Kết quả vụ kiện Biển Đông là căn cứ mạnh nhất bác bỏ “đường lưỡi bò” phi pháp

VietTimes -- Theo tính toán của Philippines, chỉ cần phủ định được "đường đứt đoạn" thì có thể phủ định toàn bộ chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo đá trên Biển Đông.
Bãi cạn Scarborough - Trung Quốc cưỡng đoạt từ tay Philippines năm 2012. Nguồn ảnh: Đài tiếng nói Đức.
Bãi cạn Scarborough - Trung Quốc cưỡng đoạt từ tay Philippines năm 2012. Nguồn ảnh: Đài tiếng nói Đức.

Vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc về vấn đề Biển Đông đã sắp đến hồi kết; dự kiến, tòa trọng tài sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng trong thời gian tới. Kết quả vụ kiện Biển Đông được xem như căn cứ mạnh nhất bác bỏ “đường lưỡi bò” phi pháp của Bắc Kinh.

Mặt trận phương Tây đứng đầu là Mỹ đang trông đợi triển khai một cuộc chiến khác để buộc Trung Quốc phải tuân thủ quy tắc quốc tế.

Nội dung chính trong vụ kiện của Philippines mà tờ Đa Chiều của cộng đồng người Hoa tại Hoa Kỳ cho là Mỹ "đạo diễn" bao gồm: Một là yêu cầu tòa trọng tài phán quyết bãi cạn Scarborough và các đảo đá ở quần đảo Trường Sa không thể được hưởng quyền lợi lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và Trung Quốc đã thách thức phi pháp đối với quyền lợi biển của Philippines. 

Hai là yêu cầu tòa trọng tài phán quyết "quyền lợi lịch sử" do Trung Quốc đòi hỏi thiếu căn cứ pháp lý, "đường lưỡi bò đứt đoạn" Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), đồng thời các hoạt động của Trung Quốc trên một số thực thể của quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) đã vi phạm UNCLOS.

Theo tính toán của Philippines, chỉ cần có thể phủ định được "đường đứt đoạn" thì có thể phủ định toàn bộ chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo đá trên Biển Đông; có thể loại bỏ quyền đòi hỏi của Trung Quốc về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Và chỉ cần có thể phán quyết Trung Quốc tiến hành các hoạt động phi pháp ở Biển Đông thì có thể "đuổi thẳng cổ" Trung Quốc khỏi Biển Đông. Đây chính là 3 mục đích tiến hành vụ kiện Biển Đông của Philippines.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Nguồn ảnh: Chinatimes Đài Loan.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Nguồn ảnh: Chinatimes Đài Loan.

Sau khi nước Trung Quốc mới thành lập vào năm 1949, Bắc Kinh bắt đầu nổi lên tham vọng bành trướng lãnh thổ ở các vùng biển xung quanh, đưa ra một loạt tuyên bố, xây dựng luật trong nước, lập ra tổ chức hành chính, sử dụng vũ lực xâm chiếm các đảo đá ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa (đều thuộc chủ quyền của Việt Nam) để đòi hỏi chủ quyền và quyền lợi ở Biển Đông.

Đa Chiều cũng ngộ nhận rằng sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, "đường đứt đoạn" (đường lưỡi bò) của Trung Quốc "đã nhận được sự thừa nhận hoặc ngầm thừa nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước xung quanh Biển Đông" (?) nhưng thực tế không có chuyện đó.

Bắc Kinh cũng thường xuyên tuyên truyền, ngộ nhận như vậy, cho dù nước khác có phủ nhận quan điểm của họ hay không. Chẳng hạn, gần đây, Vương Nghị - Ngoại trưởng TQ đi thăm 3 nước ASEAN, sau chuyến thăm, Bắc Kinh tự tuyên bố đã đạt được "đồng thuận" với Brunei, Campuchia và Lào về vấn đề Biển Đông. Nhưng sau đó, phía Campuchia đã phủ nhận đạt được "đồng thuận" với Trung Quốc - PV.

Theo ý trên của Đa Chiều, thì việc Trung Quốc đánh chiếm các đảo đá ở Biển Đông đã tạo ra một phần của trật tự quốc tế sau Chiến tranh. Theo đó, Đa Chiều suy diễn, việc thách thức "chủ quyền" của Trung Quốc ở Biển Đông chính là "thách thức trật tự quốc tế sau Chiến tranh và chống lại trật tự quốc tế hiện hành". Đó quả là lý sự cùn.

Hiện nay, phán quyết cuối cùng sắp được đưa ra, có một số vấn đề hiện có thể dự đoán: Một là tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc-Philippines không chỉ không được giải quyết do vụ kiện, trái lại sẽ tiếp tục trầm trọng thêm (do Trung Quốc cố tình không tuân thủ phán quyết). 

Máy bay chiến đấu J-11BH tập luyện bất hợp pháp trên sân bay ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam. Nguồn ảnh: Internet Trung Quốc..
Máy bay chiến đấu J-11BH tập luyện bất hợp pháp trên sân bay ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam. Nguồn ảnh: Internet Trung Quốc..

Thứ hai, một số nước sẽ vận dụng kết quả vụ kiện trọng tài để nhấn mạnh đến mối đe dọa đến từ Trung Quốc (bành trướng lãnh thổ, bành trướng quân sự ở Biển Đông), đồng thời tiếp tục tận dụng cơ hội này để phản đối Trung Quốc.

Thứ ba, Trung Quốc "sẽ không nuốt quả đắng do một số nước chuẩn bị kỹ càng cho Trung Quốc" - Đa Chiều bình luận. Tức là, Trung Quốc sẽ không thực hiện phán quyết. 

Mặc dù Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, tiếp tục tham vọng bành trướng, Đa Chiều vẫn nhận định Trung Quốc là "người bảo vệ kiên định của hòa bình, của ổn định Biển Đông" để vào hùa với chính sách bành trướng trên Biển Đông của nước này.