TP.HCM căng mình chống COVID-19, chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn

VietTimes – Chưa xuất hiện thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng nhưng TP.HCM vẫn căng mình chống COVID-19. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo rút giấy phép các nhà hàng bị xử phạt đến lần thứ 3.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tại cuộc họp phòng, chống COVID-19 (Ảnh: Huyền Mai)

Thần tốc xét nghiệm nhân viên y tế tất cả các BV

Mặc dù chưa xuất hiện thêm ca nhiễm mới trong cộng đồng, nhưng áp lực phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với TP.HCM được xác định là luôn căng thẳng, vì có rất nhiều nguy cơ.

Tại buổi họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 TP.HCM chiều tối ngày 17/5, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh lưu ý: “Đợt dịch này, Bắc Giang và Bắc Ninh nổi lên là hai tỉnh có nhiều ca nhiễm và lan nhanh nhất tại các khu công nghiệp. Sau đó tiếp theo là BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K (Hà Nội) với số ca lây nhiễm rất lớn. Dịch lan rộng trong các khu công nghiệp và BN thuộc nhiều thành phần trong xã hội chứng tỏ mức độ phức tạp của đợt lây nhiễm lần này”.

“TP.HCM đang điều trị tại BV Dã chiến Củ Chi tổng số 14 trường hợp dương tính mới, 3 trường hợp tái dương tính. Tất cả các BN này đều ổn định. Chỉ duy nhất có 1 ca rất nặng là BN 2983 (nữ, 65 tuổi, địa chỉ cư trú tại huyện An Phú, tỉnh An Giang), từ nước ngoài nhập cảnh qua cửa khẩu Long Bình, đã được cách ly ngay. Vì BN này diễn biến rất nặng, phổi trắng xoá, sau hội chẩn được xác định là nặng không thua gì BN 91 – phi công người Anh, nên được chuyển về BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để điều trị” – BS Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay.

Cung cấp các số liệu chi tiết về công tác giám sát dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cập nhật, thành phố đã xét nghiệm cộng đồng tổng số hơn 33.000 mẫu, trong đó cơ quan chức năng đã lấy mẫu ngẫu nhiên tại sân bay Tân Sơn Nhất hơn 5.000 mẫu; ngoài ra là mẫu xét nghiệm từ các bến xe, chợ đầu mối, khu công nghiệp…; TP.HCM đã triển khai 69 chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ vào TP.HCM.

“Toàn bộ nhân viên y tế tại các BV trên địa bàn TP.HCM và người nhà đều đã được xét nghiệm COVID-19. Phải nói rằng, năng lực xét nghiệm và truy vết của TP.HCM là rất tốt. Thành phố cũng tổ chức diễn tập ứng phó với các tình huống nếu xảy ra số lượng ca nhiễm lớn; chuẩn bị trang thiết bị tại các BV, cơ sở y tế; bổ sung lực lượng y tế là sinh viên các trường đại học Y trên địa bàn” – Ông Nguyễn Tấn Bỉnh nói.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh báo cáo về tình hình dịch bệnh COVID-19

Công tác cách ly tại các khách sạn, điểm cách ly tập trung của TP.HCM được đánh giá là đang làm rất tốt, cũng như phối hợp giữa các thành phần, lực lượng chức năng đã làm nghiêm túc, ăn khớp. “Trong thời gian tới, sẽ triển khai tiêm vaccine đợt 3 khi đã có lô vaccine mới đang về” – Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay.

Phạt nặng, rút giấy phép vĩnh viễn các nhà hàng vi phạm

Các lực lượng chức năng phòng, chống dịch COVID-19 cho hay, trong một tuần vừa rồi đã có hơn 3.000 cơ sở sản xuất trên địa bàn TP.HCM được kiểm tra công tác phòng, chống COVID-19; trong đó hàng trăm cơ sở bị xử phạt với số tiền lên đến gần 1 tỉ đồng.

Tối qua, 16/5/2021, đoàn công tác liên ngành của TP.HCM gồm Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, Sở Công thương, Sở văn hóa, PA03 – Công an thành phố, Ủy ban quận, Ban An toàn thực phẩm đã chia thành 3 đoàn làm việc, tiến hành kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của UBND TP. HCM về chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống… trên địa bàn thành phố.

Đoàn kiểm tra ghi nhận các cơ sở kinh doanh đang phục vụ quá số người quy định, có cơ sở đang phục vụ cùng lúc 105 người; không cho khách đo thân nhiệt, khai báo y tế, khử khuẩn trước khi vào ăn uống; không thực hiện giãn cách tối thiểu 1m; nhân viên quán không đeo khẩu trang. Tổng cộng có 9 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên các địa bàn Quận 4, Quận 7, Quận 10, Quận Bình Tân, Quận Tân Phú bị lập biên bản để xử phạt do không thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch bệnh.

