Tổng thống Pháp hứng tổn thất choáng váng

Tờ Boulevard Voltaire của Pháp mới đây tính toán, tổng tổn thất mà nước này phải hứng chịu vì những hợp đồng vũ khí thất bại, trong đó có cả hợp đồng Mistral, lên tới con số gây sốc là 54 tỉ euro.
Tổng thống Pháp Hollande
Tổng thống Pháp Hollande

Sau khi hợp đồng Mistral giữa Nga và Pháp đổ vỡ, một tờ báo của Pháp đã công bố một thông tin gây sốc, theo đó, ngoài việc mấtnhiều tiền vì tự ý phá ngang hợp đồng với Moscow, Paris còn tổn thất lớn hơn vì những cuộc đàm phán thất bại liên quan đến việc bán những chiếc máy bay chiến đấu Rafale cho Ai Cập và Ấn Độ. Tổng tổng thất từ việc không bán được vũ khí, thiết bị quân sự cho Nga, Ấn Độ và Ai Cập lên tới con số 54 tỉ euro, tờ Boulevard Voltaire tính toán như vậy.

Nhà bình luận Emmanuel Roussel chỉ ra rằng, việc không bàn giao hai siêu tàu chiến tối tân lớp Mistral cho Nga trên thực tế không gây ra tổn thất lớn bằng những thua thiệt tài chính khác mà Tổng thống Pháp Francois Hollande phải gánh chịu vì mất những hợp đồng vũ khí lớn. Chỉ trong vòng 3 tháng, Pháp đã mất đến 54 tỉ euro vì những hợp đồng vũ khí không thành. Trong số đó có việc huỷ bỏ hợp đồng Mistral và thất bại của hợp đồng Rafale.

Ngoài thông tin được công bố tuần trước về việc Pháp phải trả Nga 2 tỉ euro tiền bồi thường cho việc không bàn giao hai chiếc tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral, ông Roussel còn nhắc độc giả nhớ đến việc Pháp từng mất 1 tỉ euro tiền chi phí để đóng thêm hai con tàu loại này. Lý do là theo thoả thuận ban đầu đạt được năm 2011, Pháp sẽ phải bàn giao 4 tàu lớp Mistral cho Nga, vì vậy đưa số tổn thất mà Pháp phải hứng chịu liên quan đến riêng hợpđồngtàu chiến Mistral là 3 tỉ euro.

Hai tàu Mistral hiện tại đang neo đậu tại cảng ở Saint-Nazaire – nơi chúng được đóng. Việc duy trì hai tàu Mistral ngốn của những người đóng thuế ở Pháp khoảng 5 triệu euro mỗi tháng.

Thậm chí, những tổn thất nói trên chẳng là gì so với những mất mát gây ra từ thất bại trong tiến trình đàm phán các hợp đồng bán máy bay chiến đấu Rafale cho Ai Cập và Ấn Độ, ông Roussel cho biết. Ông này cảnh báo, những gánh nặng tài chính gây ra từ những vụ việc như trên sẽ do những người đống thuế của Pháp phải gánh chịu.

"Cơ cấu của kế hoạch tài chính với Ai Cập là rất rắc rối. Trong số 5,2 tỉ euro có liên quan, một nửa trong số này bao gồm những khoản vay mà do Ai Cập đàm phán từ các ngân hàng của Pháp và chỉ có một khoản đặt cọc 500 triệu euro được thanh toán".

"Mặc dù chất lượng khoản tín dụng của Ai Cập chắc chắn là không giống như Hy Lạp nhưng rõ ràng nó cũng không phải là một khoản tín dụng tốt”, ông Roussel cho biết, phàn nàn rằng bất chấp những quan ngại như vậy, “chúng tôi được yêu cầu là phải tin rằng mọi việc sẽ diễn ra tốt đẹp”.

Các cuộc đàm phán với Ấn Độ cũng được chứng minh là còn ít thành công hơn cả hợp đồng với Ai Cập, dẫn tới một khoản thâm hụt lên tới 48 tỉ euro. "Miếng bánh lớn nhất là hợp đồng Ấn Độ đã mãi mãi ra đi bởi Ấn Độ không muốn mua 126 chiếc chiến đấu cơ của Pháp (họ thích mua máy bay của Nga hơn). Tổn tất là: 48 tỉ euro".

"Tính tổng lại, Tổng thống Pháp đã đùa giỡn với 54 tỉ euro. Liệu có thể ngăn chặn được sự lãng phí to lớn như vậy không?", ông Roussel đặt câu hỏi.

Hôm 31/5, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrika cho biết, những chiếc máy bay chiến đấu hai động cơ Rafale “quá đắt” và rằng hợp đồng của họ không thể tăng tới con số vượt quá 36 bất chấp việc New Delhi ban đầu đặt hàng đến 126 chiếc như vậy.

"Tôi cũng cảm thấy giống như mình mua một chiếc BMW hay Mercedes," ông Parrika – người giải thích rằng ông chống lại việc hoang phí bởi “đầu tiên tôi không đủ tiền để mua nó và thứ hai là tôi cũng không cần nó”.

"Vì thế, 126 chiếc chiến đấu cơ Rafales là điều không khả thi về mặt kinh tế", Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ cho hay. Ông này cũng nhấn mạnh, sự hoang phí đó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến các kế hoạch hiện đại hoá những lĩnh vực khác trong quân đội Ấn Độ.

Thông tin trên có thể sẽ khiến Tổng thống Pháp Hollande phải đối mặt với thêm những sự chỉ trích, phản đối của người dân sau khi ông này gây ồn ào vì hành động quyết liệt huỷ bỏ hợp đồng Mistral với Nga.

Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào mùa thu năm nay. Tuy nhiên, mới đây, Paris đã chính thức quyết định huỷ bỏ hợp đồng trên, không bàn giao hai chiếc tàu Mistral cho Nga. Sở dĩ Paris phải đưa từ bỏ hợp đồng bán Mistral dù biết rõ tổn thất mà mình phải hứng chịu là do sức ép từ các đồng minh.

Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đổ lỗi cho Moscow đứng đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine , châm ngòi cho cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nước này. Dù Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên nhưng Mỹ và đồng minh EU vẫn gây sức ép với Moscow trên mọi mặt trận từ chính trị, kinh tế, ngoại giao đến quân sự. Trong một động thái nhằm trừng phạt Nga trên mặt trận quân sự, Mỹ và các đồng minh đã gây sức ép mạnh mẽ để buộc Pháp phải ngừng bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga.

Vân Linh theo VnMedia