Ông Phạm Phú Quốc, Tổng giám đốc HFIC cho rằng, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng mở đường cho hình thức hợp tác công tư (PPP). “Trong thời gian tới, HFIC sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối để phát triển các dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức PPP”, ông Quốc cho biết.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Sử Ngọc Anh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, Thành phố có chủ trương khuyến khích triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP, nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách, đồng thời thu hút nguồn lực tài chính cũng như kinh nghiệm, kỹ năng của các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế. Trong đó, Thành phố ưu tiên kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP trong lĩnh vực cấp thoát nước.
Theo đó, giai đoạn 2016 – 2020, Thành phố tập trung tìm nguồn vốn đầu tư để thực hiện Quyết định số 752 về quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020 và Quyết định số 1547 về quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, tổng kinh phí chưa có nguồn cần huy động cho giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện các quy hoạch này lên tới hơn 66.000 tỷ đồng. Trong đó, có 4 nhà máy xử lý nước thải với tổng mức đầu tư 15.885 tỷ đồng, dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP với phương thức thanh toán bằng nguồn thu phí xử lý nước thải, quỹ đất và ngân sách hàng năm.
Nhìn nhận về việc các dự án cấp thoát nước của Thành phố chưa tìm được nguồn vốn đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM cho rằng có 3 nguyên nhân.
Một là, thoát nước là lĩnh vực công ích, không sinh lời; hai là, cơ chế tài chính do các nhà đầu tư đề xuất không phù hợp với điều kiện của Thành phố trong thời gian qua; Ba là, chưa có những hướng dẫn cụ thể để thực hiện các dự án PPP.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Tuấn, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển không gian ngầm (IUS) cho biết, IUS có kế hoạch tham gia, đầu tư vào một số dự án hạ tầng. Tuy nhiên, các đề xuất này phần nhiều chưa triển khai được là bởi thể chế chưa rõ ràng và mức lợi nhuận của nhà đầu tư quá thấp.
Dù khá hứng khởi và cho rằng, hình thức PPP ra đời là bước tiến về thể chế, tạo điều kiện thuận lợi, rộng mở hơn về thủ tục, cơ chế, nhưng theo ông Tuấn, các dự án thoát nước vẫn rất khó thu hút các nhà đầu tư.
“Nhà đầu tư quan tâm hàng đầu là cơ cấu phí, lợi nhuận”, ông Tuấn nói và phân tích, với cơ cấu thu phí 10% cho nhà đầu tư dự án xử lý nước thải thì không đủ để vận hành nhà máy, trả lương công nhân… làm sao có thể tính đến chuyện thu hồi vốn đầu tư.
Với các dự án chống ngập thì còn khó hơn nhiều. Bởi, với các dự án cấp thoát nước, nhà đầu tư có thể thu phí trực tiếp từ hộ tiêu thụ hoặc với các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh tại các khu công nghiệp thì thu qua các công ty kinh doanh hạ tầng.
Nhưng, với các dự án chống ngập, đơn thuần là dự án công ích nên nhà đầu tư chưa nhìn thấy cơ hội cũng như cách tính và thu phí để thu hồi vốn. Theo ông Tuấn, với các nhà đầu tư thì phương án “đổi đất lấy hạ tầng” xem ra là khả thi, nhưng với TP.HCM hiện nay, phương án này lại rất khó áp dụng, do quỹ đất quá eo hẹp và gần như không còn các vị trí đắc địa.
Ông Angus Davidson, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn ARC cho biết, hiện nay tại một số nước tại châu Á như Philippines, Mông Cổ… đang triển khai khá hiệu quả các dự án đầu tư theo hình thức PPP và một trong những yếu tố quan trọng để thành công là dự án kêu gọi được nguồn vốn từ nước ngoài.
Có 2 tiêu chí để một dự án tiếp nhận được nguồn vốn này, đó là, lựa chọn được dự án tốt và hồ sơ dự án có tính cạnh tranh cao. Cũng theo ông Angus Davidson, một dự án PPP có thể kéo dài trong nhiều năm, thậm chí là hàng chục năm, do đó, điều kiện rất quan trọng để dự án thành công là ngoài những cam kết đầy đủ và mạnh mẽ của cả chính phủ và nhà đầu tư, thì cấu trúc giao dịch tài chính của dự án phải chặt chẽ và khoa học.
Từ những phân tích trên có thể thấy, các dự án thoát nước không thể là “dự án tốt” như ý kiến của ông Davison, trong khi những “cam kết đầy đủ và mạnh mẽ” chưa thể ngay lập tức xuất hiện, khi quy chế vận hành dự án PPP mới được ban hành đã khiến trong danh sách các dự án PPP đề xuất lên Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, cho tới nay vẫn chưa hề có tên các dự án thoát nước.
Theo Đầu tư