TP.HCM: Bệnh viện Đại học Y Dược là bệnh viện thứ 6 bị COVID-19 xâm nhập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lực lượng chức năng vừa phát hiện có ca nhiễm COVID-19 là nhân viên của một bệnh viện tuyến đầu chống dịch - bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM.
Phòng khám áp lực âm dã chiến được triển khai tại bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM từ những đợt lây nhiễm đầu tiên - Ảnh: Hòa Bình
Phòng khám áp lực âm dã chiến được triển khai tại bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM từ những đợt lây nhiễm đầu tiên - Ảnh: Hòa Bình

Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, trong sáng hôm nay, 16/6, ghi nhận có ca dương tính là nhân viên Khoa Nội - Thần kinh. Hiện Bệnh viện đã tạm ngưng hoạt động và phong tỏa khoa này. Sáng nay lãnh đạo Bệnh viện đã họp khẩn cấp với Trung Tâm kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (CDC TP.HCM) để có phương án ứng phó với diễn biến dịch bệnh.

Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã thông báo tạm ngừng hoạt động khám, chữa bệnh từ ngày 16/6 để phục vụ công tác phòng, chống COVID-19. Chưa rõ số lượng bệnh nhân nội trú cùng người nhà, và nhân viên đang có mặt tại bệnh viện. Các thông tin về dịch tễ và ca nghi nhiễm đang chờ phía Bệnh viện, CDC TP.HCM, Bộ Y tế công bố chi tiết. Thông tin ban đầu cho hay có ít nhất 2 ca nhiễm tại bệnh viện này.

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM là bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, là bệnh viện tuyến cuối ở miền Nam, cũng là bệnh viện tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19. Theo báo cáo từ Bệnh viện cho biết, trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận 5.000 - 6.000 người đến khám, chữa bệnh, là một trong những cơ sở y tế có số bệnh nhân khám đông nhất cả nước.

Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, TP.HCM phát hiện nhiều chùm ca Covid-19 thông qua khám sàng lọc tại các bệnh viện. Trước Bệnh viện Đại học Y Dược, tại TP HCM, Covid-19 đã xâm nhập 5 bệnh viện là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới từ 1 ca chỉ điểm cho đến hiện tại ghi nhận 60 ca nhiễm; Bệnh viện Nhân dân Gia Định với 2 ca nhiễm có liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới; Bệnh viện Nhi đồng 1 có 1 ca dương tính là bảo mẫu 49 tuổi, làm việc tại khoa Sơ sinh; Bệnh viện quận Tân Phú ghi nhận 5 ca dương tính và Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn (huyện Bình Chánh) cũng ghi nhận một nhân viên y tế mắc Covid-19. Người này là một nam kỹ thuật viên, được phát hiện khi bệnh viện test nhanh toàn bộ nhân viên bệnh viện.

Xe đặc chủng khẩn cấp phun khử trùng BV Bệnh Nhiệt đới - Ảnh: Hữu Khoa

Xe đặc chủng khẩn cấp phun khử trùng BV Bệnh Nhiệt đới - Ảnh: Hữu Khoa

Tính đến trưa nay 16/6, TP.HCM đã ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm với 14 chuỗi lây nhiễm khác nhau rải khắp 22 quận, huyện, TP Thủ Đức. Hơn 1.000 ca nhiễm trên tổng số 10 triệu dân, như vậy tỷ lệ lây nhiễm tại TP.HCM đang là 100 ca nhiễm trên 1 triệu dân. Vấn đề của đợt dịch cao điểm lần này là biến chủng Delta lây lan nhanh hơn biến chủng Anh gấp 60 lần khiến số bệnh nhân vẫn đang tiếp tục tăng lên chóng mặt, với mỗi ngày xấp xỉ trên dưới 100 ca nhiễm.

CDC TP.HCM dự báo, khoảng 1 tuần tới, TP.HCM có thể đạt đỉnh dịch. Tuy nhiên, tình hình kiểm soát đợt lây nhiễm nặng nề lần này còn rất khó nói vì hầu như ngày nào cũng phát hiện các ca dương tính mới qua khám sàng lọc, đang điều tra dịch tễ, chưa rõ nguồn lây.

CDC TP.HCM nhận định tình hình hiện nay mầm bệnh vẫn lây lan trong cộng đồng. Các chuỗi lây mới phát hiện chủ yếu lây nhiễm qua các tiếp xúc gần tại nơi cư trú, nơi làm việc. Để đạt hiệu quả kiểm soát dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội, người dân cần tuân thủ đúng các quy định về giãn cách xã hội, khai báo y tế khi có nguy cơ, chủ động khám bệnh khai báo y tế trung thực khi có biểu hiện viêm đường hô hấp.

CDC TP.HCM cho hay, từ ngày 26/5 đến hết ngày 12/6, thành phố đã lấy gần 600.000 mẫu xét nghiệm, trong đó khoảng 10.800 tiếp xúc gần, 582.000 tiếp xúc khác và xét nghiệm mở rộng.

Trong các trường hợp tiếp xúc gần có 10.486 mẫu âm tính, 173 mẫu chờ kết quả. Trong các mẫu tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm đã có 549.825 mẫu âm tính và 32.849 mẫu đang chờ kết quả.

Từ ngày 3/6, TP.HCM tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đợt 3, đến nay đã tiêm cho 12.136 người, trong đó số người tiêm mũi 1 là 11.258 người (6.459 người làm việc tại các cơ sở y tế, 4.078 người ngoài y tế, 721 người làm việc tại các khu cách ly, cộng tác viên), 878 người tiêm mũi 2. Các trường hợp có phản ứng sau tiêm đều được theo dõi, tất cả đều ổn định.

Tổng số hiện đang thực hiện cách ly trong thành phố là 31.502 người, trong đó 11.362 người đang cách ly tập trung, 20.140 trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi lưu trú.