Theo Nikkei, cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo cho thấy sự liên minh chặt chẽ giữa hai quốc gia trong bối cảnh đối mặt với các động thái gia tăng căng thẳng trên biển của Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo chung, ông Abe khẳng định các tuyên bố về chủ quyền tại Biển Đông cần được đưa ra trên cơ sở “phù hợp luật pháp quốc tế” chứ không phải thông qua “đe dọa” hay “những thay đổi đơn phương với hiện trạng”.
Cùng đó, Tổng thống Obama nói: “Chúng tôi rất mong muốn được thấy một nghị quyết hòa bình cho những tranh chấp này. Điều ngăn cản việc có được nghị quyết đó không phải là bất cứ việc gì mà chúng tôi đang tiến hành”.
Ý ông Obama muốn phản bác lại quan điểm Bắc Kinh luôn cho rằng Mỹ không nên can thiệp vào các vấn đề Biển Đông.
Tổng thống Mỹ khẳng định việc giải quyết những tranh chấp xung đột hoàn toàn nằm trong tầm tay của Trung Quốc.
Có vẻ như cả ông Abe lẫn ông Obama đều cảm thấy các thành viên của Liên minh châu Âu trong nhóm G7 chưa thực sự quan ngại về tình hình Biển Đông, hoặc còn lấn cấn trong việc bày tỏ thái độ khi Trung Quốc là bạn hàng lớn và quan trọng với họ.
Do đó, bằng cách đẩy vấn đề này lên ngay trước các phiên nghị sự chính thức của G7, Nhật Bản và Mỹ mong muốn các thành viên khác sẽ sẵn sàng hơn với nội dung này.
Theo các nguồn tin ngoại giao từ Mỹ và Trung Quốc của Nikkei, Bắc Kinh lo ngại các nhà lãnh đạo G7 sẽ bày tỏ lập trường cứng rắn về các động thái của họ ở Biển Đông trong tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh.
Vì lẽ đó, Trung Quốc đã kín đáo vận động Ý và các thành viên G7 khác có nhiều quan tâm tới các khoản đầu tư của Trung Quốc giúp họ ngăn cản việc Nhật Bản và Mỹ đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự.
Tuy nhiên nguồn tin của Nikkei cũng nói cả ông Abe lẫn ông Obama dường như đều bỏ qua các áp lực vận động hành lang đó.
Theo Tuổi Trẻ