Mỹ bắt 3 nghi phạm người Trung Quốc lừa đảo chiếm 100 triệu USD và buôn lậu iPhone sang châu Á

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Tư pháp Mỹ thông báo đã bắt giữ 3 kẻ lừa đảo người Trung Quốc sử dụng 100 triệu USD lấy được nhờ lừa đảo để buôn lậu iPhone qua một số nước châu Á như Trung Quốc và Việt Nam.

Hai trong số ba kẻ lừa đảo người Trung Quốc hầu tòa. Ảnh: WMUR.
Hai trong số ba kẻ lừa đảo người Trung Quốc hầu tòa. Ảnh: WMUR.

Thủ đoạn tinh vi, nhằm vào những người yếu thế

Ba kẻ lừa đảo có quốc tịch Trung Quốc này thú nhận đã lập kế hoạch và thực thi một kế hoạch lừa đảo tinh vi, lừa tiền của những người Mỹ già cả và cô đơn, buộc họ phải mua sản phẩm của Apple, sau đó chuyển sang châu Á tiêu thụ.

Theo hồ sơ của tòa án, ba nghi phạm là Naxin Wu (Vũ Nạp Tân), 26 tuổi, Mengying Jiang (Tưởng Mộng Oanh), 34 tuổi và Mingdong Chen (Trần Minh Đông), 28 tuổi. Nhóm này sử dụng thẻ quà tặng lấy cắp được để mua các thiết bị điện tử đắt tiền, cất giữ trong một nhà kho ở New Hampshire, sau đó chuyển đến Trung Quốc đại lục và Hong Kong. Theo bản nhận tội, các nghi phạm sử dụng thẻ quà tặng trả lại sản phẩm mạo giả mạo của Apple nhằm đổi lấy thiết bị điện tử thật rồi bán.

Hồ sơ của tòa án cho thấy các nghi phạm đã thực hiện kế hoạch này trong suốt năm 2023. Các quan chức thực thi pháp luật chỉ ra rằng chúng là một trong số nhiều băng nhóm tương tự ở Mỹ. Theo Văn phòng công tố Mỹ, các băng nhóm này thường hoạt động ở những tiểu bang không đánh thuế bán hàng như New Hampshire.

Văn phòng công tố liên bang tại New Hampshire cho biết 3 nghi phạm đã nhận tội âm mưu thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng tại tiểu bang này và sẽ bị kết án vào tháng 4 tới.

Vụ án này đã phơi bày cách những kẻ lừa đảo có thể lừa gạt người dân Mỹ chiếm được hàng trăm triệu USD để dùng cho các hoạt động phạm pháp khác.

Ngoài ra còn có những kẻ lợi dụng các sản phẩm Iphone giả sản xuất ở Đông Á, gửi những chiếc điện thoại giả không thể sửa chữa này đến công ty Apple để lừa công ty đổi thay thế hàng giả bằng iPhone thật.

Bai tren USAToday.png
USA Today viết về vụ việc.

Không chỉ Apple, nhiều công ty khác cũng trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo này. Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (National Retail Federation, NRF) chỉ rõ trong một nghiên cứu rằng nạn "gian lận đổi trả hàng" dự tính ​​đã khiến các công ty thiệt hại tới 101 tỷ USD trong năm 2023. NRF cho biết cứ 100 USD tiền đổi trả sản phẩm, các nhà bán lẻ bị mất 13,70 USD do gian lận.

Ông Olivier D. Sakellarios, Luật sư của Tưởng Mộng Oanh đã bày tỏ lời xin lỗi sâu sắc về hành vi của thân chủ mình trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ USA Today. Ông cho biết: "Nguồn gốc của vụ lừa đảo này cao hơn nhiều thân chủ của tôi. Thân chủ của tôi không được hưởng lợi nhiều từ vụ lừa đảo này, nhưng ông ấy đã nhận ra sai lầm của mình và sẵn sàng chịu trách nhiệm về việc đó".

Tuy nhiên, luật sư của hai bị cáo còn lại đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận và Công tố viên liên bang tại New Hampshire cũng không trả lời yêu cầu bình luận.

