TP.HCM: Làm sao để đối mặt với 3 nguy cơ lớn thách thức hệ thống y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngành y tế TP.HCM đang đứng trước 3 nguy cơ lớn là dịch chồng dịch; nguy cơ thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế; và nguy cơ thấy rõ là có thể thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập, làm thế nào để đối mặt và đi qua?
Thiếu hụt nhân lực ngành y trong khu vực bệnh viện công là nguy cơ có thể thấy rõ. Ảnh: HB
Thiếu hụt nhân lực ngành y trong khu vực bệnh viện công là nguy cơ có thể thấy rõ. Ảnh: HB

Thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập do đâu?

Theo Bộ Y tế, tính đến nay đã có gần 10.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau. Tại TP.HCM, năm 2021 đã có 1.154 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 274 bác sĩ, 610 điều dưỡng; 6 tháng đầu năm 2022 đã có 874 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 199 bác sĩ và 391 điều dưỡng. Tổng cộng đã có 2.028 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 473 bác sĩ và 1001 điều dưỡng (chiếm khoảng 5% tổng số nguồn nhân lực y tế của TP.HCM).

Qua trao đổi với nhiều bác sĩ, nhân viên y tế làm việc tại nhiều bệnh viện công và bệnh viện tư trên địa bàn TP.HCM, được biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới những lá đơn xin nghỉ việc, ra khỏi ngành y, hoặc chuyển đổi từ bệnh viện công sang bệnh viện tư ngày một nhiều.

Đây không chỉ là vấn đề về thị trường lao động mà còn là vấn đề phúc lợi xã hội của ngành y tế, tác động lớn đến an sinh xã hội. Nhưng liệu có thể nhìn trực diện vào nguyên nhân và liệu có thể tìm ra giải pháp triệt để?

Trả lời VietTimes, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi – Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết, riêng với Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thì không có hiện tượng này. “Ở đây chỉ có người xin vào chứ ít trường hợp rời đi” - PGS.TS.BS Lê Minh Khôi nói. Một đại diện khác của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng xác nhận tại Bệnh viện này không gặp phải tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế.

PGS.TS.BS Lê Minh Khôi cho rằng: “Không có sự chênh lệch nhiều giữa cơ sở y tế công lập và tư nhân. Hơn nữa, ngay cả các bệnh viện tư nhân lớn nhất TP.HCM như Bệnh viện Hoàn Mỹ, Xuyên Á, Vạn Hạnh… cũng vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế”.

Đánh giá về việc có hay không sự lãng phí chi phí đào tạo khi hàng ngàn nhân viên y tế bỏ việc, PGS.TS.BS Lê Minh Khôi – đồng thời cũng là một giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM - khẳng định không nghĩ là có sự lãng phí hay thất thoát: “Có thể nguồn lực này được dịch chuyển từ khu vực công sang khu vực tư. Điều này là hoàn toàn bình thường, bởi vì ngay kể cả một môi trường rất tốt cũng chỉ phù hợp với tuỳ từng người, không có môi trường nào tốt cho tất cả mọi người”.

Bác sĩ Lê Minh Khôi "trực chiến" suốt một thời gian dài trong tâm dịch TP.HCM
Bác sĩ Lê Minh Khôi "trực chiến" suốt một thời gian dài trong tâm dịch TP.HCM

Không cùng quan điểm như trên, qua trao đổi với VietTimes, nhiều bác sĩ cho biết họ đang làm việc tại các bệnh viện lớn với số bệnh nhân cực đông, áp lực đặt lên vai người thầy thuốc quá nhiều nhưng bù lại thu nhập nhận được không xứng đáng.

Họ khẳng định rằng nếu bước ra khỏi khu vực y tế công, với năng lực và sức cống hiến của họ, hoàn toàn có thể đem lại những quyền lợi xứng đáng hơn, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng tốt hơn, từ đó đem lại niềm vui, tình yêu nghề nghiệp và phục vụ trở lại cho cộng đồng được tốt hơn.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Bệnh viện Quốc tế Minh Anh nhấn mạnh: “Nhiều bệnh viện nói rất giỏi nhưng làm chưa giỏi, chưa tạo ra được môi trường làm việc tốt thật sự nên nhân viên vẫn bỏ đi hàng mấy trăm người..."

Thừa nhận có tình trạng này xảy ra tại nhiều bệnh viện lớn, trong cuộc trao đổi với VietTimes, PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam – Chủ tịch Hội đồng Thành viên BV Quốc tế Minh Anh nhấn mạnh: “Nhiều bệnh viện nói rất giỏi nhưng làm chưa giỏi, chưa tạo ra được môi trường làm việc tốt thật sự nên nhân viên vẫn bỏ đi hàng mấy trăm người. Nguy cơ thiếu hụt nhân sự trong bệnh viện công là có thật, rất cần nhìn lại môi trường làm việc của mình, thực sự xây dựng môi trường làm nghề”.

