|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gần gũi với nhân dân |
Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử cho thấy uy tín của ông trong Đảng, trong nhân dân một lần nữa được khẳng định. Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhận xét: “Anh Trọng là nhà lý luận sắc bén của Đảng ta. Anh là nhà cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa. Tính cách thì nhân hậu, nhưng quyết liệt, không khoan nhượng trong công cuộc chỉnh đốn Đảng để Đảng ta ngày càng trong sạch hơn, xứng đáng là “công bộc, là đầy tớ trung thành của nhân dân” như Hồ Chủ tịch từng khẳng định”.
Ưu tiên hàng đầu của Tổng bí thư
Trong những ngày Đại hội XII đang diễn ra, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử BCH TƯ với số phiếu bầu cao và nhất là khi ông được BCH TƯ khóa XII bầu làm Tổng bí thư nhiệm kỳ mới, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã chia sẻ những suy nghĩ của mình về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Anh Trọng là nhà lý luận sắc bén của Đảng ta. Anh là nhà cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa. Tính cách thì nhân hậu, nhưng quyết liệt, không khoan nhượng trong công cuộc chỉnh đốn Đảng để Đảng ta ngày càng trong sạch hơn, xứng đáng là “công bộc, là đầy tớ trung thành của nhân dân” như Hồ Chủ tịch từng khẳng định”.
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng Đại hội XII đã sáng suốt lựa chọn ra được một BCH TƯ, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, đủ tài năng và đức độ để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn nhiều thời cơ, nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng cho rằng, phòng chống tham nhũng là một trong những công việc quan trọng mà BCH TƯ, Bộ Chính trị khóa XII cần tiến hành một cách có hiệu quả.
Vâng, chắc chắn đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ưu tiên. Không phải ngẫu nhiên mà ngay trước thềm Đại hội Đảng XII, tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng, Tổng bí thư đã nhấn mạnh: “Sau Đại hội 12 của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng phải được quan tâm đẩy mạnh hơn nữa, có bước tiến mạnh hơn nữa, hiệu quả rõ ràng hơn”. Đó là cam kết của người đứng đầu Đảng ta. Ông cũng nhấn mạnh rằng, đây cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp, đấu tranh trong mỗi con người, mỗi tổ chức.
Để công tác phòng và chống tham nhũng có hiệu quả Tổng bí thư yêu cầu: “Mỗi người phải gương mẫu, trong sạch đã rồi mới chống tham nhũng được, mới phòng được; hết sức liêm khiết, trong sáng, thuộc bài; làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình tức là đúng vai; thuộc bài là thuộc luật pháp, thuộc cơ chế, chính sách, những quy định trong Đảng, đừng làm chồng chéo nhau, phối hợp cho tốt thì nhất định công việc sẽ tốt”.
Học trò nghèo học giỏi
Giáo sư Hồ Ngọc Đại, “cha đẻ” của Công nghệ giáo dục, người bạn thân thiết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói với tôi, ông Trọng là một nhân cách lớn. Nghĩa tình, yêu thương đồng chí, đồng đội, sống liêm khiết, trong sạch, nhưng rất ghét thói sa hoa, bòn rút của công, bè phái, cánh hẩu.
Nhân cách ấy không ra đời ngẫu nhiên!
Cách đây 5 năm, năm 2011, khi ông Nguyễn Phú Trọng vừa được bầu làm người đứng đầu Đảng ta, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với bà Đặng Thị Phúc, cô giáo tiểu học của ông Nguyễn Phú Trọng. Dạo ấy, ở tuổi 80, nhưng bà còn rất minh mẫn. Cô giáo già kể: “Năm 1956 sau khi học xong khóa sư phạm liên khu 3, tôi được phân công về xã Mai Lâm, Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) dạy học. Nhà trường phân công tôi làm giáo viên chủ nhiệm lớp 4. Vì số lượng học sinh của xã Mai Lâm ít quá nên phải kết hợp với xã Đông Hội để đủ một lớp.
Xã Mai Lâm có 33 em, còn xã Đông Hội có 15 em. Các em, với nhiều độ tuổi khác nhau, đã tụ tập về mái đình thôn Mai Hiên để học tập. Cậu học trò nhỏ tuổi nhất, ở xã Đông Hội, là Nguyễn Phú Trọng. Lớp học tềnh toàng, không có cửa nên rất lộng gió, bàn ghế thì cọc cạch, chân thấp chân cao. Sân đình được dùng để phơi lúa nên những ngày nắng, lớp học nóng hầm hập vì hơi lúa bốc lên, ngày mưa học trò phải dồn lại một bên để tránh ướt. Trò Trọng bé nhỏ nhất lớp nên tôi muốn đưa trò lên ngồi bàn đầu cho dễ tiếp thu bài giảng. Tuy nhiên trò Trọng không chịu rời bàn thứ tư, cạnh cậu lớp trưởng tên là Duy.
