TP.HCM: Thay đổi từ Zero COVID sang thích ứng an toàn và những nỗi lo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau quãng thời gian rất dài, hơn 5 tháng “đóng cửa” chống dịch, TP.HCM đang thay đổi từ Zero COVID sang thích ứng an toàn, “sống chung” với đại dịch và còn đó những nỗi lo.
Toàn cảnh cuộc họp UBND TP.HCM họp trực tuyến với lãnh đạo Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chiều 19/10. Ảnh: Linh Nhi
Toàn cảnh cuộc họp UBND TP.HCM họp trực tuyến với lãnh đạo Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chiều 19/10. Ảnh: Linh Nhi

Khó hoàn thành kế hoạch 2021

Chiều 19/10 lãnh đạo UBND TP.HCM họp trực tuyến với lãnh đạo Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện về tình hình kinh tế - văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách của TP.HCM 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình thẳng thắn đánh giá: “Việc áp dụng giãn cách xã hội trong suốt một thời gian dài đã tác động lên toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội của TP, dự báo kinh tế còn nhiều khó khăn. Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh, giá trị tổng sản phẩm GRDP cả năm giảm 5,56% (mục tiêu đặt ra năm 2021 tăng 6%); tổng số vốn đầu tư được giải ngân chỉ đạt 32% kế hoạch; dự kiến chỉ hoàn thành 11/29 chỉ tiêu thành phần (37,93%), không hoàn thành 13/29 chỉ tiêu (44,83%), 05 chỉ tiêu chưa tính toán được trong thời điểm này; dự báo thu ngân sách nhà nước không giảm sâu nhưng sẽ rất khó khăn để hoàn thành kế hoạch năm 2021”.

Sở Công thương cho hay, TP.HCM đã mở lại 77/234 chợ truyền thống, dự kiến từ nay đến hết ngày 25/10 sẽ mở thêm 33 chợ nữa, nghĩa là số chợ truyền thống mở lại chiếm khoảng 50% toàn bộ chợ trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình. Ảnh: Linh Nhi

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình. Ảnh: Linh Nhi

“TP.HCM có hơn 2.000 trẻ em mồ côi cha mẹ do COVID-19; trong đó, nặng nề nhất tại các quận 4, quận 8, 12, huyện Bình Chánh và TP Thủ Đức là các địa phương tập trung đông số trẻ em thiệt thòi này. Đề nghị lãnh đạo TP.HCM và các sở, ngành quan tâm hỗ trợ, tăng mức trợ cấp cho các hoàn cảnh này” – Giám đốc Sở LĐTB-XH Lê Minh Tấn đề xuất.

Tính đến ngày 15/10, ông Lê Minh Tấn cho hay, TP.HCM có 227 trẻ em là con của sản phụ mắc Covid-19, 48 trẻ mồ côi cả cha mẹ, người nuôi dưỡng và 1.805 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ. Sở LĐTB-XH TPHCM đã tham mưu trình UBND TPHCM “chương trình huy động nguồn lực chăm lo, hỗ trợ cho người cao tuổi neo đơn và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM” nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ. Trong đó chăm sóc sức khoẻ thể chất, tinh thần, tư vấn tâm lý; hỗ trợ ổn định nơi ở; giáo dục và đỡ đầu các trẻ học tập đến năm 18 tuổi; định hướng nghề nghiệp, học nghề; bảo vệ pháp lý, thừa kế tài sản; nhận phụng dưỡng người cao tuổi neo đơn.

“Chín tháng qua, ngành du lịch TP.HCM, với sự ảnh hưởng mạnh của đại dịch, không hoàn thành chỉ tiêu. Nhiệm vụ sống còn trong thời gian tới, Sở Du lịch TP.HCM tiếp tục công bố các bộ tài nguyên du lịch, phát triển 42 tuyến với các điểm đến phổ biến trên địa bàn TP, các khu vực trọng tâm, các đơn vị du lịch có thể tự thiết kế các sản phẩm du lịch, làm nền tảng để phục hồi ngành du lịch trong thời gian tới. Thời gian tới, TP.HCM sẽ có sàn giao dịch du lịch điện tử” – Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết.

“Một trong những sản phẩm đặc biệt của ngành du lịch là các chuyến đi dành để tri ân lực tuyến đầu chống dịch. Ngành du lịch sẽ liên lạc với các đơn vị y tế để trao tặng trực tiếp món quà này” – Bà Ánh Hoa chia sẻ.

“Sống chung” với dịch và những nỗi lo

Tại cuộc họp, PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Số ca mắc mới tại TP.HCM vẫn đang tiếp tục giảm dần hàng tuần kể từ sau ngày 1/10; nhiều ngày gần đây TP.HCM ghi nhận dưới 1.000 ca mắc mới.