Trao đổi về các yếu tố gì để giữ chân người lao động cách giải bài toán nhân lực một cách triệt để, PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam cho rằng: “Cần 3 yếu tố để giữ chân nguồn nhân lực là thu nhập, vị trí hợp lý; có chính sách đãi ngộ tốt; tạo môi trường làm việc thật sự khoa học, thân thiện. Chúng tôi vẫn hy vọng vào vai trò điều tiết của nhà nước trong vấn đề này. Rất cần các nhà hoạch định chính sách để điều tiết đúng thị trường lao động ngành y, trên cơ sở tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên. Còn phía nhân sự, khi chuyển dịch cũng nên nghĩ đến trách nhiệm xã hội để bài toán lớn không bị đi vào đường cụt”.

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch HĐTV Bệnh viện Quốc tế Minh Anh khẳng định nhiều bệnh viện công chưa tạo được môi trường làm việc tốt để giữ nhân viên. Ảnh: HB
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch HĐTV Bệnh viện Quốc tế Minh Anh khẳng định nhiều bệnh viện công chưa tạo được môi trường làm việc tốt để giữ nhân viên. Ảnh: HB

Dịch chồng dịch trong khi thiếu thuốc trầm trọng

Nguy cơ dịch chồng dịch là có thể thấy rõ với TP.HCM, với việc phát hiện một số bệnh nhân nhiễm biến chủng mới của Omicron, cụ thể bệnh nhân nhiễm BA.4 (tại Phường Thạnh Mỹ Lợi – TP. Thủ Đức) và 1 mẫu dương với biến thể BA.5 (tại xã Tân Phú Trung – Củ Chi), và còn một số biến chủng khác mà các nước đã công bố, thì chuyện có thể bùng dịch trở lại cũng nằm trong dự kiến.

Liên quan đến tình trạng này, Sở Y tế TP.HCM ngày 7/7 vừa ra văn bản chỉ đạo các đơn vị ngành y phải chú trọng và các quận huyện phải có kế hoạch sẵn sàng mở lại bất kỳ lúc nào các bệnh viện dã chiến trong trường hợp F0 tăng cao trở lại.

Dịch bệnh lưu hành sốt xuất huyết tại các tỉnh phía Nam và tại TP. Hồ Chí Minh với type huyết thanh D1 như năm 2021 nhưng bắt đầu có sự gia tăng dần type huyết thanh D2 (theo công bố của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh), tương ứng với số ca mắc mới tăng cao, số ca nặng tăng, số tử vong tăng. Tại các tỉnh khu vực phía Nam: số ca mắc đã lên đến 65.552 ca, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2019 (năm có dịch lớn). Tại TP.Hồ Chí Minh: số ca mắc đã là 21.993 ca, tăng 184% so với cùng kỳ, số tử vong đã 11 trường hợp, có cả người lớn, phụ nữ mang thai, trẻ em. Những địa phương có số mắc cao nhất là: Bình Tân, Bình Chánh, Quận 12, Thủ Đức, Hóc môn, Củ Chi, Tân Phú, Tân Bình.

Trước tình hình thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế tại một số địa phương và thiếu cục bộ tại một vài bệnh viện trên địa bàn, ngành Y tế TP.HCM đang đứng trước thách thức không nhỏ. Thiếu các thuốc và vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho các bệnh lý phổ biến gây ảnh hưởng xấu đến kết quả và chất lượng điều trị, và nhất là ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân tham gia BHYT, khiến người bệnh kiệt quệ, mòn mỏi chờ đợi, gây tâm lý hoang mang.

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết - Bệnh viện Nhi đồng I

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết - Bệnh viện Nhi đồng I

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết - Bệnh viện Nhi đồng I cho hay: "Thực tế là có tình trạng thiếu dung dịch cao phân tử chống sốc sốt xuất huyết khiến các cơ sở khám chữa bệnh gặp khó khăn..."

Trao đổi với VietTimes về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, chẳng hạn như trước thực tế điều trị dịch sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết - Bệnh viện Nhi đồng I cho hay: “Năm nay là đúng chu kỳ của bệnh sốt xuất huyết, cứ mỗi 3 - 4 năm lại bùng phát một lần khiến số ca bệnh nhập viện và số ca bệnh nặng đều tăng cao hơn các năm trước. Mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận nhập từ 70-80 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, có những ngày cao điểm tới cả trăm bệnh nhi. Tuy số bệnh nhân đông nhưng từ khoa sốt xuất huyết đến khoa cấp cứu, khoa hồi phục chức năng, hồi sức chống độc đều đảm bảo nhân sự và phương tiện, trang thiết bị để điều trị cho bệnh nhân”.

“Thực tế là có tình trạng thiếu dung dịch cao phân tử chống sốc sốt xuất huyết khiến các cơ sở khám chữa bệnh gặp khó khăn. Cụ thể, thiếu các dung dịch cao phân tử HES 200.000, Dextran 40, Dextran 70 để chống sốc sốt xuất huyết, vì lý do nhiều nước đã ngừng sản xuất dung dịch này. Hiện tại chỉ còn Thái Lan sản xuất. Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, chúng tôi đang sử dụng phương án thay thế, đó là sử dụng HES 130.000 thay thế cho HES 200.000, dù dung dịch này không mạnh bằng HES 200.000 nhưng đây cũng là nguồn thuốc nhập từ Thái Lan”.

