Theo Sở TT&TT TP.HCM, toàn thành phố hiện có 39 cơ quan báo chí gồm 16 báo in, 1 Đài Truyền hình (18 kênh), 1 Đài Tiếng nói nhân dân (3 kênh), 21 tạp chí, 9 báo, tạp chí điện tử, với 1.300 nhà báo được cấp thẻ cùng với lực lượng cộng tác viên khá đông đảo.
Đồng thời, trên địa bàn thành phố có 137 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khác trú đóng hoặc đặt văn phòng đại diện trực tiếp hoạt động.
Bên cạnh hoạt động của báo chí, còn có các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, blog cá nhân trên môi trường Internet.
Bên cạnh những ưu điểm như tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của công dân..., hoạt động của báo chí Thành phố vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm.
Cụ thể, vẫn còn tình trạng đưa tin về các vụ án, vụ việc tiêu cực với miêu tả quá tỉ mỉ, chi tiết các hành vi tội ác, gây cảm giác nặng nề, u ám trong đời sống xã hội; đôi lúc thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức, của công dân.
Khuynh hướng “thương mại hoá” chưa được khắc phục một cách căn cơ, quyết liệt. Một số tờ báo tập trung giật tít giật gân, câu khách (trên trang bìa) nhằm thu hút lượng người mua báo, trong khi không đầu tư để có nhiều bài viết sâu sắc liên quan đến chủ đề, đối tượng từng giới, từng ngành, lĩnh vực như tôn chỉ, mục đích mà tờ báo cần phục vụ.
Một số cơ quan báo chí còn khai thác các sự kiện, vấn đề nhạy cảm chính trị, tiêu cực nội bộ và xã hội, nóng vội chuyển tải mà không kiểm chứng nguồn tin theo qui định, hoặc cố tình dẫn đắt theo quan điểm cá nhân dẫn tới thiếu khách quan, lệch bản chất.
Để nâng cao chất lượng công tác quản lý hoạt động báo chí trong thời gian tới, Sở TT&TT TP.HCM đề xuất: Chủ động, sắp xếp lại một cách khoa học, hiệu quả các cơ quan báo chí tại Thành phố, bám theo Đề án Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2025, có tính đến tính đặc thù của một đô thị như TP.HCM. Qua đó, xây dựng một số cơ quan báo chí mạnh của thành phố, giữ vai trò chủ đạo trong việc tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội.
Cần tập trung đầu tư xây dựng một tờ báo điện tử mạnh, hấp dẫn và có sức thu hút cao, trong đó lồng ghép nhiều tiện ích, dịch vụ, đủ sức thông tin kịp thời nhằm tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, đồng thời đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý hoạt động báo chí, các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.
Đặc biệt, đề xuất Thành phố thành lập Trung tâm chuyên xử lý nội dung thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội và mạng xã hội (đây là nơi tổ chức đo lường, điều tra dư luận xã hội định kỳ, từ đó có cơ sở định hướng dư luận thông qua tổ chức các diễn đàn giao lưu, đối thoại bằng nhiều hình thức trên phương tiện truyền thông xã hội".
Nâng cao hiệu quả kênh tiếp nhận ý kiến góp ý của người dân trên môi trường mạng, tổ chức đối thoại trực tuyến, hỏi đáp trực tuyến về hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Theo Infonet