PGS TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Linh Nhi
PGS TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Ảnh: Linh Nhi

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói: “Ngày cao điểm nhất là 28/8, số ca mắc mới lên đến 17.403 ca. Số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất là ngày 23/8 thì cho đến hôm nay chỉ có 47 trường hợp không may tử vong”.

PGS.TS Tăng Chí Thượng cho biết: “Rất nhiều người thắc mắc về cấp độ dịch của TP.HCM hiện nay là bao nhiêu? Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, chúng tôi tính toán dựa trên nhiều tiêu chí, cách đây 1 tuần TP.HCM là cấp độ 3, còn đến hôm nay thì TP.HCM đang là cấp độ 2”.

“Nghe thì cũng vui nhưng thực sự là vẫn rất đáng lo, đánh giá về cấp độ dịch chỉ là cho thời điểm tức thời thôi, không có tính chất lâu dài, do các biến chủng mới quá phức tạp, nên chúng ta không thể chủ quan” - PGS.TS Tăng Chí Thượng nói.

“Ngoài nỗ lực của các lực lượng chính trị và toàn dân khắc phục dịch, phải nhìn nhận rõ hệ thống y tế dự phòng của TP.HCM khá yếu, không đủ sức để chống chọi với đại dịch khi các chủng mới bùng phát mạnh như Delta” - PGS.TS Tăng Chí Thượng thẳng thắn nhìn nhận.

Các Sở, ban, ngành cùng thẳng thắn nhìn nhận về tình hình của TP.HCM để bàn giải pháp tháo gỡ

Các Sở, ban, ngành cùng thẳng thắn nhìn nhận về tình hình của TP.HCM để bàn giải pháp tháo gỡ

Giám đốc Sở Y tế đưa ý kiến: “Cần tái cấu trúc lại hệ thống y tế, để các bệnh viện lúc nào cũng sẵn sàng hai chức năng, vừa thu dung, điều trị COVID-19, vừa vẫn có khu vực điều trị các bệnh khác. Chứ như thời gian vừa rồi, hệ thống y tế bị động, người dân TP.HCM rất thiệt thòi vì không được điều trị các bệnh nguy hiểm khác ngoài COVID-19”.

“Thay đổi từ Zero COVID sang chung sống an toàn, hàng tuần chúng ta phải đánh giá cấp độ thật của tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các cơ sở, quận, huyện, khu vực. Mong lãnh đạo các địa phương tự nhận thức được về mức độ quan trọng của việc đánh giá này và đưa dữ liệu thật, không chạy theo thành tích. Nếu số ca vẫn tăng lên nhưng không được đưa vào đánh giá tình hình, đến lúc dịch bùng phát mạnh sẽ trở tay không kịp” - PGS.TS Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.

Sở Y tế cho biết đang phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông xây dựng nền tảng tích hợp AI để dự báo, quản lý được tình hình dịch.

PGS.TS Tăng Chí Thượng nhận định: “Công tác điều trị COVID-19 với TP.HCM vẫn còn nặng nề với khoảng 28.000 F0 đang được điều trị. Tuy đã giảm bớt rất nhiều so với hồi đỉnh dịch, nhưng đây vẫn là một gánh nặng không hề nhỏ. Hiện nay, một số bệnh viện dã chiến đã được tạm ngưng hoạt động. TP.HCM đã có lộ trình từ nay đến hết 30/11 sẽ dừng hoạt động hầu hết các bệnh viện dã chiến, quy hoạch lại mô hình Bệnh viện 3 tầng (điều trị bệnh nhân nhẹ - nặng – nguy kịch), điều trị COVID-19 tại một trung tâm, không phải chuyển bệnh đi nơi khác”.

“Ngoài ra, mô hình trạm y tế và trạm y tế lưu động chăm sóc F0 tại nhà là mắt xích quan trọng để xử lý những tình huống bùng phát mạnh. Yếu tố khác nữa là tất cả các bệnh viện đều phải xây dựng khoa COVID - đơn vị điều trị COVID, khẩn trương triển khai các bệnh viện dã chiến quận, huyện, dự kiến tồn tại lâu dài trong khoảng vài năm tới. Trước mắt, quận 4 và quận Phú Nhuận sẽ hoàn thiện các bệnh viện dã chiến này” - PGS.TS Tăng Chí Thượng cung cấp chi tiết.

“Liên quan đến việc sắp xếp lại các bệnh viện dã chiến, TP rất cần xem xét lại phương án phối hợp cho hiệu quả!” – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoà Bình lưu ý.

Ngay sau “trận chiến” căng thẳng ở TP.HCM, đúng thời điểm các lực lượng hỗ trợ hầu hết đã rút về các địa phương, thì lúc này y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch của TP.HCM liên tục tiễn các đoàn đi nhiều tỉnh khác nhau trong khu vực miền Nam để hỗ trợ chống dịch, do dịch bệnh đang bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam.