Tổng thống Putin nêu điều kiện ngăn khủng hoảng lương thực toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố tình trạng thiếu lương thực toàn cầu không phải lỗi của Nga, nhưng Moscow sẵn sàng góp phần ngăn chặn tình trạng này.
Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: Getty).
Tổng thống Vladimir Putin (Ảnh: Getty).

Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Italy Mario Draghi hôm 26/5, Tổng thống Vladimir Putin cho biết tình trạng thiếu lương thực toàn cầu không phải lỗi của Moscow, nhưng Nga sẵn sàng "đóng góp một phần đáng kể để khắc phục cuộc khủng hoảng lương thực" bằng cách xuất khẩu ngũ cốc và phân bón, với điều kiện phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt "mang động cơ chính trị".

Ông Putin cho rằng, việc cáo buộc Nga gây khó khăn cho các sản phẩm nông nghiệp trong việc tiếp cận thị trường toàn cầu là "vô căn cứ". Tổng thống Nga lý giải tình trạng này là do "sự gián đoạn trong chuỗi sản xuất và cung ứng, cũng như các chính sách tài chính của các nước phương Tây trong đại dịch Covid-19". Theo ông Putin, tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga do cuộc xung đột tại Ukraine.

Trao đổi về tình hình ở Ukraine, Tổng thống Putin thông báo với nhà lãnh đạo Italy rằng Nga đã mở lại Biển Azov cho hoạt động giao thương hàng hải và duy trì một tuyến hàng hải an toàn trên Biển Đen cho hoạt động vận tải dân sự.

Tổng thống Putin cảnh báo, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga làm tổn thương chính nền kinh tế của các nước đó, cũng như gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev hôm 19/5 cho biết các nước nhập khẩu lúa mì và các mặt hàng lương thực khác của Nga sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu không có nguồn cung từ Nga. Ông cũng cho rằng, nếu không có phân bón của Nga, các cánh đồng ở châu Âu và những nơi khác sẽ chỉ mọc cỏ dại.

"Chúng tôi có mọi cơ hội để đảm bảo rằng các quốc gia khác có lương thực và cuộc khủng hoảng lương thực không xảy ra. Chỉ cần họ không can thiệp vào công việc của chúng tôi", ông Medvedev nói thêm.

Nga và Ukraine sản xuất khoảng 30% nguồn cung lúa mì toàn cầu và là những nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới. Nga cũng là nhà cung cấp phân bón hàng đầu. Tuy nhiên, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và một loạt biện pháp trừng phạt quốc tế chưa từng có nhằm vào Nga đã làm gián đoạn nguồn cung phân bón, lúa mì và các mặt hàng lương thực khác từ cả hai nước này, đẩy giá lương thực và nhiên liệu lên cao, đặc biệt ở các nước đang phát triển.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cáo buộc quân đội Nga đang giữ "nguồn cung lương thực" cho hàng triệu người trên thế giới "làm con tin".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 19/5 đã nhắc lại lập trường của Moscow rằng, cuộc khủng hoảng lương thực là hệ quả từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, bên cạnh những yếu tố khác.

Bà Zakharova cho biết Nga vẫn đang tiếp tục cung cấp lương thực theo các thỏa thuận thương mại và hỗ trợ nhân đạo. "Đất nước chúng tôi quan tâm đến hoạt động ổn định của thị trường lương thực thế giới", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết.

Theo Dantri.com.vn