Tổng thống Hàn Quốc bị luận tội sẽ có ảnh hưởng thế nào?

VietTimes -- Cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc có thể được tổ chức vào ngày 9/5/2017, tình hình chính trường Hàn Quốc hiện rất phức tạp, khó dự đoán. Việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc có thể ít bị ảnh hưởng.
Ngày 10/3/2017, quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc Lee Jung-mi đọc phán quyết đối với bà Park Geun-hye. Ảnh: Yonhap
Ngày 10/3/2017, quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc Lee Jung-mi đọc phán quyết đối với bà Park Geun-hye. Ảnh: Yonhap

Bầu cử Tổng thống có thể tổ chức vào ngày 9/5
Ngày 10/3, toàn bộ thành viên của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã nhất trí thông qua quyết định tiến hành luận tội đối với bà Park Geun-hye, Tổng thống Hàn Quốc.
Do đó, bà Park Geun-hye lập tức mất chức, ngoài việc phải rời khỏi Điện Blue House theo quy định, bà cũng sẽ mất đi những đãi ngộ của một nguyên thủ sau khi rời bỏ chức vụ, bà chỉ còn được bảo vệ an toàn.
Điều quan trọng hơn là bà Park Geun-hye lập tức trở thành “dân thường”, không còn được hưởng quyền được miễn hình sự. Do đó, trong các cuộc điều tra tới đây, bà Park Geun-hye sẽ không có quyền từ chối điều tra và không thể né tránh.
Theo kế hoạch ban đầu, cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc tiếp theo sẽ được tổ chức vào ngày 20/12/2017, nhưng do bà Park Geun-hye bị phế truất, cuộc bầu cử này sẽ được tiến hành trước nửa năm. Hiến pháp Hàn Quốc quy định, khi Tổng thống bị luận tội thì phải tổ chức cuộc bầu cử tiếp theo trong vòng 2 tháng.
Dự kiến, cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào đầu tháng 5/2017. Do tuần đầu tiên của tháng 5 trùng với một kỳ nghỉ, có thể làm cho tỷ lệ phiếu bầu giảm đi, cho nên cuộc bầu cử sẽ có thể được tổ chức vào ngày 9/5 sau khi kết thúc kỳ nghỉ. Thời gian bầu cử cụ thể sẽ còn do ông Hwang Kyo-ahn, Thủ tướng, quyền Tổng thống Hàn Quốc quyết định.

Bà Park Geun-hye chính thức bị phế truất chức Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap
Bà Park Geun-hye chính thức bị phế truất chức Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Cuộc bầu cử sẽ có lợi cho ai?
Từ cuối năm 2016, sau khi bà Park Geun-hye bị Quốc hội thông qua đề nghị luận tội, thanh thế của phe đối lập lên cao. Cựu chủ tịch đảng Dân chủ đồng hành, ông Moon Jae-in có tỷ lệ ủng hộ cao hơn cả cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Ban Ki-moon, người có ý giúp đảng cầm quyền tham gia tranh cử.
Nhưng, ở phe đối lập, ngoài ông Moon Jae-in, cùng tranh cử còn có Lee Jae-myung, Thị trưởng thành phố Seongnam, tỉnh Gyeong; Ahn Hee-jung, Chủ tịch tỉnh South Chungcheong; Ahn Cheol-soo, cựu Chủ tịch đảng Nhân dân.
Sau khi ông Ban Ki-moon bất ngờ tuyên bố rút lui, không tham gia tranh cử vào đầu tháng 2/2017, phe bảo thủ luôn ở trạng thái “đi xuống”, người giữ được tiếng nói lớn nhất là Thủ tướng kiêm quyền Tổng thống Hàn Quốc, ông Hwang Kyo-ahn, nhưng ông đang ở trong hoàn cảnh khó khăn khi bị “kẻ thù mạnh” bủa vây tứ phía.
Tổ chức thăm dò dư luận Realmeter Hàn Quốc công bố, cuộc thăm dò tuần thứ 2 tháng 3/2017 cho thấy, ông Moon Jae-in có tỷ lệ ủng hộ đứng đầu với 36,1%, tiếp theo là ông Hwang Kyo-ahn với 14,2%, Ahn Hee-jung với 12,9%, Lee Jae-myung với 10,5%.
Với việc bà Park Geun-hye chính thức bị phế truất, cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc sẽ được tổ chức sớm trong thời gian tới, nhân vật đang nổi nhất Moon Jae-in sẽ càng “như cá gặp nước”.
Ông Moon Jae-in năm nay 64 tuổi, là bạn thân của cựu Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun, từng làm Chánh văn phòng chính quyền Roh Moo-hyun. Giống như ông Roh Moo-hyun, ông Moon Jae-in chủ trương tăng chi tiêu phúc lợi xã hội, khuyến khích tiếp xúc nhiều với Triều Tiên, rất được tầng lớp bình dân và thanh niên hoan nghênh.
Ông Moon Jae-in từng tham gia tranh cử Tổng thống vào năm 2012, nhưng đã bị bà Park Geun-hye đánh bại. Điều thú vị là, ông Moon Jae-in và bà Park Geun-hye từng đối đầu trong vụ luận tội ông Roh Moo-hyun năm 2014, khi đó ông Moon Jae-in là luật sư bào chữa cho ông Roh Moo-hyun.

