|
Góc quận Nhất, TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Thuý. |
Hôm qua (26/11), Ủy ban Nhân dân TP.HCM vừa tổ chức hội nghị công bố Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
Đề án là kết quả của quá trình làm việc trong hơn một năm từ tháng 10 năm 2016 của các Sở ban ngành tham gia khảo sát, nhóm công tác giúp việc xây dựng Đề án và đơn vị tư vấn khung là Tập đoàn VNPT, dưới sự định hướng của Ban Chỉ đạo và Ban Điều hành xây dựng Đề án. Đề án đã được tổ chức lấy ý kiến thông qua Thành ủy, tiếp nhận góp ý từ Ủy ban mặt trận tổ quốc, Hội đồng nhân dân, các Sở ban ngành, quận huyện và Hội đồng tư vấn gồm các chuyên gia về kinh tế, khoa học đã hoặc đang tham gia giảng dạy tại các trường đại học.
TP.HCM đang giữ vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, công tác quản lý nhà nước, quy hoạch đô thị đòi hỏi phải nhanh chóng kịp thời. Do đó, việc xây dựng TP.HCM trở thành Đô thị thông minh là một trong những nội dung ưu tiên của Chính phủ nhằm sớm đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính, khoa học và công nghệ lớn của cả nước và khu vực.
Hiện thực hóa mục tiêu đó, ngày 29/9/2016, UBND TP.HCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn VNPT về việc tư vấn Khung công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong xây dựng và triển khai Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành Đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025”.
Đề án này được xây dựng với cách tiếp cận linh hoạt. Đề án đã đề xuất một lộ trình triển khai làm định hướng tham chiếu. Do vậy, Thành phố không phải chờ xây dựng một kế hoạch chi tiết xuyên suốt tất cả các giai đoạn với tổng dự toán kinh phí lớn thì mới triển khai, mà thay vào đó, có thể cân đối ngân sách theo từng giai đoạn và mục tiêu phát triển hợp lý. Mô hình triển khai linh hoạt này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để UBND TP.HCM tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân trong suốt quá trình triển khai để giúp cải tiến liên tục các giải pháp phù hợp với nhu cầu của người dân.
Theo đại diện Tập đoàn VNPT cho biết, Khung giải pháp đô thị thông minh cho TP.HCM do Tập đoàn VNPT đề xuất được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc mở: Tất cả các đơn vị công nghệ trong và ngoài nước đều có thể tham gia triển khai. Tập đoàn VNPT cũng sẽ giúp TpHCM tìm kiếm các đối tác lớn trong và ngoài nước và sử dụng các công nghệ hiện đại nhất… để triển khai các mục tiêu của Đề án.
Được biết, sau hơn 1 năm khẩn trương thực hiện, đến nay Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành Đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2025” đã được UBND TP.HCM và Tập đoàn VNPT hoàn thiện với lộ trình triển khai theo 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 (2017 - 2020): Thiết lập nền tảng công nghệ cho smart city và triển khai thí điểm các dự án đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Thành phố.
Giai đoạn 2 (2021 - 2025): Triển khai đồng bộ giải pháp đô thị thông minh trong các lĩnh vực trọng tâm trên nền tảng công nghệ chung.
Giai đoạn 3 (sau 2025): Tiếp tục mở rộng, củng cố hạ tầng công nghệ và triển khai các giải pháp theo hướng ngày càng thông minh hơn.
Để đạt các mục tiêu của Giai đoạn 1. Tp HCM sẽ triển khai 5 giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, xây dựng kho dữ liệu dùng chung cho thành phố để hoàn thiện, đồng bộ các dữ liệu từ các sở ban ngành, đơn vị trực thuộc.
Thứ hai, phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho thành phố nhằm cung cấp các loại dữ liệu phục vụ người dân, cho phép người dân tham gia giám sát đô thị.
Thứ ba, xây dựng trung tâm nghiên cứu mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của thành phố - nơi tập trung phân tích các dữ liệu đa ngành, mô phỏng dự báo các xu hướng phát triển về kinh tế, dân số, nhu cầu nhân lực, nhà ở, năng lượng, nước/nước thải, giao thông, y tế, xử lý rác thải, ngập nước, giáo dục, nhu cầu vốn... phục vụ công tác xây dựng chiến lược cho Thành phố.
Thứ tư, xây dựng Trung tâm điều hành thông minh - nơi sẽ tập trung khai thác các nguồn thông tin, dữ liệu hàng ngày của thành phố trên tất cả các lĩnh vực, qua đó giúp ứng cứu, xử lý tình huống và giúp lãnh đạo các cấp điều hành một cách tổng thể, kịp thời, chuẩn xác.
Thứ năm, thành lập Trung tâm An toàn thông tin hoạt động 24/24 đảm trách công tác bảo mật, an toàn thông tin, toàn vẹn dữ liệu, giám sát, ứng phó, phòng chống tấn công mạng cho Trung tâm dữ liệu thành phố, các hệ thống cơ yếu, cơ quan nhà nước, và có thể mở rộng cho báo đài, doanh nghiệp.
Song song với việc triển khai 05 giải pháp trọng tâm nêu trên, trong giai đoạn 1, các giải pháp trong một số các lĩnh vực được đề xuất trong Đề án sẽ được triển khai thí điểm tại Quận 1, Quận 12, và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2).