Tổng Liên đoàn nói 32,6% lao động cho biết đang sống dưới mức kham khổ

VietTimes – Thông tin do ông Trần Văn Lý - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam - báo cáo với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với Ban chỉ đạo Trung ương cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công ngày 17/10.
32,6% lao động cho biết sống dưới mức kham khổ với lương đang hưởng. Ảnh: NLĐ
32,6% lao động cho biết sống dưới mức kham khổ với lương đang hưởng. Ảnh: NLĐ

Cụ thể, theo ông Lý, đến nay đã có 9 lần điều chỉnh mức lương cơ sở. Tuy nhiên, thu nhập của người lao động, của công chức, viên chức vẫn chưa đảm bảo mức sống tối thiểu.

Theo khảo sát của Tổng liên đoàn lao động, lương cơ bản dùng làm căn cứ đóng bảo hiểm của người lao động hiện trung bình là 4,48 triệu đồng/tháng, tăng 6,9 % so với năm 2016. Còn thu nhập trung bình của người lao động cả nước vào khoảng 5,5 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, có khoảng 51,3% người lao động trả lời khảo sát của Tổng liên đoàn cho biết mức lương này chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống

Nhưng có tới 20,6% người lao động cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ với mức lương này. Đặc biệt là có 12% người lao động cho biết không thể đủ sống với thu nhập hiện có. Như vậy, số lao động cho biết sống dưới mức kham khổ với thu nhập hiện hưởng lên tới 32,6%.

Theo Tổng liên đoàn, chỉ 16,1% người lao động cho biết có thể tích lũy từ thu nhập hiện đang hưởng.

Thu nhập vẫn thấp là nguyên nhân đầu tiên, nhiều nhất dẫn tới các cuộc đình công những năm trước và 6 tháng đầu năm 2017, với 72/133 cuộc, chiếm 54,1% tổng số. Trong đó, những ngành sử dụng nhiều lao động với mức lương thấp như dệt may, da giày… cũng hay xảy ra đình công nhất

Đối với thu nhập của công chức, viên chức, theo quy định hiện hành, lương công chức, viên chức bậc đại học mới ra trường bao gồm cả phụ cấp hiện chỉ gần 4 triệu đồng/tháng, lương chuyên viên chính theo hệ số sau trên 10 năm công tác chỉ khoảng 7,4 triệu đồng/tháng.

Còn nếu là công chức loại C thì thu nhập tiền lương còn thấp hơn nhiều – Phó chủ tịch Liên đoàn lao động báo cáo.

Ông Lý cũng bổ sung thêm vào báo cáo là mức thu nhập quá thấp này khiến ngay cả việc tăng lương cho công chức, viên chức cũng chưa đủ bù trượt giá.

Từ đây, Tổng liên đoàn lao động đề nghị xác định lại mức lương cơ sở trong khu vực nhà nước cho phù hợp với thị trường lao động, đặt lại mức lương cơ sở khu vực này cho đúng và đủ để người lao động đủ sống.

Tổng liên đoàn đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu. Định nghĩa lại mức lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ. Việc quy định các tiêu chí xác định mức sống tối thiểu cũng cần chi tiết hơn và quy định lại để Hội đồng tiền lương quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu.

Quan trọng nhất, Tổng liên đoàn lao động đề nghị Hội đồng tiền lương quốc gia công bố lộ trình đến năm 2019 tiền lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình.