|
Cầu Cát Lái - (Ảnh minh họa) |
Sở GTVT TP.HCM cho biết, hiện nay, lưu lượng các phương tiện giao thông hỗn hợp qua phà Cát Lái ngày càng tăng cao. Cùng với đó là luồng hàng hóa từ các khu công nghiệp dọc theo quốc lộ 51 và đô thị Nhơn Trạch... được vận chuyển đi vòng theo tuyến xa lộ Hà Nội về khu vực các hệ thống cảng trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai từ Cát Lái đến quận 2, 7, 9 và đi xuống phía Nam TPHCM ngày càng nhiều, gây ùn tắc giao thông trên xa lộ Hà Nội và xa hơn 7 km so với vận chuyển theo hướng trực tiếp giữa Nhơn Trạch và TPHCM.
Vì vậy, TP.HCM đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch đã phê duyệt gồm xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái, xây dựng cầu thay thế bến phà Bình Khánh và bổ sung tuyến mới kết nối tỉnh Long An (song song quốc lộ 50) vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
Cụ thể, cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy trên đường vành đai 2 thuộc phường Cát Lái - Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TPHCM và điểm cuối kết nối vào đường tỉnh lộ 25B cách bến phà hiện hữu khoảng 1km. Về hướng tuyến đi dọc theo đường Nguyễn Thị Định đến khoảng đầu đường nội bộ số 21 thì rẽ phải và vượt sông Đồng Nai hướng về đường tỉnh lộ 25B. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn vào cầu khoảng 4,5km, trong đó đoạn vượt sông khoảng 750m.
Việc xây cầu Cát Lai sẽ giúp các tuyến đường giao thông địa phương liên kết với nhau để tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh trong khu vực nhằm khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các địa phương, tạo dịch vụ vận tải thuận lợi và hiệu quả trong phát triển kinh tế khu vực.
Cầu Bình Khánh điểm đầu tại giao lộ đường Huỳnh Tấn Phát - đường kho C cách giao lộ với đường Nguyễn Bình khoảng 800m về phía Bắc và điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác tại điểm cách bến phà Bình Khánh khoảng 2,5km về phía Nam. Hướng tuyến đi theo đường Huỳnh Tấn Phát vượt sông Soài Rạp.
Tổng chiều dài cầu và đường dẫn vào cầu khoảng 5,8km. Cầu sẽ thay phà Bình Khánh hình thành tuyến kết nối giao thông trực tiếp với khu vực phía Nam TP, hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực nhằm khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo dịch vụ vận tải thuận lợi và hiệu quả.
Đường song song quốc lộ 50 có điểm đầu kết nối đường Phạm Hùng hiện hữu với cầu kênh Cây Khô (đoạn tuyến dài khoảng 800m) tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TPHCM và điểm cuối kết nối với quốc lộ 50 tại lý trình Km12+600 (ngã tư Tân Kim, xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Hướng tuyến từ đường Phạm Hùng hiện hữu đi song song với đường Bờ Tây kênh cây Khô (xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TPHCM) đi qua sông Cần Giuộc (xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) và kết nối với quốc lộ 50 tại ngã Tư Tân Kim (xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Tổng chiều dài tuyến khoảng 8,6km.
Xây dựng đường song song với quốc lộ 50 sẽ hình thành tuyến kết nối liên vùng nhằm tăng cường năng lực giao thông giữa các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các địa phương, tạo dịch vụ vận tải thuận lợi và hiệu quả.