Tổng thống Biden sắp tung "cú đánh cuối cùng" trong cuộc chiến chip với Trung Quốc

Tờ SCMP hôm 12/12 dẫn nguồn độc quyền đưa tin chính quyền Biden có kế hoạch nâng cấp lệnh cấm chip với Trung Quốc trước cuối tháng này nhằm ngăn chặn các công ty nước này mua chip AI tiên tiến từ bên thứ ba.
Ông Joe Biden sẽ ban hành quy định mới nâng cấp lệnh cấm chip với Trung Quốc trước khi kết thúc nhiệm kỳ. Ảnh: DW.

Theo hai nguồn giấu tên thông thạo với vấn đề này, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới sẽ tập trung vào các lô hàng chip xử lý đồ họa (GPU) được sử dụng để huấn luyện mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) trên toàn cầu.

Họ cho biết động thái này nhằm mục đích quản lý việc "phát tán" các sản phẩm của Mỹ để đảm bảo Mỹ duy trì vị trí dẫn đầu về AI toàn cầu. Tuy nhiên, thời điểm thực hiện vẫn có thể thay đổi do biện pháp này vẫn chưa được xác định.

Cú đánh cuối cùng trước khi rời Nhà Trắng

Theo SCMP, nếu tin này được xác nhận, đây sẽ là bước leo thang nhanh chóng các hạn chế của Mỹ đối với chip Trung Quốc dựa trên đợt cấm trước đó.

Theo tiết lộ, các biện pháp mới dự kiến ​​sẽ bao gồm một số điều khoản nhằm ngăn chặn các công ty Trung Quốc mua phần cứng bị hạn chế như GPU thông qua các nước thứ ba. Các biện pháp này sẽ thiết lập cái gọi là "giới hạn quốc gia/khu vực" nhằm giám sát và hạn chế việc vận chuyển GPU đến các địa điểm cụ thể và triển khai hệ thống cấp phép toàn cầu với các yêu cầu báo cáo và ngoại lệ.

Một nguồn tin cho biết các quy định mới được soạn thảo với ý kiến ​​đóng góp của Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan. Đây là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ nhằm giám sát và kiểm soát việc tạo ra các trung tâm máy chủ và GPU quy mô lớn trên khắp thế giới để phát triển AI.

Một nguồn tin cho biết, cách thức thực hiện điều khoản hạn ngạch quốc gia/khu vực nêu trên rất “phức tạp” và chi tiết cụ thể hiện vẫn chưa rõ ràng.

Cuộc chiến chip Mỹ - Trung bắt đầu từ nhiệm kỳ trước của ông Donald Trump hiện vẫn ngày càng gay gắt. Ảnh: eNanyang.

Tờ SCMP nhắc lại, chính quyền Biden năm 2023 đã ban hành các quy định nhằm sử dụng “đặc quyền ngoại giao” trong lĩnh vực thương mại để ngăn chặn Trung Quốc và các “quốc gia đáng lo ngại” khác mua các mặt hàng bị hạn chế như chip tiên tiến từ các nước thứ ba.

Tuy nhiên, theo hãng tin công nghệ Mỹ The Information hồi tháng 8, các công ty Trung Quốc hiện đã thiết lập được một mạng lưới phức tạp gồm các công ty và cá nhân để mua chip từ các nước Đông Nam Á như Singapore và Malaysia.

Ngày 9/12, cơ quan quản lý Trung Quốc đã mở cuộc điều tra Nvidia vì nghi ngờ vi phạm luật chống độc quyền. Theo tính toán, Nvidia có thể phải đối mặt với mức tiền phạt tối đa từ 2,06 tỷ USD đến 5,015 tỷ USD. Thông tin này khiến giá cổ phiếu của công ty công nghệ Mỹ sụt giảm mạnh. Khi kết thúc giao dịch ngày 9/12, cổ phiếu Nvidia lúc đóng cửa giảm gần 3% và giá trị thị trường bị bốc hơi 89,6 tỷ USD chỉ sau một đêm.

Trong những năm gần đây, chính phủ Mỹ tiếp tục mở rộng khái niệm an ninh quốc gia, sử dụng quyền lực nhà nước và dùng mọi biện pháp để áp chế các doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc.

Ngày 2/12, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành một lệnh cấm xuất khẩu chip mới liên quan đến khoảng 140 thực thể Trung Quốc. Đây đã là cuộc tấn công quy mô lớn thứ ba do Mỹ tiến hành nhằm vào ngành bán dẫn của Trung Quốc trong vòng ba năm qua.

Trung Quốc chuẩn bị ứng phó và đáp trả

Ngày 3/12, 4 tổ chức gồm Hiệp hội Internet Trung Quốc, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, Hiệp hội sản xuất ô tô Trung Quốc và Hiệp hội Doanh nghiệp truyền thông Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố kêu gọi các công ty Trung Quốc thận trọng khi mua chip Mỹ. Ba trong số các hiệp hội chỉ ra rằng các sản phẩm chip của Mỹ “không còn an toàn và đáng tin cậy”.

Kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu Antimon và các kim loại hiếm là một biện pháp phản kích được coi là hiệu quả của Trung Quốc đối với Mỹ. Ảnh: Guancha.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ra thông báo công bố các biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu gali, germani, antimon, vật liệu siêu cứng, than chì và các mặt hàng có công dụng kép khác có liên quan sang Mỹ.

Truyền thông nước ngoài coi đây là đòn phản công nhanh chóng của Trung Quốc nhằm vào hành động kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, đồng thời lưu ý đến tuyên bố trong thông báo: “Bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào từ bất kỳ quốc gia hoặc khu vực nào vi phạm các quy định liên quan sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo pháp luật”.

Bloomberg nói rằng đây là tiền lệ để Trung Quốc cấm các công ty nước ngoài bán sản phẩm cho Mỹ. Trước đó, “tính bên ngoài lãnh thổ” trong việc kiểm soát các lệnh trừng phạt dường như chỉ là đặc quyền của Mỹ và các nước phương Tây. "Trung Quốc cuối cùng đã lên tiếng về một chủ đề trước đây chỉ được thảo luận kín: Trung Quốc phải thoát khỏi chip của Mỹ", hãng tin cho hay.

Bloomberg chỉ ra rằng Trung Quốc là nguồn cung cấp các khoáng sản then chốt như gallium và germani cho Mỹ. Theo New York Times, Trung Quốc đã cung cấp 54% lượng germanium và 53% lượng gali cho Mỹ. Gallium, được sử dụng trong chất bán dẫn, đã không được khai thác ở Mỹ kể từ năm 1987. Hiện tại, 26% gallium nhập khẩu của Mỹ đến từ Nhật Bản, 21% từ Trung Quốc và 19% từ Đức, cùng với một số nước cung cấp nhỏ hơn.

Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) trong bản báo cáo tháng 11 đã cảnh báo rằng lệnh cấm xuất khẩu gallium và germani của Trung Quốc có thể gây thiệt hại trực tiếp 3,4 tỷ USD cho nền kinh tế Mỹ và gây ra các hiệu ứng lan tỏa làm gián đoạn hoạt động của chuỗi cung ứng.

Theo Guancha