Việc Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bị giam giữ từ chối nói chuyện với các quan chức chống tham nhũng là một bước đi nhằm làm mất tính hợp pháp của cuộc điều tra và kéo dài quá trình này, theo nhận định của một số nhà quan sát.
Điều này diễn ra sau vụ bắt giữ ông vào ngày 15/1, chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài nhiều tuần. Nhóm luật sư của ông cho biết ông Yoon, 64 tuổi, đã không xuất hiện trong ngày thẩm vấn thứ hai trong hôm 16/1 vì lý do sức khỏe, làm trì hoãn cuộc điều tra về việc liệu ông có phạm tội nổi loạn khi đề xuất thiết quân luật hay không.
Từ chối nói chuyện
Tính đến chiều 16/1, ông Yoon vẫn từ chối nói chuyện với các điều tra viên bất chấp việc họ đã chuẩn bị một bảng câu hỏi dài hơn 200 trang, một viên chức của Văn phòng điều tra tham nhũng dành cho các quan chức cấp cao (CIO) đang chỉ đạo cuộc điều tra hình sự cho biết.
Ông Yoon, Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm đầu tiên bị bắt, trước đó đã nói rằng ông đã tự nộp mình để ngăn chặn nguy cơ "đổ máu vô cớ", mặc dù ông vẫn tiếp tục phản đối rằng đó là một cuộc điều tra bất hợp pháp và lệnh bắt giữ không hợp lệ.
Các luật sư của ông cho biết lệnh bắt giữ được ban hành bởi một tòa án không đúng thẩm quyền và nhóm được thành lập để điều tra ông cũng không có thẩm quyền pháp lý để làm như vậy.
Các chuyên gia tin rằng nhóm luật sư của ông đang cố gắng kéo dài các cuộc điều tra vì lợi ích của ông Yoon.
Jong Eun Lee, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học North Greenville, cho biết sự im lặng của ông là một chiến thuật "để làm mất tính hợp pháp của thẩm vấn của CIO".
Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhấn mạnh rằng việc ông Yoon từ chối hợp tác sẽ không giúp ích gì cho ông theo bất kỳ cách nào.
“Có một sự nhất trí chung là, số bằng chứng thu thập được trong suốt một tháng rưỡi qua là đã đủ để bắt giữ ông ta, truy tố ông ta và sau đó ra tòa để kết tội ông ta”, Hwang Kyung Moon, giáo sư Quỹ Hàn Quốc tại Đại học Quốc gia Australia cho biết.
“Có một khả năng rất lớn, trừ khi ông ta được ân xá vào một thời điểm nào đó trong tương lai, thì ngày hôm qua là ngày cuối cùng trong cuộc đời mà ông ta còn ở ngoài nhà tù”, ông nói với hãng tin CNA.
Các nhà chức trách có 48 giờ để thẩm vấn ông Yoon, sau đó họ phải thả ông ta hoặc xin lệnh bắt giữ ông ta trong tối đa 20 ngày.
Các nhà phân tích tin rằng giới điều tra sẽ không đợi đến khi thời hạn đó kết thúc mà sẽ yêu cầu tòa án cấp lệnh bắt giữ chính thức và gia hạn thời gian giam giữ ông Yoon.
Ông Lee cho rằng đây có vẻ là chiến lược tiếp theo của CIO, đồng thời nói thêm rằng các nhà phân tích pháp lý đã dự đoán tòa án rất có thể sẽ chấp thuận việc gia hạn.
Nạn nhân của sự bất công?
Hàn Quốc đang vật lộn với cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, bùng phát từ nỗ lực áp đặt thiết quân luật ngắn ngủi của ông Yoon vào ngày 3/12/2024. Ông tuyên bố rằng mình cần bảo vệ đất nước "khỏi các mối đe dọa từ lực lượng Triều Tiên và loại bỏ các thành phần chống nhà nước".
Ông Yoon đã triển khai quân đội đến Quốc hội, nhưng các nhà lập pháp đã bất chấp họ và bỏ phiếu bác bỏ động thái này. Ông đã bãi bỏ thiết quân luật chỉ sau 6 giờ đồng hồ và sau đó bị Quốc hội luận tội.
