Hơn một tháng nay, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra rất nghiêm trọng ở khu vực cửa ngõ Sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt sau mỗi trận mưa lớn. Được biết, ùn tắc là do người dân lưu thông từ đường Phạm Văn Đồng đổ ra đường Hồng Hà, Bạch Đằng, Phổ Quang… quá nhiều.
Thêm vào đó, công suất khai thác của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất lên đến 26,5 triệu hành khách/năm, đã vượt quy hoạch, và CHK quốc tế Tân Sơn Nhất nằm sâu trong nội thành, chỉ có một lối ra vào duy nhất nằm trên đường Trường Sơn.
Hơn nữa, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối ra vào CHK đầu tư chưa hoàn chỉnh.
Hiện tại, TP.HCM đã thông qua chủ trương đầu tư nhiều dự án giao thông ưu tiên cấp bách để kéo giảm ùn tắc khu vực CHK quốc tế Tân Sơn Nhất như: Xây dựng cầu vượt nút giao đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài với tổng mức đầu tư hơn 771 tỷ đồng; Mở rộng đường Hoàng Minh Giám, Hoàng Hoa Thám, cải tạo đường Cộng Hòa với tổng số vốn gần 600 tỷ đồng. Xây cầu thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm vốn đầu tư dự kiến hơn 504 tỷ đồng..
Ngoài ra, nhóm các dự án xung quanh khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã có chủ trương đầu tư và quy hoạch được UBND TP duyệt gồm: Xây cầu vượt bằng thép tại nút giao Trường Chinh - Cộng Hòa với vốn dự kiến 267 tỷ đồng; Mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý khoảng 657 tỷ đồng (trong đó GPMB chiếm 561 tỷ đồng); Mở rộng đường Trường Chinh với vốn đầu tư 2.049 tỷ đồng (trong đó GPMB là 1.771 tỷ đồng).
Mới đây nhất, một dự án rất lớn khác có vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng xây dựng hệ thống đường trên cao dài hơn 5.000m và rộng 7,5-12,5m, đã được đề xuất xây dựng theo hình thức PPP. Trong đó, cầu chính dài 2.665m từ đường Trường Sơn (sau ngã ba đường Cửu Long) đi vào sân ga, tạo thành một trục đường trên cao nối nhà ga quốc tế (T2) qua nhà ga quốc nội (T1) và nối đến nhà ga dự kiến xây dựng (T3).Dự án này sẽ được kết nối với tuyến đường trên cao số 1 do Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) đề xuất dài 9,5 km nối Sân bay Tân Sơn Nhất vào trung tâm TP.HCM.
Khi các tuyến đường này được đầu tư, đưa vào khai thác sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Theo tính toán của CII, tổng số vốn đầu tư cho dự án này dự kiến 15-16 nghìn tỷ đồng (bao gồm chi phí GPMB). Hình thức đề xuất đầu tư là BOT. CII đang nghiên cứu khảo sát thiết kế, sau đó sẽ đưa ra phương án cụ thể. Dự kiến năm 2017, sẽ khởi công và hoàn thành sau ba năm xây dựng nếu có mặt bằng.