Các ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc gồm các ông Moon Jae-in, Hwang Kyo-ahn và An Hee-jung. Ảnh: Yonhap
Các ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc gồm các ông Moon Jae-in, Hwang Kyo-ahn và An Hee-jung. Ảnh: Yonhap

Các đối thủ khác của ông Moon Jae-in hiện còn phải tập trung nhiều nguồn lực hơn cho mở rộng uy tín để tranh cử, ông Moon Jae-in sớm đã chuẩn bị sẵn cho tham gia tranh cử trước khi bà Park Geun-hye bị dính vào bê bối. Ông Moon Jae-in cũng tích cực hưởng ứng phong trào chống Park Geun-hye trong dân chúng Hàn Quốc.
Nhưng về lâu dài, phe đối lập cũng tồn tại đối đầu giữa phe thân Moon Jae-in và phe chống Moon Jae-in, dẫn tới sự chia tách của Liên minh dân chủ chính trị mới thành đảng Dân chủ đồng hành và đảng Nhân dân hiện nay. Cử tri phe bảo thủ cũng phần lớn giữ thái độ hoài nghi đối với ông Moon Jae-in, không dễ dàng thu hút được.
Những người ủng hộ phe bảo thủ có thể sẽ dành nhiều ủng hộ hơn cho Thủ tướng Hwang Kyo-ahn hay Ahn Hee-jung, chủ tịch tỉnh South Chungcheong.
Ngoài ra, ở Hàn Quốc cũng có phong trào ủng hộ bà Park Geun-hye. Họ cũng đi biểu tình và yêu cầu phủ quyết luận tội. Nhiều người trong số này đã trải qua chiến tranh Triều Tiên, cho rằng đất nước cần có sự ổn định. Họ yêu cầu chính phủ lập tức “tuyên bố giới nghiêm”, thậm chí nhấn mạnh bảo vệ đồng minh Mỹ - Hàn và tầm quan trọng của bảo vệ an ninh quốc gia.
Gần đây, cả phe ủng hộ và phe chống đối bà Park Geun-hye đều tập trung trước Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc để bày tỏ thái độ. Cảnh sát Hàn Quốc đã phải tiến hành phòng bị, thiết lập rào chắn, tìm cách duy trì trật tự trong thời gian Tòa án Hiến pháp tuyên án.
Sau khi tòa tuyên án, những người ủng hộ luận tội reo hò ở ngoài Tòa án Hiến pháp, trong khi đó, những người ủng hộ bà Park Geun-hye lại thể hiện thái độ bất mãn, không ngừng tỏ thái độ tức giận bên ngoài tòa án.

