|
Công nhân lắp ráp tivi tại Công ty Asanzo. |
Đáng chú ý, “dây chuyền” này được Công ty sử dụng vừa lắp ráp tivi, vừa lắp ráp điều hòa nhiệt độ. Trong đó, việc hoàn chỉnh lắp ráp 1 chiếc tivi khoảng 25 phút với 12 người thực hiện và 30 người phụ trợ…
Đó là chi tiết mà Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn trao đổi về quy trình lắp ráp tivi của Công ty CP Tập đoàn Asanzo tại cuộc họp với các bộ, ngành về kết quả kiểm tra, xác minh các nghi vấn sai phạm liên quan đến Công ty này, do cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức hôm nay (28/10).
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn, về dấu hiệu vi phạm xuất xứ hàng hóa, kết quả kiểm tra của lực lượng Hải quan cho thấy Công ty CP Đầu tư công nghệ điện tử Asanzo mở 3 tờ khai xuất khẩu 661 mang thương hiệu Asanzo sang Nhật Bản, gồm cả các bộ phận đi kèm như khung treo tường, điều khiển từ xa và khai báo xuất xứ Việt Nam.
Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng có đến 98% giá trị của mặt hàng tivi xuất khẩu sang Nhật Bản từ linh kiện nhập khẩu của Trung Quốc, do Công ty mua lại từ nhiều đối tác. Chỉ có khoảng 2% đến từ quá trình lắp ráp trong nước.
Cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, đối chiếu với Nghị định 31/2018/NĐ-CP, mặt hàng tivi xuất khẩu mang thương hiệu Asanzo nêu trên không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam.
Tại cuộc họp, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đến nay VCCI chưa nhận được hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận xuất xứ của Asanzo và dữ liệu của tổ chức này cũng cho thấy chưa cấp chứng nhận xuất xứ cho Asazo.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết thêm, căn cứ kết quả kiểm tra, điều tra của Tổng cục Hải quan đưa ra tại cuộc họp, rõ ràng Công ty Asanzo có vi phạm về quy định gia công, chế biến đơn giản (quy định tại Nghị định 31), nên hàng hóa có thể coi là không có xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu.
|
Cuộc họp về kết quả kiểm tra, xác minh các nghi vấn sai phạm liên quan đến Công ty Asanzo
|
Liên quan đến dấu hiệu trốn thuế của Công ty CP Tập đoàn Asanzo, theo báo cáo của đại diện Tổng cục Thuế, Cục Thuế TP. HCM đã xử lý kết quả sau thanh tra tổng số tiền hơn 47,6 tỷ đồng đối với Công ty này.
Trong đó, tiền thuế truy thu hơn 40,5 tỷ đồng, số tiền chậm nộp hơn 1,6 tỷ đồng, số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 5,3 tỷ đồng.
Trong số hơn 47,6 tỷ đồng nêu trên, có hơn 13 tỷ đồng truy thu thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Ngoài ra, Cục Thuế TP. HCM đã có văn bản chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu hình sự sang Công an TP.HCM kiến nghị xử lý hình sự.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cũng đề nghị cơ quan Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao sớm điều tra, làm rõ và có kết luận với tinh thần không gây oan sai, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhưng cũng xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm.
Sau cuộc họp này, Tổng cục Hải quan sẽ tập hợp các ý kiến của các bộ, ban, ngành chức năng về thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” để trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/10 này.