Lừa đảo tình ái, đấu giá tang vật và sản phẩm giả

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, băng nhóm ở New Hampshire mà 3 nghi phạm này tham gia chỉ là một trong số nhiều băng nhóm lừa đảo tương tự ở Mỹ. Các quan chức cũng cho biết băng nhóm này còn có những thành viên khác chưa xác định được danh tính.

Hồ sơ của tòa án tiết lộ các băng đảng đã mua thẻ quà tặng bị lấy cắp tại các cuộc đấu giá để hỗ trợ cho các hoạt động tội phạm có tổ chức của chúng. Một số thẻ quà tặng có nguồn gốc từ các hoạt động lừa đảo khác, bao gồm cả "lừa đảo tình ái".

Trong loại lừa đảo này, các nạn nhân thường bị dụ dỗ lừa gửi tiền cho một người nào đó giả danh là đối tượng đang cần tìm bạn tình. Các hoạt động như vậy chủ yếu được thực hiện thông qua nền tảng truyền thông xã hội và ứng dụng thanh toán di động WeChat của Trung Quốc.

Theo các tài liệu của tòa án, hành vi phạm tội của bộ ba này đã bị phát hiện trong quá trình điều tra liên quan đến lừa đảo tình ái, lừa đảo người lớn tuổi và tấn công mạng vào một công ty lấy trộm 100 triệu USD. Trong số các nạn nhân có một người cao tuổi ở Spokane, Washington, bị lừa mua thẻ quà tặng trị giá 4.000 USD , một nạn nhân khác sống ở Alabama. Các thẻ quà tặng này đã bị đánh cắp từ tháng 10 đến tháng 12/2023 và được mang bán đấu giá.

The qua tang.jpg
Thẻ quà tặng trở thành công cụ để các nghi phạm lừa đảo. Ảnh: Propublica.

Theo thỏa thuận nhận tội, bộ ba này đã lưu trữ các thiết bị điện tử được mua tại một nhà kho ở Salem, New Hampshire. Hồ sơ tòa án cho thấy các nhân viên thực thi pháp luật đã tìm thấy các sản phẩm của Apple trị giá 8 triệu USD, nhiều thẻ quà tặng và 10.000 USD tiền mặt khi khám xét nhà kho. Các nhà điều tra cũng tìm thấy số thiết bị điện tử trị giá 20.000 USD trong một chiếc xe hơi thuộc sở hữu của một trong ba người đàn ông này.

Ngoài ra, các tài liệu của tòa án cũng cho biết các nhà điều tra đã tìm thấy 2.000 sản phẩm Apple giả trong kho. Theo lời thú nhận, những kẻ lừa đảo đã nhập khẩu các sản phẩm Apple giả từ Trung Quốc và mang trả các cửa hàng để đổi lấy hàng thật hoặc thẻ quà tặng đắt tiền.

Mua bằng tiền mã hóa, bán lại đồ điện tử

Các tài liệu của tòa án cũng tiết lộ rằng nhóm tội phạm ở New Hampshire đã sử dụng tiền mã hóa để mua thẻ quà tặng và bán lại các sản phẩm Apple tích trữ để kiếm lời.

Luật sư của Tưởng Mộng Oanh, thừa nhận rằng Tưởng chỉ là một phần nhỏ trong một âm mưu lừa đảo lớn hơn. “Những kẻ thực hiện các vụ lừa đảo này vượt trên thân chủ của tôi”, ông nói. “Bất kể ai đứng sau những tội ác này, nạn nhân cuối cùng cũng là những người nghèo và những người ít được học hành”.

Theo như bản thỏa thuận nhận tội, băng nhóm tội phạm đã mua khoảng 50.000 sản phẩm của Apple tại Mỹ với tổng giá trị là 45 triệu USD. Những sản phẩm này chủ yếu được vận chuyển tới Trung Quốc, Việt Nam. Các băng đảng thường chọn tiến hành hoạt động bất hợp pháp này ở những tiểu bang không đánh thuế thu nhập.

Theo Creaders, USAToday