Sau đó, ông Yoon đã trốn tránh việc bị bắt giữ trong nhiều tuần bằng cách ở lại khu nhà ở của mình, được các thành viên trung thành của Cơ quan An ninh Tổng thống bảo vệ.
Ông Lee cho biết các luật sư của ông Yoon chắc chắn sẽ tiếp tục lập luận rằng tuyên bố thiết quân luật của ông "được thực hiện hợp pháp, không có hành vi lạm dụng quyền lực bất hợp pháp" và rằng "họ đã đưa ra quyết định dựa trên những lo ngại thực tế".
Các nhà quan sát tin rằng ông Yoon hiện đang cố gắng tự mô tả mình là nạn nhân của sự bất công.
"Ông ấy đang cố gắng khơi dậy sự đồng cảm về mặt chính trị, cố gắng biến mình thành nạn nhân và CIO hoặc đảng đối lập thành kẻ xấu", ông Lee nói.
Ông cho biết phần lớn các nhà lập pháp bảo thủ và công dân bảo thủ của Hàn Quốc đã tập hợp để bảo vệ ông Yoon.
"(Điều này) là do họ tin rằng tuyên bố thiết quân luật của ông ấy là chính đáng, hoặc có thể tuyên bố thiết quân luật là bốc đồng (và) liều lĩnh nhưng họ vẫn tin rằng Quốc hội và các đảng đối lập đã đi quá xa trong việc cố gắng luận tội Tổng thống", ông nói.
“Đã chết về mặt chính trị”
Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy sự ủng hộ của công chúng đối với ông Yoon và Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền đã phục hồi.
"Ông ấy dường như đang cố gắng giành chiến thắng trong cuộc chiến này thông qua việc định hình dư luận, thông qua việc cố gắng đưa cơ sở bảo thủ về phía mình, đồng thời cố gắng làm mất tính hợp pháp của cuộc điều tra cũng như luận tội", Mason Richey, phó giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Nghiên cứu Đối ngoại Hankuk cho biết.
Nhưng "về mặt chính trị, ông ấy đã chết", ông Richey nói với hãng CNA.
Một bộ phận đáng kể người dân Hàn Quốc vẫn tiếp tục kêu gọi cách chức ông Yoon, các nhà phân tích lưu ý.
Sự phục hồi của PPP phần lớn là do những người bảo thủ không muốn nhà lãnh đạo cấp tiến của đảng Dân chủ đối lập chính, ông Lee Jae-myung, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống trong trường hợp ông Yoon bị Tòa án Hiến pháp phế truất, ông Richey cho biết.
Ông Lee Jae-myung đã bị kết án vào tháng 11 năm ngoái vì vi phạm luật bầu cử.
"Vì vậy, rất nhiều người bảo thủ đang cố gắng lập chiến lược sao cho ông Lee Jae-myung sẽ không thể ra tranh cử Tổng thống trong cuộc bầu cử đặc biệt", ông Richey cho biết. "Tuy nhiên, bản thân ông Yoon đã chết về mặt chính trị. Tôi nghĩ ông ấy đã tự sát về mặt chính trị vào ngày 3/12 (khi ban bố thiết quân luật)".
Việc ông Yoon từ chối hợp tác với các nhà điều tra diễn ra khi Tòa án Hiến pháp chuẩn bị tổ chức phiên điều trần thứ hai trong phiên tòa luận tội ông để xác định xem nên bãi nhiệm ông vĩnh viễn hay khôi phục quyền Tổng thống của ông.
Nếu tòa án quyết định rằng bản luận tội là hợp pháp và có hiệu lực, ông Yoon sẽ bị bãi nhiệm, mở đường cho một cuộc bầu cử Tổng thống trong vòng 60 ngày.
Ông Hwang cho biết: "Nếu mọi việc diễn ra theo đúng lịch trình tạm thời này, chúng ta có thể tổ chức một cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối tháng 4 hoặc tháng 5, và sau đó chúng ta sẽ có một Tổng thống mới nhậm chức vào tháng 6 hoặc tháng 7".