Cũng nói về tình trạng này, PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam – Chủ tịch Hội đồng Thành viên, BV Quốc tế Minh Anh - nhấn mạnh: “Vật tư y tế là do nhà nước nhập về, hiện nay tình trạng thiếu thuốc, vật tư là tình trạng chung mà cả bệnh viện công lẫn bệnh viện tư đều phải đối mặt. Để giải quyết hiện trạng này, phải có chính sách vĩ mô. Thời gian vừa rồi, có tình trạng “ném chuột bể đồ” khiến hiện nay tình trạng nhiều người sợ hãi không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, sợ phải đi tù. Tôi cho rằng, bất cứ cái gì phát triển đến một mức độ nào đó cũng sẽ xảy ra khủng hoảng, đành phải gồng mình đối diện, chứ can thiệp vào nó mạnh mẽ quá không tốt”.

Những khẳng định của PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam không phải vô căn cứ, cụ thể là, qua buổi lắng nghe và trao đổi mà TP.HCM đã thực hiện, cũng thấy được một trạng thái tâm lý phổ biến nhất hiện nay của các trưởng phòng vật tư, trang thiết bị y tế của các bệnh viện mà nhà quản lý rất dễ nhận ra, đó là sự lo lắng, thậm chí là hoang mang với công việc được giao.

TP.HCM triển khai phương án đảm bảo đủ thuốc tại Bệnh viện. Ảnh: SYT
TP.HCM triển khai phương án đảm bảo đủ thuốc tại Bệnh viện. Ảnh: SYT

Các cán bộ y tế phụ trách cung ứng vật tư y tế, mua sắm và bảo trì các trang thiết bị y tế đều đứng giữa 2 yêu cầu chính đáng nhưng luôn đối nghịch nhau. Một mặt, phải lắng nghe và đáp ứng yêu cầu của các nhà chuyên môn trong bệnh viện luôn muốn có những vật tư, thiết bị y tế tốt nhất cho công tác chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân. Mặt khác, phải tuân thủ yêu cầu của ban giám đốc bệnh viện, nhất là phải giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước như các đoàn kiểm toán, thanh tra về xây dựng giá dự toán khi đấu thầu mua sắm để đảm bảo giá mua phải là giá thấp nhất.

Tuy nhiên, chính do hành lang pháp lý, cụ thể là các thông tư hướng dẫn cho công tác này chưa thật sự đáp ứng các tình huống đa dạng, các yêu cầu từ thực tiễn, tất cả cán bộ y tế chuyên trách hoạt động mua sắm, cung ứng, bảo trì trang thiết bị, vật tư y tế đều mong muốn sớm có những quy định pháp lý mới, giống như lĩnh vực mua sắm thuốc.

Thông tin thêm từ Sở Y tế TP.HCM cho hay, hiện tại tình hình thuốc của TP.HCM ổn định, đã có trên 50% bệnh viện có kết quả đấu thầu và tiếp tục mua sắm thuốc để phục vụ cho công tác khám chữa, điều trị bệnh.

Các nguyên nhân ngoài khả năng của hệ thống y tế Thành phố gồm có một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm nay lại ngừng sản xuất hoặc chưa được sản xuất trong nước, như dung dịch cao phân tử Dextran, huyết thanh kháng nọc rắn,…; một vài loại thuốc bị gián đoạn cung ứng do xung đột giữa Nga và Ukraina, như: Methotrexat (sản xuất tại Belarus); một số thuốc do Trung tâm mua sắm tập trung Quốc gia chậm đấu thầu hoặc đàm phán; một số thuốc mới phát sinh do triển khai kỹ thuật mới, hầu hết chưa có số đăng ký nên phải nhập khẩu chuyến và cần được Bộ Y tế cấp phép kịp thời; một số thuốc hết thời hạn của số đăng ký nhưng chưa được Bộ Y tế gia hạn kịp thời.

Về phía Sở Y tế TP.HCM cho biết đã đưa các giải pháp ứng phó với nguy cơ thiếu thuốc bằng các kiến nghị lãnh đạo Thành phố cho phép thành lập Trung tâm mua sắm hàng hoá của Ngành Y tế Thành phố; kiến nghị UBND Thành phố có giải pháp hỗ trợ ngân sách trong việc mua sắm và dự trữ một vài thuốc hiếm trong công tác cấp cứu người bệnh. Sở Y tế cũng đã thành lập Tổ công tác chuyên trách tư vấn, hỗ trợ và điều phối giải quyết tình trạng thiếu thuốc tại các đơn vị trực thuộc. Hội đồng thuốc và điều trị tại các bệnh viện cập nhật phác đồ điều trị, danh mục thuốc cần mua sắm phục vụ cho hoạt động khám, chữa bệnh.