Đại diện quận Bình Thạnh cũng cho hay đã có 3 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bị xử phạt đến lần thứ 2.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo: “Lực lượng chức năng cần thuyết phục bà con hợp tác trong phòng, chống dịch nhưng hành động thì buộc phải quyết liệt, dứt khoát, vì diễn biến dịch đang rất phức tạp. Các cơ sở bị xử phạt đến lần thứ 3 sẽ rút giấy phép vĩnh viễn”.

Nhóm khách Trung Quốc, có một người đang trong thời gian tự cách ly xuất hiện tại Nhà hàng The King đã khiến cơ sở này bị rút giấy phép kinh doanh. Ảnh- Nguyễn Yên

Bên cạnh các cơ sở bị xử phạt, đoàn kiểm tra cũng lập biên bản nhắc nhở nhiều cơ cở kinh cơ sở dịch vụ ăn uống khác về việc giãn cách khoảng cách, dọn dẹp bớt các bàn ghế, sử dụng dung dịch sát khuẩn để lau bàn ghế, tay nắm cửa và yêu cầu các điểm kinh doanh phải tiếp tục thực hiện tốt các quy định phòng chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là quy tắc 5K “Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế” của Bộ Y tế.

Lãnh đạo quận 11 báo cáo đã xử phạt 3 quán ăn đón khách đông quá mức quy định và chưa thực hiện tốt quy định phòng, chống dịch. “Riêng về đối tượng cán bộ công chức, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng và quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức” – Quận 11 báo cáo.

Chủ tịch UBND TP.HCM hoan nghênh quận 11 đã nghiêm túc trong việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu. “Nếu là đảng viên thì càng phải nêu gương cho quần chúng nhân dân” – Ông Phong nhấn mạnh, nhắc lại sự việc đã phải phong toả cả UBND một quận trong đợt dịch trước đây, vì có cán bộ đi ăn lẩu dê ở một quán có bệnh nhân COVID-19.

Sở GTVT báo cáo đã triển khai các biện pháp giãn cách đủ 1 mét hoặc cách nhau 1 ghế, các xe vận tải hành khách chỉ được khai thác tối đa 50% công suất nhưng thực tế qua kiểm tra cho thấy các tuyến đều khai thác thấp hơn chỉ tiêu này, đa phần các tuyến xe chỉ đưa đón từ 7 đến 10 hành khách trên một xe; không đón trả khách tới các vùng có dịch; khử khuẩn cuối mỗi ngày sau chuyến đi cuối cùng.

Lãnh đạo TP Thủ Đức báo cáo đã triển khai ký cam kết ở toàn bộ các đơn vị có đông công nhân trên địa bàn, triển khai 11 chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ vào thành phố. “Có 3 khu cách ly tập trung ở Cát Lái công suất 100 giường, ở phường Linh Trung đang cách ly 65 người và một khách sạn. TP Thủ Đức đã kích hoạt thêm 2 khu cách ly tập trung với công suất mỗi nơi 100 giường và sẽ đi khảo sát thêm các khu khác để mở rộng lên đến quy mô 500 và 1.000 giường” – TP Thủ Đức báo cáo.

Chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại các cửa ngõ vào TP.HCM, nhân viên y tế lên xe đo thân nhiệt từng hành khách - Ảnh: Trần Linh

Về bộ chỉ số an toàn của các ngành nghề trên địa bàn, ông Phong nhấn mạnh: “Đừng nghĩ rằng bộ chỉ số an toàn được lập ra vì UBND đã giao nhiệm vụ. Hãy nghĩ rằng, tất cả các ngành nghề đều cần phải làm việc này, từ trong tâm, với mục tiêu đảm bảo an toàn cho người dân. Hãy nghĩ rằng hạnh phúc lớn nhất của chúng ta là sự an toàn của người dân, là từng người công nhân không bị mất việc làm. Chỉ riêng các khu công nghiệp thôi, đã có 280.000 công nhân, trên 3.000 chuyên gia. Chỉ lơ là một chút sẽ phải trả giá. Trước tình hình dịch bệnh hiện tại, tôi không chấp nhận bất cứ sự lừng khừng nào; yêu cầu toàn bộ các tư lệnh ngành đều phải vào cuộc quyết liệt, thần tốc, đồng bộ”.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong lưu ý về trường hợp nhiều tỉnh thành phía Bắc đang phải chống chọi với tình trạng lây nhiễm chóng mặt tại các khu công nghiệp có đông công nhân. Với TP.HCM, ông Phong khẳng định: “Trước tình hình diễn biến dịch COVID-19 phức tạp như hiện tại, không thể chủ quan, lơ là. Nếu cần thì phải chấp nhận hy sinh lợi ích ngắn hạn vì mục tiêu dài hơn là sự an toàn và sức khoẻ của cộng đồng”.