Tờ "Người quan sát" Trung Quốc ngày 18/5 dẫn hãng tin CNA Đài Loan cho hay, tối ngày 16/5, Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines, ông Antonio Carpio đã nói trên chương trình chính luận Đài truyền hình GMA rằng do có nhóm người tự xưng ở Đài Loan đệ trình tuyên bố lập trường về đảo Ba Bình (quần đảo Trường Sa, Việt Nam) lên tòa trọng tài, khiến cho Philippines tiếp tục phản hồi lập trường của Đài Loan vào ngày 22/4. Diễn biến này đã trì hoãn thời gian tuyên bố kết quả phán quyết của tòa trọng tài.
Ông Antonio Carpio cho hay: "Tòa trọng tài hiện có thể phải đợi đến tháng 6, thậm chí tháng 7 mới tuyên bố kết quả". Vị thẩm phán này là một trong những thành viên của đoàn pháp lý Philippines trong vụ kiện Biển Đông.
Theo bài viết, Philippines căn cứ vào quy định 7 của văn kiện kèm theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển, tiến hành kiện Trung Quốc lên tòa trọng tài về vấn đề Biển Đông. Trong giải trình giai đoạn 2 từ ngày 24 đến ngày 30/11/2015, Philippines gọi đảo Ba Bình là một đá (rock) chứ không phải đảo (island), không được hưởng quyền lợi biển 12 hải lý.
Bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái, nhà cầm quyền Đài Loan liên tiếp có các động thái bất hợp pháp ở đảo Ba Bình, lần lượt cử các quan chức cao cấp và các chuyên gia đổ bộ trái phép lên đảo, tìm cách khẳng định đảo Ba Bình là "đảo", không phải là "đá".
Cuối tháng 1/2016, thậm chí ông Mã Anh Cửu đã đích thân thực hiện cái gọi là "thị sát" đảo Ba Bình. Tháng 3/2016, nhà cầm quyền Đài Loan còn mời nhiều phóng viên của các hãng tin lớn trên thế giới đến đảo Ba Bình để tuyên truyền chủ trương của Đài Loan.
Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đài Loan chiếm đóng phi pháp đảo này và thường xuyên đưa lực lượng tuần duyên đến đây đồn trú trái phép. Gần đây, Đài Loan đã nâng cấp trái phép cảng biển trị giá 100 triệu USD và xây hải đăng mới trên đảo Ba Bình.
Việt Nam đã nhiều lần phản đối các hành vi xâm phạm chủ quyền của Đài Loan đối với quần đảo Trường Sa, yêu cầu ngừng các hoạt động xây dựng trái phép, không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.
Đối với các hành vi xâm phạm chủ quyền gần đây của Đài Loan, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhiều lần khẳng định rõ đó là các hành vi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, làm leo thang căng thẳng.
Việt Nam yêu cầu Đài Loan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không tái diễn bất cứ hành động nào làm leo thang căng thẳng, phức tạp thêm tình hình, đồng thời có những đóng góp tích cực vào nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Hiện nay, trong thời điểm Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines, Trung Quốc đang chạy đua với thời gian để giải thích lập trường, chủ trương của họ ở Biển Đông, đồng thời vận động quốc tế ủng hộ cho lập trường của họ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc họp báo giải thích, biện hộ cho mình, nhất là vào ngày 6/5 và ngày 12/5. Đáng chú ý, Bắc Kinh liên tiếp tuyên bố họ đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước đối với lập trường, chủ trương của họ trong giải quyết vấn đề Biển Đông.
Chẳng hạn, sau khi thăm 3 nước Đông Nam Á gồm Brunei, Campuchia, Lào gần đây, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố đã đạt được "đồng thuận" với ba nước này về vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, sau đó, quan chức Campuchia chính thức tuyên bố, Campuchia không hề đạt được "đồng thuận" nào với Trung Quốc. Điều này đã làm bẽ mặt Bắc Kinh.
Vụ trưởng Vụ các điều ước và pháp luật Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Từ Hồng gần đây cũng tự tin nói: "Trung Quốc không hề cảm thấy bị cô lập".
Sau Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 7 Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - Ả rập gần đây, Trung Quốc tự tin công bố có khoảng 40 nước "ủng hộ" lập trường của họ trong vấn đề Biển Đông.
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố như vậy, nhưng rõ ràng, các nước đều yêu cầu giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, dựa trên Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)...
Tuy nhiên, cho dù Trung Quốc có tìm mọi cách lôi kéo dư luận quốc tế như thế nào, mọi vấn đề tranh chấp chủ quyền hay tranh chấp quyền lợi biển... đều phải được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế được thừa nhận phổ biến, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Hơn nữa, không nước nào có quyền giải thích sai, áp dụng sai UNCLOS.
Việt Nam có đầy đủ mọi cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.