|
TP.HCM đến nay đã hơn 2.105 ca tử vong vì COVID-19 |
Xử lý 2.105 trường hợp tử vong vì COVID-19 ra sao?
Theo BS Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM thì số ca tử vong vì COVID-19 tại TP.HCM tính đến nay là 2.105 trường hợp (chiếm tỉ lệ 1,94%) tổng số ca mắc.
Trả lời câu hỏi về thời hạn hỏa táng, mai táng với các trường hợp mắc COVID-19 tử vong là bao lâu? HCDC hướng dẫn, theo quy định tại Điều 18 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A tử vong thì thi thể phải được diệt khuẩn và tổ chức mai táng trong thời hạn 24 giờ.
Riêng với COVID-19, Bộ Y tế hướng dẫn, thi hài nhiễm COVID-19 phải được hỏa táng, chỉ mai táng khi không thực hiện được việc hỏa táng. Đồng thời phải được khâm liệm càng sớm càng tốt và hỏa táng hoặc mai táng trong vòng 24 giờ kể từ khi tử vong.
Quy trình xử lý thi hài được thực hiện ra sao? HCDC cho hay, đối với trường hợp tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, thi hài sẽ được xử lý theo Quyết định 5188/QĐ-BYT, ngay sau khi người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19 tử vong để hạn chế lây nhiễm trong quá trình xử lý. Quá trình khâm liệm tuân theo quy trình đặc biệt với bệnh dịch nguy hiểm. Thực hiện khâm liệm càng sớm càng tốt. Việc khâm liệm phải được thực hiện tại nhà tang lễ bệnh viện, hạn chế tối đa số người tham gia khâm liệm. Người trực tiếp tham gia khâm liệm thực hiện phòng hộ cá nhân và rửa sạch tay bằng xà phòng.
Tuyệt đối không để người nhà người bệnh thăm viếng trong suốt thời gian lưu giữ cho tới khi khâm liệm xong. Đặc biệt, hạn chế người vào viếng. Những ai vào viếng phải mang khẩu trang, không đụng chạm vào quan tài và vệ sinh tay bằng dung dịch cồn sau khi viếng. Ngoài ra, phải vận chuyển thi hài thẳng tới nơi hỏa táng hoặc nơi chôn (trong trường hợp tại tỉnh/thành nơi chuyển thi hài tới không có nơi hỏa táng) theo kế hoạch đã thống nhất với Trung tâm kiểm soát bệnh tật địa phương. Chuyển thi hài bằng xe ô tô chuyên dụng thẳng tới nơi hỏa táng hoặc nơi chôn. Người nhà người bệnh không được lên xe chuyển thi hài.
Đối với trường hợp tử vong tại cộng đồng, thi hài được xử lý theo quy định tại Quyết định 2233/QĐ-BYT. Ngay sau khi có người tử vong do nhiễm COVID-19 tại cộng đồng, cần phải gọi điện thông báo chính quyền, cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ xử lý thi hài. Cần phải hạn chế người không có nhiệm vụ vào khu vực có người tử vong do nhiễm COVID-19, trừ nhân viên y tế và người tham gia xử lý thi hài. Quy trình xử lý cũng phải đảm bảo phòng chống lây nhiễm.
|
TP.HCM đang cố gắng tập trung điều trị bệnh nhân nặng COVID-19 để giảm thiểu tử vong |
Liên quan đến việc thanh toán chi trả như thế nào, HCDC cho biết, Thông tư 32/2012/TT-BTC ngày 29/02 năm 2012 về Quy định chế độ, quản lý và sử dụng kinh phí đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, tại khoản 5, điều 2 ghi rõ: “Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tử vong thì được miễn phí chi phí cho việc bảo quản, quàn ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Mức chi theo thực tế phát sinh trên cơ sở hóa đơn, chứng từ hợp lệ đảm bảo theo đúng các quy định về chuyên môn y tế của việc bảo quản, quàn, ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành”.
Trách nhiệm chi trả được quy định tại điều 4 cho thấy Cơ sở cách ly y tế có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để thực hiện đầy đủ chế độ cho người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế quy định tại các khoản 1, 2, 5 và 6 Điều 2 Thông tư này.
Theo nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 Quy dịnh chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, tại điều 14 quy định về hỗ trợ chi phí mai táng, cụ thể: “Hộ gia đình có người chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn giao thông, tai nạn lao động nghiêm trọng hoặc các lý do bất khả kháng được xem xét hỗ trợ chi phí mai táng với mức tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội theo quy định tại khoản 2 điều 4 nghị định này; Cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức mai táng cho người chết quy định tại khoản 1 Điều này do không có người nhận trách nhiệm tổ chức mai táng thì được xem xét, hỗ trợ chi phí mai táng theo chi phí thực hiện, tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội quiy định tại khoản 2 Điều 4 nghị định này”.
Đối với người tử vong do COVID-19 sẽ do đơn vị nào thực hiện hỏa táng, mai táng? Câu hỏi này được HCDC trả lời: “Theo công văn 480/TTKSBT/SKMT-YTTH ngày 28/02/2020 về hướng dẫn quản lý chất thải y tế và xử lý thi hài bệnh nhân tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (COVID-19), trong đó giao Công ty TNHH Môi trường đô thị thực hiện hỏa táng, mai táng thi hài nhiễm nCoV theo hướng dẫn xử lý thi hài bệnh nhân tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona”.
|
Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng phát biểu tại họp báo ngày 5/8. Ảnh: Khang Minh |
Không có chuyện tăng giá hoả táng
Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM, căn cứ vào hướng dẫn 636 ngày 12/2/2020 và hướng dẫn 2223 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, quy trình xử lý đối với trường hợp người tử vong do bị bệnh sẽ gồm 6 bước. Tại tất cả các tỉnh, thành phố, các cơ sở y tế, các đơn vị đều buộc phải tuân thủ quy trình xử lý một cách nghiêm ngặt.
Trên địa bàn TPHCM, bệnh nhân tử vong do COVID-19 được hoả táng tại cơ sở Bình Hưng Hoà (quận Bình Tân). Cơ sở này hiện nay hoạt động 24/24 để đảm bảo đáp ứng nhu cầu xử lý.
Về chi phí, cơ sở hoả táng Bình Hưng Hoà do nhà nước quản lý, giao cho Công ty Môi trường đô thị điều hành. Do đó, không có việc tăng giá, ngưng tiếp nhận các trường hợp có nhu cầu hoả táng.
Với trường hợp người từ vong không có người thân hoặc người thân đang ở khu phong tỏa, phần tro cốt sẽ do Công ty Môi trường Đô thị lưu giữ và thông tin về gia đình. Đơn vị này sẽ trao lại cho gia đình khi có người tiếp nhận.
“Hiện nay, trong quá trình xử lý các trường hợp tử vong do COVID-19 vẫn còn tồn tại một số bất cập. Sở đã tiếp nhận những thông tin phản ánh và đang điều chỉnh những vướng mắc cho phù hợp”, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết thêm.
Liên quan đến việc hỗ trợ hỏa táng và lưu trữ tro cốt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi thông tin thêm, chế độ chính sách hỗ trợ của TP trong phòng chống dịch COVID-19 có chế độ hỗ trợ cho người nghèo. Có thể quy định vẫn chưa đủ và bao quát hết, tuy nhiên chủ trương của TP sẽ hỗ trợ đối với những gia đình không may có người mất bằng ngân sách của TP hoặc nguồn xã hội hóa. “Đây là việc thiêng liêng, cần được làm chu đáo”, Phó Bí thư Phan Văn Mãi cho biết.