TP.HCM sẽ thành lập Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ tinh thần sau đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – TP.HCM bàn giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025, đề xuất thành lập Trung tâm phản ứng Chăm sóc sức khoẻ tinh thần sau đại dịch.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo khoa học sáng ngày 16/10
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo khoa học sáng ngày 16/10

Sáng hôm nay, ngày 16/10, UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025” nhằm nhận diện, dự báo các thách thức, rủi ro ảnh hưởng đến các động lực tăng trưởng của thành phố. Qua đó, xây dựng các giải pháp mang tính đột phá, tạo đà phát triển của TP.HCM trong thời gian tới, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM sau thời gian bị tác động bởi đại dịch COVID-19.

Hội thảo do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì; tham dự có nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân; các Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Thường trực HĐND TP.HCM cùng các chuyên gia, lãnh đạo, đại diện Sở, Ban, ngành, đoàn thể TP.HCM.

Tại chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời", thông tin về tình hình dịch bệnh hiện tại trên địa bàn TP.HCM, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho hay: “So với hồi đỉnh dịch tháng 8, có những ngày thành phố ghi nhận tới hơn 8.000 ca nhiễm/1 ngày thì giai đoạn hiện tại, số ca nhiễm mới tại TP.HCM dao động từ dưới 1.000 đến 1.500 ca bệnh nhiễm mới, đây không phải là con số đáng lo ngại. Chỉ số thứ hai đáng mừng là số bệnh nhân ra viện luôn cao hơn số nhập viện; chỉ số này đã được đảo ngược so với hồi tháng 8. Chỉ số thứ ba là số ca bệnh chuyển nặng không nhiều; đặc biệt là số ca phải thở ô xy đã giảm dần liên tục trong 14 ngày qua. Số bệnh nhân phải thở máy cách đây một tháng lúc nào cũng trên 1.000 ca bệnh, hiện nay đã giảm xuống còn dưới 500 trường hợp”.

Hội thảo khoa học "Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025" được tổ chức sáng ngày 16/10
Hội thảo khoa học "Phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025" được tổ chức sáng ngày 16/10

Phát biểu tại hội thảo “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ: “TP.HCM chưa bao giờ gặp khó khăn và chịu tác động nặng nề do đại dịch COVID-19 như thời gian vừa qua. Hiện tại, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng cơ bản đã được kiểm soát. Do đó, bên cạnh công tác phòng, chống dịch, thành phố cần xây dựng các kế hoạch có lộ trình, kịch bản để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.

Hội thảo đặt ra 3 vấn đề; thứ nhất, tập trung đánh giá, nhận diện xu hướng, diễn biến dịch cùng những tác động tích cực, tiêu cực đối với kinh tế thế giới, cả nước và TP.HCM. Thứ 2, các ý kiến phát biểu nằhm đưa ra những phương án giúp TP.HCM giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, giữ vững vị trí trong mối tương quan giữa các thành phố trong khu vực và thế giới. Thứ 3, vạch ra kế hoạch nhằm duy trì, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu được đặt ra tại Nghị quyết đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI.

Tại hội thảo, các tham luận tập trung vào 4 nội dung gồm lao động, việc làm; thu nhập, chi tiêu; sức khoẻ cộng đồng; văn hoá - giáo dục, xã hội. Trong đó, nổi lên một số vấn đề lớn.

TP.HCM đề xuất thành lập Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ tinh thần sau đại dịch, hướng tới ba đối tượng

TP.HCM đề xuất thành lập Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ tinh thần sau đại dịch, hướng tới ba đối tượng

Thứ nhất là vấn đề miễn dịch cộng đồng để sống chung an toàn và bền vững với COVID-19. Điều này được đề cập, đi cùng với một số kiến nghị nhằm phục hồi kinh tế bao gồm: tuân thủ quy tắc phòng, chống dịch bệnh, xây dựng và thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp; xây dựng mạng lưới giám sát dịch tễ, đánh giá mức độ miễn dịch của người lớn tuổi.

Thứ hai, các tham luận đề cập đến tính cấp thiết tăng cường năng lực y tế cơ sở, trong đó vai trò mạng lưới bác sĩ gia đình là một điển hình.

Vấn đề thứ ba với nội dung xác lập đối tượng chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho ba đối tượng gồm người trưởng thành, trẻ em và nhóm yếu thế tại TP.HCM trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Theo đó, các tham luận đã đề xuất nghiên cứu thành lập Trung tâm phản ứng Chăm sóc sức khoẻ tinh thần sau đại dịch (Center for Better Mind - CBM) để chăm sóc sức khoẻ cho người dân; đề xuất mô hình tiếp cận chăm sóc sức khoẻ tâm thần theo 3 mức độ: các dịch vụ phòng ngừa phổ quát cho nhóm có nguy cơ thấp - các dịch vụ phòng ngừa mục tiêu cho nhóm nguy cơ trung bình - các dịch vụ chỉ định can thiệp chuyên sâu cho nhóm nguy cơ cao.

Ngoài ra, công tác xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân, người lao động cũng được đề cập trong nội dung các tham luận. Đây được xác định là vấn đề bức thiết và cấp bách, được đặt ra hiện nay sau đại dịch. Theo đó, TP cần ưu tiên đầu tư 3 chương trình nhà ở gồm: chương trình nhà lưu trú công nhân; chương trình giải toả, di dời và tổ chức lại cuộc sống cho các hộ dân sinh sống trên và ven kênh rạch; chương trình nhà cho thuê dài hạn, đủ tiêu chuẩn với giá thuê hợp lý.