Ứng viên Bộ trưởng Tài chính của ông Trump "100% đồng tình" siết chặt trừng phạt Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

Scott Bessent cho biết ông ủng hộ việc tăng áp lực lên Moscow nếu điều đó giúp chấm dứt xung đột Ukraine.

Ông Scott Bessent điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện trong phiên điều trần xác nhận Bộ trưởng Tài chính vào ngày 16/1 tại Washington, DC. Ảnh: Getty.
Ông Scott Bessent điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện trong phiên điều trần xác nhận Bộ trưởng Tài chính vào ngày 16/1 tại Washington, DC. Ảnh: Getty.

Ông Scott Bessent, người được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề cử làm Bộ trưởng Tài chính, đã cam kết áp dụng các biện pháp trừng phạt thậm chí cứng rắn hơn đối với Nga, mô tả đây là công cụ đòn bẩy quan trọng để chấm dứt xung đột Ukraine.

Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh có đồn đoán rằng ông Trump có thể định hình lại chính sách trừng phạt của Mỹ đối với Nga, có thể bao gồm việc hủy bỏ hoàn toàn các hạn chế.

Trong phiên điều trần xác nhận tại Thượng viện hôm 16/1, ông Scott Bessent đã chỉ trích chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden về chính sách trừng phạt của nước này, cho rằng các biện pháp chống lại Moscow “chưa đủ hiệu quả”.

Ông cũng gợi ý rằng các quan chức chính quyền Biden chỉ có động thái thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Nga chưa đầy hai tuần trước khi chính quyền này kết thúc vì lo ngại rằng điều này sẽ làm tăng giá năng lượng ở Mỹ - rõ ràng sẽ không có lợi cho chính quyền của họ xét về mặt chính trị.

Ông Bessent cho biết ông sẽ hoàn toàn ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga nếu được xác nhận là Bộ trưởng và nếu ông Trump đã yêu cầu ông tăng cường chúng để giúp giải quyết xung đột Ukraine.

“Nếu bất kỳ quan chức nào ở Liên bang Nga đang theo dõi phiên điều trần xác nhận này, họ nên biết rằng nếu tôi được phê duyệt và nếu Tổng thống Trump yêu cầu điều đó như một phần trong chiến lược chấm dứt chiến tranh Ukraine, tôi sẽ 100% đồng ý tăng các biện pháp trừng phạt - đặc biệt là đối với các công ty dầu mỏ lớn của Nga - đến mức có thể khiến Liên bang Nga phải ngồi vào bàn đàm phán”, ông nói.

Đầu tháng này, chính quyền Biden đã áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng nhất đối với lĩnh vực năng lượng của Nga, nhắm vào các nhà sản xuất dầu lớn Gazprom Neft và Surgutneftegas, cũng như 183 tàu tham gia vận chuyển dầu. Các biện pháp này khiến giá dầu tăng vài điểm phần trăm do lo ngại rằng các hạn chế mới sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nga coi các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột Ukraine là “bất hợp pháp”. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã chỉ trích các hạn chế đối với ngành dầu mỏ của Nga, nói rằng những hành động như vậy gây bất ổn cho thị trường toàn cầu.

Theo Bloomberg, khi chính quyền sắp nhậm chức, nhóm của ông Trump đang phát triển lộ trình trừng phạt nhằm chấm dứt xung đột Ukraine. Các nguồn tin của cơ quan này cho biết, một cách tiếp cận tiềm năng bao gồm việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Moscow để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình, trong khi một cách khác dự tính tăng cường chúng để tăng đòn bẩy của Mỹ trong các cuộc đàm phán.