Thủ tướng Thái Lan thừa nhận suýt trở thành nạn nhân của "deepfake"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã suýt trở thành nạn nhân của trò lừa đảo bằng công nghệ deepfake của AI. Bà may mắn không mắc bẫy chỉ vì…ngủ say.

Nữ Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra kể chuyện suýt bị lừa. Ảnh: TheNation/Guancha.
Nữ Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra kể chuyện suýt bị lừa. Ảnh: TheNation/Guancha.

Kẻ lừa đảo dùng AI giả danh một nhà lãnh đạo nước ngoài

Theo các báo The NationBangkok Post của Thái Lan, ngày 15/1 theo giờ địa phương, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã cảnh báo người dân tại hội nghị về chính sách ngân sách năm tài chính 2026 về việc cảnh giác với các cạm bẫy lừa đảo bằng trí tuệ nhân tạo (AI).

Bà Paetongtarn cũng tiết lộ rằng bà đã suýt trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo sử dụng AI để giả mạo giọng nói của một nhà lãnh đạo nước ngoài.

"Tôi muốn cảnh báo mọi người rằng tôi cũng đã suýt trở thành nạn nhân", bà Paetongtarn nói. "Đây là một vấn đề rất quan trọng. Tôi đã chỉ thị Bộ trưởng Bộ Kinh tế số và Xã hội Prasert Jantararugton mở cuộc điều tra. Chúng ta cần phải thừa nhận rằng các thủ đoạn lừa đảo và gian lận đang ngày càng trở nên phổ biến, hiện đại và xảo quyệt hơn”.

Theo bà Paetongtarn, trước đó bà từng là mục tiêu của một băng nhóm lừa đảo. Nhóm này ban đầu gửi cho bà một đoạn ghi âm qua ứng dụng trò chuyện của nước ngoài (có tin nói là Wechat), trong đó cho thấy giọng nói của một nhà lãnh đạo quốc gia khác bày tỏ quan tâm muốn hợp tác với bà về vấn đề quốc tế.

Bà Paetongtarn kể lại rằng khi nhận được cuộc gọi lừa đảo, lời chào đầu tiên bà nghe được là "Chào buổi sáng, Thủ tướng Thái Lan". Trong cuộc trò chuyện tiếp theo, giọng nói của đối phương thực sự là của nhà lãnh đạo nước ngoài nọ. Sau khi trò chuyện một lúc, đối phương đề cập đến việc Thái Lan vẫn chưa quyên góp cho một dự án nào đó và gửi một liên kết, cố gắng thuyết phục để bà gửi quyên góp thông qua liên kết đó. Bà Paetongtarn cho biết, vì giọng nói quá giống nên bà gần như tin vào danh tính và lời nói của đối phương.

Ba canh bao dan chung Thai.jpg
Bà Paetongtarn Shinawatra cảnh báo về nạn lừa đảo bằng công nghệ cao. Ảnh: TheNation/Guancha.

Bà đã trả lời "OK" và kẻ lừa đảo nói rằng hắn sẽ liên lạc với bà sau. Kẻ này sau đó gọi cho bà vào khoảng 11 giờ đêm cùng ngày, nhưng bà không bắt máy vì đang ngủ say.

"May mắn là tôi đang ngủ say và không trả lời cuộc gọi", bà Paetongtarn cho biết trong sáng hôm sau, bà thấy cuộc gọi nhỡ và nhắn tin xin lỗi, yêu cầu kẻ lừa đảo gọi lại cho bà vào thời gian cụ thể. Kẻ lừa đảo sau đó gửi cho bà một đoạn ghi âm thoại khác yêu cầu bà quyên góp, với nội dung sai sự thật rằng "Thái Lan là quốc gia ASEAN duy nhất chưa quyên góp cho mục đích này".

Lần này bà Paetongtarn phát hiện tài khoản chuyển tiền mà đối phương gửi đến không phải là quốc gia mà đối phương tuyên bố, mà là quốc gia khác, vì vậy bà nghi ngờ đây là cuộc gọi lừa đảo. Bà Paetongtarn nói bà nghi ngờ kẻ lừa đảo đã có được thông tin về phương thức liên lạc của bà từ một người quen, người này cũng đã trở thành một nạn nhân. Tuy nhiên, bà không tiết lộ thời điểm bà bị lừa đảo.

Bà Paetongtarn không thông báo chuyện mình bị lừa cho nhà lãnh đạo của quốc gia mà những kẻ lừa đảo đang mạo danh, nhưng đưa ra cảnh báo công khai để ngăn chặn việc những người khác bị lừa. Bà nhắc nhở mọi người hãy cảnh giác với những trò lừa đảo AI như vậy: "Khi bạn nhận được tin nhắn thoại hoặc cuộc gọi, hãy cẩn thận ngay cả khi nó nghe có vẻ rất thật".

Bà Paetongtarn cũng cho biết vụ việc này khiến bà nhớ đến một vụ tương tự mà bà từng trải qua trước khi cha bà, ông Thaksin, trở về Thái Lan năm 2023. Vào thời điểm đó, bà nhận được tin nhắn nói rằng cha bà đã phân phát tiền mặt, kèm theo giọng nói của ông. Nhưng bà biết rõ rằng điều này không đúng.

Vuong Tinh.jpg
Diễn viên Trung Quốc Vương Tinh trước (trái) và sau khi được cảnh sát Thái Lan giải thoát khỏi bọn lừa đảo ở biên giới Myanmar. Ảnh: Ctwant.

Nạn lừa đảo khiến ngành du lịch Thái Lan thiệt hại nặng

Vào dịp Thủ tướng Paetongtarn chia sẻ trải nghiệm suýt bị lừa đảo của mình, ngành du lịch Thái Lan đang phải hứng chịu một đòn giáng nặng nề.

Cách đây không lâu, vụ việc nam diễn viên Trung Quốc Vương Tinh (Wang Xing) rơi vào đường dây lừa đảo tại Myanmar qua đường Thái Lan đã thu hút sự chú ý lớn trên mạng xã hội trong ngoài nước, khiến một số lượng lớn du khách Trung Quốc hủy bỏ chuyến đi đến Thái Lan. Cùng lúc đó, những ngôi sao làng giải trí nổi tiếng khác của Trung Quốc như Trần Dịch Tấn và Triệu Bản Sơn cũng đã tuyên bố hủy hoặc hoãn các buổi biểu diễn của họ tại Thái.

Trung Quốc là thị trường du lịch lớn nhất của Thái Lan. Năm ngoái, số lượng du khách Trung Quốc đến Thái Lan du lịch là 6,7 triệu người, chiếm gần 1/5 tổng số khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan. Hiệp hội Lữ hành Thái Lan gần đây cho biết do niềm tin vào sự an toàn khi đi du lịch Thái suy giảm nên lượng khách du lịch Trung Quốc đến Thái Lan trong dịp Tết Ất Tỵ năm nay có thể giảm từ 10% đến 20%, gây thiệt hại hàng tỷ baht cho ngành du lịch nước này.

Theo tờ South China Morning Post ngày 15/1 đưa tin, khi mùa cao điểm du lịch Tết Nguyên đán Ất Tỵ đang đến gần, Thái Lan lại phải bận rộn làm dịu mối lo ngại về an toàn của khách du lịch Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Thái Lan cũng cho biết họ hầu như không có khả năng ngăn chặn những vụ lừa đảo này.

Họ lập luận rằng nhiều nạn nhân đến Thái Lan một cách tự nguyện và họ không có thẩm quyền để đột kích các trung tâm lừa đảo ở biên giới các nước khác.

Theo Guancha