Từ ngày 6/3/2017, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc. Ảnh: Sina
Từ ngày 6/3/2017, Mỹ và Hàn Quốc đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc. Ảnh: Sina

Ảnh hưởng gì đến vấn đề THAAD?
Gần đây, Hàn Quốc và Mỹ quyết định triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) ở quận Seongju, tỉnh Bắc Gyeongsang. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Lotte trong việc sử dụng sân golf của Tập đoàn Lotte để triển khai THAAD.
Điều này đã gây ra phẫn nộ cho chính phủ Trung Quốc, các địa phương Trung Quốc thậm chí xuất hiện dấu hiệu chống Lotte và chống Hàn Quốc.
Những người phản đối THAAD ở Hàn Quốc cho rằng chính phủ tự ý đưa ra quyết định khi chưa tiến hành thảo luận trước về vấn đề triển khai THAAD, dẫn tới quan hệ ngoại giao bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhưng cũng có người cảm thấy tức giận với hành vi “trừng phạt” của phía Trung Quốc.
Các ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc gồm Moon Jae-in và Ahn Hee-jung đều bày tỏ thái độ phản đối triển khai THAAD trong thời điểm hiện nay. Ông Moon Jae-in thậm chí yêu cầu để vấn đề triển khai THAAD cho chính quyền nhiệm kỳ tới giải quyết; cho rằng vấn đề ưu tiên nhất của ngoại giao Hàn Quốc hiện nay là ngăn chặn quan hệ Hàn - Trung bị ảnh hưởng bởi vấn đề triển khai THAAD. Nhưng, sau đó lập trường phản đối THAAD của ông Moon Jae-in đã “mềm” đi, cho thấy ông có thể tiếp nhận THAAD.
Nhìn bề ngoài, ông Moon Jae-in hầu như có ý định tận dụng ưu thế dư luận để xoay ngược lại vấn đề THAAD, nhưng điều này lại làm cho Thủ tướng Hwang Kyo-ahn nhanh chóng đẩy nhanh hợp tác với Mỹ, sớm triển khai hệ thống THAAD, qua đó tập trung sự ủng hộ của cử tri phe bảo thủ, những người coi trọng bảo vệ an ninh.
Trên thực tế, sau khi Triều Tiên đã phóng thêm 4 quả tên lửa đạn đạo về phía biển Nhật Bản vào sáng ngày 6/3/2017 để thể hiện thái độ phản đối với cuộc tập trận chung Hàn - Mỹ đang diễn ra, ngay lập tức, cùng ngày, Hàn - Mỹ công bố bắt đầu triển khai THAAD. Một chiếc máy bay vận tải C-17 Mỹ đã chở 2 xe phóng tên lửa và một bộ phận trang bị của THAAD đến Hàn Quốc.

Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) Mỹ. Ảnh: Cankao
Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) Mỹ. Ảnh: Cankao

Việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc được dư luận Trung Quốc đặc biệt quan tâm. Trang tin Sina Trung Quốc ngày 10/3 cho rằng, ngoài ông Hwang Kyo-ahn, các ứng cử viên Tổng thống còn lại của Hàn Quốc đều giữ thái độ trung lập và nghiêng hơn về phản đối THAAD.
Bài báo hy vọng sau khi có Tổng thống mới, Hàn Quốc sẽ thay đổi lập trường về triển khai THAAD; cho rằng triển khai THAAD đều không có lợi gì cho cả Trung Quốc và Hàn Quốc, do đó yêu cầu Hàn Quốc cần cân nhắc “kỹ lưỡng”.
Sau khi bà Park Geun-hye bị phế truất, tình hình chính trường Hàn Quốc bước vào một giai đoạn mới. Tình hình dư luận trong nước, các vấn đề trong và ngoài nước hết sức phức tạp, các nhân vật chính trị của phe “tiến bộ” và phe đối lập sẽ ứng phó thế nào và mở rộng tầm ảnh hưởng ra sao vẫn còn rất nhiều biến số. Đây là thử thách lớn nhất của Hàn Quốc sau khi bước vào dân chủ hóa năm 1987.