-19 cập nhật từng ngày ở các phường trên địa bàn TP.HCM

Người dân tại TP.HCM chưa tiêm mũi 2 vaccine phòng COVID-19 cũng có thể đăng ký qua đầu số 8066 từ 12h00 hôm nay thứ 4, ngày 20/10/2021; theo cú pháp MUI1 HoTen NamSinh QuanHuyen để đăng ký tiêm vaccine mũi 1 hoặc MUI2 HoTen NamSinh QuanHuyen PhuongXa.

Theo thông báo từ UBND các phường trên địa bàn, người lao động trên địa bàn TP.HCM, không phân biệt quận, huyện, đến điểm tiêm cần tuân thủ 5K, mang theo 1 trong các loại giấy tờ sau: căn cước công dân có địa chỉ tại TP.HCM hoặc cư trú, học tập hay làm việc tại TP.HCM.

Thời gian tiêm từ 7h30 sáng đến 11h30; chiều từ 13h30 đến 17h30. Theo thông báo, ai tiêm mũi 1 loại vắc xin nào được tiêm mũi 2 theo đúng loại vắc xin đó. Với tất cả những người chưa tiêm mũi nào, sẽ được tiêm vắc xin Vero Cell.

Chuẩn bị chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ

Hiện tại, TP.HCM đang lấy thông tin đăng ký từ phụ huynh để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng COVID-19 cho lứa tuổi từ 5 đến 17 tuổi; đặc biệt là các trẻ từ 12 đến 17 tuổi sau khi có dự kiến có thể học sinh TP.HCM sẽ đồng loạt quay lại trường vào thời điểm tháng 1/2022.

Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM đánh giá: “Với nhóm trẻ em, tuy dịch bệnh COVID-19 có mức độ ảnh hưởng thấp hơn với ca bệnh người lớn, không đến mức nguy hiểm đến tính mạng nhưng nguy cơ vẫn rất cao với nhóm trẻ có bệnh nền. Thời gian vừa qua, TP.HCM đã có khoảng hơn 20.000 trẻ em mắc COVID-19. Toàn TP.HCM có khoảng 1.800.000 trẻ em, đề nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn để thành phố thực hiện việc tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến 17 tuổi, đặc biệt là TP.HCM đã có dự kiến sẽ mở lại các trường học vào thời điểm tháng 1/2022”.

Bắt đầu từ hôm nay 20/10, các trường học tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) đã thí điểm dạy học trực tiếp. Chiều hôm qua, ngày 19/101, xã đảo Thạnh An đã tổ chức xét nghiệm test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho 304 cán bộ nhân viên, giáo viên, học sinh, nhằm đảm bảo an toàn ở mức cao nhất trước ngày các em quay trở lại trường học. Việc lấy mẫu xét nghiệm do Trung tâm y tế huyện Cần Giờ, Trạm Y tế xã đảo Thạnh An phụ trách.

Thúc đẩy tiêm chủng COVID-19 đợt cuối cho mọi người dân TP.HCM. Ảnh: HCDC
Thúc đẩy tiêm chủng COVID-19 đợt cuối cho mọi người dân TP.HCM. Ảnh: HCDC

BS. Nguyễn Thế Thịnh - Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm HCDC - đã nhắc nhở các trường cần điều phối, sắp xếp lấy mẫu riêng biệt, lối vào cần được phần luồng, khung giờ đi lấy mẫu cũng cần phân chia lệch nhau, thực hiện giãn cách trong quá trình lấy mẫu.

Tại buổi tập huấn, BS. Nguyễn Thế Thịnh đã chia sẻ thêm các biện pháp phòng ngừa bệnh COVID-19. Theo đó, các trường học trên địa bàn cần chuẩn bị các biện pháp thông gió, xây dựng lịch trình làm sạch và khử trùng hàng ngày đối với môi trường trường học, cơ sở vật chất và các bề mặt thường xuyên tiếp xúc, đảm bảo có sẵn các phương tiện vệ sinh tay và hướng dẫn sử dụng khẩu trang. Lối vào và ra của trường cần được phân luồng, không trùng nhau. Bàn ghế trong lớp bố trí khoảng cách tối thiểu 1 mét giữa các học sinh.

“Đối với các em học sinh cần khuyến khích giữ gìn sức khỏe bản thân của mình và người khác: Rửa tay thường xuyên, không chạm tay vào mắt, mũi miệng; Không dùng chung dụng cụ ăn uống với người khác; Chia sẻ những gì học được về các phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 với gia đình, bạn bè; Việc vệ sinh tay với nước và xà phòng, mỗi lần ít nhất 20 giây và hắt hơi hoặc ho vào khuỷu tay sau đó rửa tay lại cần cho các em thực hành nhiều lần, nhất là các học sinh nhỏ tuổi” – BS Nguyễn Thế Thịnh nhắc nhở.

“Nhà trường cũng cần truyền thông cho cán bộ nhân viên, giáo viên, học sinh và khách đến liên hệ công tác cần tuân thủ việc đeo khẩu trang bất kể tình trạng tiêm chủng của họ như thế nào. Đồng thời nếu có các dấu hiệu nghi ngờ mắc COVID-19 thì không nên đến trường, cần đến ngay cơ sở y tế để được xét nghiệm và chăm sóc” – BS Nguyễn Thế Thịnh lưu ý.

Cũng tại buổi tập huấn, HCDC đã đưa ra các tình huống giả định như có ca F0 trong thời điểm dạy học để các trường đưa ra những giải pháp xử lý và hình dung được những việc cần làm nếu thực tế có ca bệnh diễn ra. Cán bộ nhân viên, giáo viên, học sinh cũng cần tuân thủ hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng chống dịch của đơn vị, thực hiện các quy trình tổ chức, biện pháp kiểm soát, theo dõi và xử trí khi phát hiện có trường hợp ca bệnh xác định hoặc ca có triệu chứng nghi ngờ. Nhà trường cần thông báo đến phụ huynh, học sinh những biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 đang thực hiện để đảm bảo sự phối hợp, đồng thuận từ phụ huynh, học sinh.