Tại Nga, ông Tập sẽ tham gia các cuộc đối thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin, và tối cùng ngày sẽ tham dự một buổi hòa nhạc tại nhà hát Bolshoi. Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh 5 năm kể từ khi Crimea trở lại một phần của nước Nga (năm 2014), khiến cho các đối tác phương Tây lạnh nhạt với người hàng xóm ở phía Đông. Ông Tập cũng sẽ tới thành phố Saint Petersburg để tham dự Diễn đàn Kinh tế mà ông Putin tổ chức trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần này.
Trung Quốc và Nga "có niềm tin chính trị mạnh mẽ và ủng hộ lẫn nhau trong nhiều vấn đề liên quan tới các lợi ích cốt lõi của mỗi bên và các mối quan ngại lớn" - ông Tập nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga trước chuyến thăm, theo một đoạn băng được công bố bởi hãng Tân Hoa Xã.
Cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin, ông Yury Ushakov, nói rằng chuyến thăm của ông Tập là một "sự kiện quan trọng trong mối quan hệ song phương của chúng tôi". Ông Ushakov nói rằng, ông Tập và ông Putin sẽ ký kết một tuyên bố chung mới về "quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu, từ đó mở ra một kỷ nguyên mới".
Phái đoàn Trung Quốc cũng mang theo 2 chú gấu trúc để làm quà tặng, dự kiến sẽ được chuyển tới Sở thú Moscow. "Loài vật này là một biểu tượng của Trung Quốc và cũng là cử chỉ quan trọng đối với các đối tác của chúng tôi" - ông Ushakov nói.
Quan hệ hợp tác song phương Nga-Trung đặc biệt nhấn vào vấn đề thương mại. Giao thương giữa hai nước đã tăng 25% trong năm 2018, đạt tổng giá trị 108 tỷ USD - ông Ushakov nói, thêm rằng Trung Quốc là "đối tác kinh tế quan trọng nhất của Nga". Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zhang Hanhui hoan nghênh chuyến thăm, gọi đó là "cột mốc quan trọng trong việc phát triển quan hệ song phương".
Hiện nay, Nga đang thực sự giảm bớt kỳ vọng về chính sách Hướng Đông của họ do hứng chịu các đòn trừng phạt của phương Tây liên quan tới vấn đề Ukraine - Alexander Gabuev, Giám đốc chương trình châu Á thuộc Trung tâm Carnegie Moscow, nhận định. Tuy nhiên, đóng góp của Trung Quốc trong hoạt động ngoại thương của Nga lại tăng gần gấp đôi kể từ đó.
"Chính sách đó thực sự đang hiệu quả" - ông Gabuev nói - "Bất chấp mọi khó khăn, Trung Quốc đang trở thành một nhà đầu tư lớn" ở Nga ngay trong bối cảnh các nhà đầu tư khác đang khăn gói ra đi.
Đối với Nga, nước đang ra sức thực thi cải cách sâu rộng để thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế và cố gắng hòa giải với phương Tây, việc tăng sự dựa dẫm vào Trung Quốc bị các nước phương Tây cho là sự hội tụ của "2 bên xấu xa" - ông Gabuev nói. Nhưng về mặt chính trị, thực tế là Nga và Trung Quốc thường xuyên đồng thuận với ý kiến của nhau, và thường bỏ phiếu giống nhau trong Hội đồng Bảo an LHQ.
"Quan điểm của Nga và Trung Quốc rất giống nhau nếu không muốn nói là hoàn toàn giống nhau trong phần lớn các vấn đề quốc tế", trong đó bao gồm cả về chương trình hạt nhân Triều Tiên, khủng hoảng Venezuela và thỏa thuận hạt nhân Iran - ông Ushakov nói, thêm rằng tất cả các vấn đề trên sẽ được đem ra thảo luận trong chuyến thăm lần này.
Cả hia nước cũng sẽ thảo luận về mối quan hệ giữa họ với "các siêu cường phương Tây, trong đó có cả Mỹ", ông Ushakov nói.
Quan hệ giữa Moscow và Washington đã bị đẩy xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, và Bắc Kinh thì đang bị "khóa" trong cuộc chiến thương mại với Washington. Mới đây, sau khi bị Washington chỉ trích về vấn đề nhân quyền, Bắc Kinh đã đưa ra cảnh báo du lịch với người dân Trung Quốc, trong đó nói rằng họ có thể trở thành nạn nhân của tội phạm và bị cảnh sát làm phiền khi tới nước Mỹ.