TP.HCM: Đối đầu virus biến chủng mới, không “ngăn sông cấm chợ”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – “Virus biến chủng mới rất nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, cần áp dụng mọi biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nhưng không “ngăn sông cấm chợ” – Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định TP.HCM chưa có dịch, cần áp dụng mọi biện pháp phòng, chống dịch nhưng không "ngăn sông cấm chợ" (Ảnh: Huyền Mai)
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định TP.HCM chưa có dịch, cần áp dụng mọi biện pháp phòng, chống dịch nhưng không "ngăn sông cấm chợ" (Ảnh: Huyền Mai)

Năng lực xét nghiệm 15.000 mẫu mỗi ngày

Cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TPHCM (tính đến ngày 2/2/2021), phát hiện 1 trường hợp dương tính là người nhập cảnh, được cách ly ngay. Hiện số bệnh nhân mắc COVID-19 được phát hiện trên địa bàn TP.HCM đang được điều trị là 16 bệnh nhân.

“Toàn bộ các ca F1 liên quan đến các nguồn lây nhiễm virus biến chủng từ Hải Dương chỉ có 1 bệnh nhân là BN1660 đã được chuyển đến điều trị tại BV Dã chiến Củ Chi, với biểu hiện ho, đau đầu, mất khứu giác, còn lại tất cả các mẫu xét nghiệm người liên quan đều cho kết quả âm tính” – Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết.

Hoạt động khai báo, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp đến từ vùng dịch được ông Bỉnh cập nhật chi tiết: “TP.HCM có 151 người đến từ Thành phố Chí Linh, Hải Dương thực hiện khai báo (từ ngày 1-27/1), đã lấy mẫu 137 trường hợp, trong đó 108 âm tính, 29 đang chờ kết quả; 366 người làm việc hoặc đi qua sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh thực hiện khai báo (từ ngày 1-27/1), đã lấy mẫu 356 trường hợp trong đó 317 âm tính, 39 đang chờ kết quả; 146 trường hợp đến từ nơi khác của Hải Dương, Quảng Ninh, đã lấy mẫu 123 trường hợp, trong đó 104 âm tính, 19 đang chờ kết quả; 22 người đi qua các địa điểm do Bộ Y tế công bố, 17 có kết quả âm tính, 5 đang chờ kết quả”.

Ông Bỉnh cho biết: “Liên quan đến BN1660, đã truy vết 19 trường hợp tiếp xúc, 18 đã có kết quả âm tính, 1 đang đợi kết quả; 134 hành khách và tổ bay trên chuyển bay VN213 đang có mặt tại TP.HCM, trong đó 124 đã có kết quả xét nghiệm âm tính, 10 trường hợp đang chờ kết quả”.

“Liên quan đến BN1801, BN1843 tại Bình Dương, có 51 trường hợp đi cùng BN1801 trên chuyến bay VJ275 có địa chỉ cư trú tại TP.HCM, đã xác minh được 49 trường hợp; 46 trường hợp đã được lấy mẫu xét nghiệm, trong đó 32 âm tính, 14 đang chờ kết quả. Truy vết 15 trường hợp tiếp xúc gần với BN1843 tại TP.HCM, 8 trường hợp lấy mẫu đã cho kết quả âm tính” – Ông Bỉnh cho hay.

Tăng năng lực xét nghiệm, rà soát mọi đối tượng nguy cơ (Ảnh: BYT)

Tăng năng lực xét nghiệm, rà soát mọi đối tượng nguy cơ (Ảnh: BYT)

Về năng lực xét nghiệm của TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cập nhật: “TP.HCM lấy mẫu xét nghiệm thành viên các tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú; thực hiện xét nghiệm các nhóm nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm giám sát với người làm việc tại sân bay, nhân viên y tế, người dân tại cộng đồng; xét nghiệm đối với bệnh nhân COVID-19 sau xuất viện, người cách ly tập trung, người sau cách ly. Các xét nghiệm giám sát đến nay chưa phát hiện trường hợp nhiễm. Số người đang được cách ly tại các điểm cách ly tập trung là 2.791 người; Số người đang được cách ly tại nhà/nơi lưu trú là 512 người. Xét nghiệm số lượng rất lớn, tầm soát tại các khu công nghiệp, bến xe, bến tàu, sân bay, ngành y tế TP.HCM… tất cả đều âm tính”.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định: “Tổng công suất của TP.HCM có thể xét nghiệm 15.000 mẫu mỗi ngày, với các cơ sở y tế tuyến trung ương như Viện Pasteur TP.HCM (3.000 mẫu/ngày), BV Chợ Rẫy, BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, BV Thống Nhất, BV Đại học Y Dược TP.HCM… Tổng số mẫu xét nghiệm tích luỹ từ đầu mùa dịch tới nay TP.HCM đã tiến hành hơn 230.000 mẫu”.

