TP.HCM cần 124.000 tỉ đồng vốn cho giao thông

Vận tải hành khách công cộng tính đến cuối năm 2015 chỉ đáp ứng được 9,8% so với chỉ tiêu đề ra là 15% nhu cầu đi lại của người dân TP.
TP.HCM cần 124.000 tỉ đồng vốn cho giao thông

UBND TP.HCM vừa có báo cáo Thường trực Thành ủy kết quả thực hiện chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015 và phương hướng thực hiện giai đoạn 2016-2020. Theo đó, trong số bảy chỉ tiêu đưa ra thực hiện thì có đến sáu chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.

Từ đầu năm 2011 đến nay số vụ ùn tắc giao thông kéo dài 30 phút đã giảm được 53,9% mỗi năm, đạt chỉ tiêu đề ra. Đối với số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT, TP đưa ra chỉ tiêu kéo giảm 5% trên các mặt hằng năm so với năm liền kề trước đó. Kết quả thực hiện bình quân giai đoạn từ đầu năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm số vụ TNGT đã giảm được 22,95%, số người chết giảm 6,27% và số người bị thương giảm 23,67%, đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

Đến cuối năm 2014, TP đã có 65 cây cầu được xây mới (chỉ tiêu là 50 cây cầu), dự kiến đến cuối năm nay xây mới được 74 cây cầu (đạt 148% so với chỉ tiêu đề ra). Về tỉ lệ đất dành cho giao thông, chỉ tiêu đề ra đến năm 2015 đạt 8,18% và đến năm 2020 đạt 12,2% diện tích đất đô thị. Kết quả dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ đạt 8,28% (đạt 101% so với chỉ tiêu đề ra).

Riêng về chỉ tiêu khối lượng vận tải hành khách công cộng đô thị không đạt khi đưa ra chỉ tiêu đến năm 2015 đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại và đến năm 2020 đáp ứng được 30%. Nhưng tính đến hết năm 2014, mới chỉ đạt 9,9% nhu cầu đi lại, ước đến cuối năm 2015 chỉ đạt được 9,8% (tương đương 600 triệu lượt hành khách, đạt 65,33% so với chỉ tiêu đề ra).

Lý giải nguyên nhân chưa đạt theo kế hoạch, UBND TP cho rằng do chính sách hạn chế xe cá nhân vẫn chưa được thực hiện đã tác động mạnh nhất đến lượng hành khách đi xe buýt. Hầu như người dân đã quá quen sử dụng xe máy như một phương tiện giao thông đi lại đặc thù của người dân TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung nên khó thu hút hành khách đi xe buýt. Bên cạnh đó, do chưa hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh. Ngoài ra, hạ tầng phục vụ xe buýt còn yếu kém, đặc điểm không gian kinh tế và đặc điểm cấu trúc đô thị TP cũng làm cho lượng hành khách đi xe buýt giảm…

Trong thời gian tới TP dự kiến nhu cầu vốn và kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020 trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 124.191 tỉ đồng. Trong đó, TP sẽ tập trung tối đa nguồn lực và bố trí đủ vốn để có thể triển khai xây dựng và hoàn thành các dự án trọng điểm như cầu vượt thép tại nút giao ngã sáu Gò Vấp, nút giao thông vòng xoay Mỹ Thủy, nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, xây dựng hầm chui tại ngã tư An Sương, nút giao thông An Phú, nút giao Cộng Hòa - Trường Chinh...

Theo PLTP