Nếu không thay đổi, bạn sẽ không thể theo kịp thế giới
Nhân chuyến thăm TPHCM, TS Santhi Kanoktanaporn, Tổng thư ký Tổ chức Năng suất Châu Á (Asian Productivity Organization - APO) đã chia sẻ những dự đoán thú vị về các xu thế công nghệ lớn đang định hình nền kinh tế toàn cầu và các mô hình kinh doanh mới. Đó là công nghệ phá huỷ mang tính sáng tạo, sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ đã thay đổi hoàn toàn cách vận hành mang tính truyền thống của một số ngành.
TS Santhi cho rằng, Trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence – AI) trong tương lai gần sẽ phá hủy hình thức kinh doanh truyền thống và cách mọi thứ vận hành, chẳng hạn như người tiêu dùng có thể ngồi nhà sử dụng thiết bị thực tế ảo để mua sắm và công nghệ Fintech cho thanh toán thay vì phải lái xe vào siêu thị như hiện nay. Dự đoán cho thấy các công nghệ số như Trí thông minh nhân tạo hay Fintech, hệ thống công nghệ tài chính mới, sẽ thống lĩnh nền kinh tế và thị trường tiêu dùng.
Ông cũng nhấn mạnh việc thế giới đang tiếp nhận nhanh chóng các sản phẩm ứng dụng trí thông minh nhân tạo và điều này sẽ tác động vào mọi mặt của đời sống, bao gồm cả thị trường lao động khi mà ngày nay một số công việc đã trở nên dư thừa.
Ngoài ra, Tổng thư ký APO cũng cho rằng, 4 phương thức vận tải truyền thống (hàng không, đường thuỷ, đường bộ, đường sắt) sẽ "khó thở" khi có sự xuất hiện, cạnh tranh của phương thức vận tải thứ 5 - đường ống (hyperloop). Phương thức vận tải mới này giúp di chuyển đạt vận tốc 800 dặm/h, tương đương vận tốc máy bay.
“Hệ thống vận chuyển đường ống hiện đã được chấp thuận để triển khai tại các Tiểu vương quốc Ả rập, cụ thể là di chuyển giữa hai thành phố Dubai và Abu Dhabi có thể chỉ mất 12 phút. Ấn Độ cũng đang đánh giá để triển khai thử nghiệm phương thức này.” TS Santhi cho biết. Theo đó, người đi không cần mua vé, không phải trả tiền vì khi vận hành, tàu chạy trong đường ống sẽ tạo ra ma sát và năng lượng điện và nguồn điện đó mang tiền về.
Thêm một ví dụ khác về "công nghệ phá huỷ sáng tạo" là sợi vải dệt từ rong biển. Sự gia tăng sử dụng rong biển trong sản xuất may mặc sẽ đe đọa công nghiệp trồng bông và ảnh hưởng trực tiếp đến nhân công trong lĩnh vực này. Theo TS Santhi, trồng bông rất tốn nước trong khi nguồn nước sạch hiện nay đang dần trở nên khan hiếm. Nếu so sánh chi phí sản xuất, vải sản xuất từ sợi bông đắt hơn nhiều. Trung Quốc là nước đang tiên phong thay thế sợi bông bằng rong biển.
“Làn sóng công nghệ mới đang tạo nên cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 hay Công nghiệp 4.0 chắc chắn sẽ có tác động mạnh mẽ đến cách thức mà ngành nông nghiệp vận hành. Và vì vậy nguồn nhân lực cũng cần phải đào tạo mới và đạo tạo lại. Ngành công nghiệp và các chính phủ cần phải hành động ngay để đáp ứng nhu cầu nhân lực và kỹ năng trong tương lai.” TS Santhi cho biết.
Làm nông thời công nghệ có gì khác?
Nông nghiệp thông minh là 1 trong những lĩnh vực mà APO đang nghiên cứu và hỗ trợ kiến thức cho các nước thành viên.
"Đây là một xu hướng mới vì trước đây APO có thực hiện khá nhiều dự án về nghiên cứu đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp như các nhà máy sản xuất rau sử dụng công nghệ cao trong diện tích nhỏ để trồng rau quanh năm ", ông nói.
Theo TS Santhi: Công nghệ sẽ thay đổi cách thức làm nông nghiệp
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, công nghệ nói trên rất đắt và chỉ áp dụng được cho các quốc gia phát triển như Nhật Bản. "Đó là trước đây, hiện nay APO có thay đổi định hướng nghiên cứu phát triển ứng dụng trong nông nghiệp theo hướng áp dụng được cho các nước đang phát triển như Việt Nam hay Thái Lan, dành cho các hộ nông dân với chi phí đầu tư hợp lý.”
Theo ông, phát triển những ứng dụng nông nghiệp thông minh cho VN và các quốc gia trồng lúa nước khác cần quan tâm đến việc sử dụng nước có hiệu quả vì nguồn nước sạch tại VN và những nước xung quanh đang ngày càng khan hiếm trong sản xuất nông nghiệp.
"Nếu chúng ta ứng dụng hệ thống công nghệ đo và kiểm soát độ ẩm, kiểm soát tưới hay tưới thông minh thì sẽ tạo ra tính hiệu quả lao động cũng như năng suất cho sản xuất nông nghiệp và tiết kiệm nguồn nước, giúp cho VN thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, về sử dụng nước thông minh.”
Hiện APO đang nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ theo dõi lượng nước và độ phì nhiêu của đất, bên cạnh các điều kiện môi trường cần thiết khác và các thiết bị điều khiển từ xa như máy phun nước, thiết bị cung cấp phân bón theo từng loại…để quản lý nông trại từ xa thông qua ứng dụng điện thoại. Các giải pháp này cần được tính toán chi phí đầu tư hợp lý để các hộ nông dân có thể sử dụng.
Đây là một trong những vấn đề trọng tâm mà APO quan tâm và kêu gọi các quốc gia thành viên tập trung vào các sáng kiến để thúc đẩy Năng lực sản xuất bền vững. “Điều cốt lõi để thúc đẩy năng lực sản xuất bền vững nằm ở khả năng định hình môi trường của tổ chức nhằm tận dụng cơ hội có được trong quá trình thị trường chuyển đổi và các rủi ro kèm theo.”
Ông cho biết thêm: “Để có tính mềm dẻo và khả năng chống chịu, tổ chức phải tập trung vào các mô hình tăng trưởng năng suất có thể thích ứng và duy trì được bền vững trong một tương lai vô cùng phức tạp và ẩn chứa nhiều yếu tố bất định”.
Việt Nam hiện là thành viên của APO nên sứ mệnh của tổ chức này là góp phần thúc đẩy năng suất ở Việt Nam, phát triển các sáng kiến thông minh, sáng tạo, toàn diện và đồng bộ với kế hoạch phát triển của quốc gia.
Hiện nay, Việt Nam hướng đến công nghiệp 4.0. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị về việc tăng cường năng lực của quốc gia để tiếp cận công nghiệp 4.0. Đây cũng là một trong những vấn đề quan trọng mà APO đang tập trung nghiên cứu bên cạnh nông nghiệp thông minh và dịch vụ thông minh.