Không “ngăn sông cấm chợ” dịp Tết

“Hạn chế tập trung đông người trong dịp Tết nguyên đán Tân Sửu, tăng cường truyền thông, phổ biến kịp thời tới mọi đối tượng về các biện pháp ứng phó, xử lý phù hợp theo hướng dẫn của ngành y tế. Kêu gọi mọi người dân trở về từ vùng dịch thực hiện khai báo y tế, liên lạc với cơ quan chức năng để được trợ giúp. Tăng cường xử lý vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19. Mở rộng cơ sở cách ly của quân đội để tiếp nhận toàn bộ đối tượng cần cách ly, kể cả những ca nhập cảnh trái phép không có điều kiện đóng phí cách ly. Xem xét có thể sử dụng lại các cơ sở cách ly của một số trường Đại học để dự bị sẵn sàng cơ sở vật chất cách ly nếu có tình huống xảy ra trước, trong và sau Tết nguyên đán” – Ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Về biện pháp kiểm soát công tác phòng, chống COVID-19, ông Nguyễn Tấn Bỉnh nhấn mạnh: “Cần kiểm soát chặt các khu cách ly tập trung, khu cách ly có thu phí, đảm bảo không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly và lây nhiễm từ khu cách ly ra cộng đồng. Mở rộng xét nghiệm tầm soát tới mọi đối tượng có nguy cơ, đặc biệt là các đối tượng phục vụ trong ngành y tế, hàng không, phục vụ trong sân bay Tân Sơn Nhất. Siết chặt công tác sàng lọc, phân luồng người đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế, cách ly ngay những người có biểu hiện viêm đường hô hấp; cung cấp đầy đủ vật tư y tế, trang thiết bị cho nhân viên y tế để phòng, chống dịch COVID-19”.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM cho biết: “Ngay khi nhận được chỉ đạo từ UBND TP.HCM, toàn bộ các trường trên địa bàn thành phố đã nghỉ học, thầy và trò chuyển sang học online kể từ sáng ngày 2/2, toàn ngành đã kích hoạt quy trình phòng chống COVID-19”.

TP.HCM yêu cầu toàn bộ nhân sự trong các cơ quan, doanh nghiệp, xí nghiệp rời khỏi TP.HCM dịp Tết cần ghi lại chi tiết lịch trình để phục vụ cho công tác truy vết khi cần, đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về cách ly, phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ doanh nghiệp hết sức lo lắng trường hợp hàng trăm ngàn công nhân về quê ăn Tết, nên công đoàn doanh nghiệp đã vận động công nhân ở lại đón Tết ở TP.HCM. Theo thống kê cho đến hiện giờ, sẽ có khoảng 70% trong số 276.000 công nhân ở các khu Công nghệ cao, Khu chế xuất sẽ ở lại TP.HCM đón Tết.

“Sở Du lịch đã triển khai đến toàn bộ các cơ sở lưu trú, thống kê có 193 khách du lịch từ TP.HCM đến các vùng có dịch và đã trở về TP.HCM. Với đối tượng từ vùng có dịch đi du lịch đến TP.HCM, đến nay thành phố có tổng số 16 người. Sở Du lịch và Sở Y tế đã thẩm định được tổng số 32 khách sạn với công suất khoảng 32.000 phòng cách ly có trả phí” – Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch cho hay.

Đại diện Cảng hàng không Tân Sơn Nhất cho biết: “Cảng hàng không Tân Sơn Nhất phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế TP.HCM và CDC TP.HCM, kiểm tra, phát hiện, đưa đi cách ly tập trung, theo dõi 231 trường hợp các đối tượng có nguy cơ. Từ đó, các trường hợp dương tính đều được phát hiện, xử lý sớm, không để lây lan ra cộng đồng. Tiếp tục tăng cường công tác phun khử trùng cảng hàng không, tàu bay, cách ly phi hành đoàn, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ tiếp viên, phi hành đoàn, nhân viên phục vụ tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Thông tin từ CDC TP.HCM cho biết đã qua hai lần xét nghiệm kết quả đều âm tính toàn bộ”.

Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, ông Nguyễn Kỳ Phùng cho biết: “Thủ Đức có 144 đối tượng F1 phải cách ly, tất cả các mẫu xét nghiệm của những người này đều âm tính”.

TPHCM họp Ban chỉ đạo Phòng chống COVID-19 chiều 2/2 (Ảnh: Huyền Mai)
TPHCM họp Ban chỉ đạo Phòng chống COVID-19 chiều 2/2 (Ảnh: Huyền Mai)

Ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh: “Theo chỉ đạo từ Chính phủ, cần xử lý nghiêm các thành phần vi phạm quy định phòng, chống dịch, nhưng không “ngăn sông cấm chợ”. Phải áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn, nhưng phải tạo điều kiện để người dân đón Tết”.

Ông Võ Văn Hoan khẳng định: “Cho đến hiện giờ TP.HCM là địa phương chưa có dịch, nhưng có nguy cơ rất cao lây nhiễm mầm bệnh từ bên ngoài vào vì là đầu mối giao thương với rất nhiều tỉnh thành. Với TP.HCM cần thực hiện nhiệm vụ mục tiêu kép +, nghĩa là vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 là trên hết, hạn chế tụ tập đông người, đeo khẩu trang thường xuyên, khử khuẩn, áp dụng mọi biện pháp chống dịch, coi đây là việc thường xuyên hàng ngày phải làm chứ không phải tỉnh trạng khẩn cấp, bình tĩnh xử lý mọi tình huống, phải đảm bảo hoạt động sản xuất, bình ổn đời sống, người dân được đón Tết nguyên đán”.