Khi ấy tôi nghĩ trò Trọng đi học nhờ trường bạn, lại bé nhất lớp nên không dám rời lớp trưởng. Giữa đám học trò lam lũ ấy tôi có ấn tượng nhất với Nguyễn Phú Trọng bởi trò ấy nhỏ tuổi nhất nhưng lại học giỏi nhất lớp. Trò Trọng ngày ấy tóc để mái chéo, tóc hơi hoe vàng, nước da trắng xanh. Trong lớp, cậu rất thông minh, giơ tay phát biểu rất hăng say, chữ viết tròn và đẹp. Trò Trọng đi học từ nhà ở thôn Đông Trù phải qua thôn Lê Xá, vượt qua một cánh đồng mới đến được lớp. Quãng đường dài gần 3km toàn đường đất, rất khó đi, nhất là vào những ngày trời mưa dầm, cậu học trò nhỏ phải cố bấm ngón chân xuống đường cho khỏi ngã.
Suốt thời gian học lớp 4 cậu chỉ mặc mỗi một bộ quần áo nâu, không kể đông hay hè. Đó là chiếc áo bà ba xẻ tà, quần màu nâu, đi chân đất. Cuối năm học, vì trò Trọng là học sinh xuất sắc, giỏi toàn diện, đứng vị trí thứ nhất nên được báo cáo điển hình trước toàn trường. Khi biết tin vui đó, cậu lại rất ngại, khuôn mặt ngây thơ cứ ngẩn ra vì không biết phải nói gì trước đông đảo thầy cô và các bạn của trường”.
Cô Phúc còn kể, sau khi học xong cấp 1 (tiểu học) trò Trọng thi đỗ và lên học trường cấp 2 Nguyễn Gia Thiều, trò vẫn thường cùng anh lớp trưởng Duy đến thăm cô. Sau đó, cô chuyển nhà đi nơi khác nên hai cô trò mất liên lạc từ đó. Mãi đến năm 2005, cô Phúc mới có dịp gặp lại người học trò cũ của mình, khi ấy ông đã là Chủ tịch Quốc hội và đến thăm cô vào dịp năm mới.
Thủy chung, nghĩa tình
Chúng tôi có may mắn là được gặp và trò chuyện với khá nhiều người thân thiết cũng như những người từng làm việc dưới quyền ông Nguyễn Phú Trọng. Tất cả đều có chung nhận xét rằng, ông là người thủy chung, nghĩa tình với bạn bè, đồng chí, đồng đội.
Năm 2011, trong một dịp về công tác tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), nơi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng theo học, tình cờ chúng tôi đã được lãnh đạo nhà trường cho xem cuốn nhật ký của một cựu học sinh của trường đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tên anh là Doãn Duy Lực. Điều thú vị là trong cuốn nhật ký này có hai bức thư: một thư Doãn Duy Lực gửi cho người bạn thân của mình là Nguyễn Phú Trọng. Bức kia là của Nguyễn Phú Trọng gửi cho Doãn Duy Thế, anh trai của Doãn Duy Lực.
Lá thư của Doãn Duy Lực gửi Nguyễn Phú Trọng đề ngày 8/6/1964, viết: “Phú Trọng thân yêu, thương nhớ! Nhìn lại dòng chữ nét mực còn tươi màu, Lực tưởng tượng lại cả một quá khứ xa xôi mà trong 6 năm qua chúng ta đã gắn bó, đùm bọc lẫn nhau trong những giây phút đáng ghi nhớ. Lực muốn lưu lại đây một trang giấy ghi những ý nghĩ giản dị của Lực đối với Trọng trong những lúc xa nhau chưa được 1 năm nhỉ. Lực và Trọng đã sống với nhau trong những năm qua những ngày ấy đáng nhớ lắm vì nó là kết tinh của một tình bạn chân thật, không chút lừa đảo. Mình đã đặt tình bạn ấy cao nhất song vì điều kiện rất đơn giản của cuộc sống buộc chúng ta phải ly tán mỗi đứa một phương. …”.
Bức thư của Nguyễn Phú Trọng gửi Doãn Duy Thế đề ngày 1/8/1964. Khi ấy ông Nguyễn Phú Trọng đang là sinh viên năm thứ 2, văn khoa, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội). Bức thư được viết trên trang giấy lấy từ cuốn sổ tay, nét chữ nắn nót, nhỏ, đẹp (được ghim vào cuốn nhật ký của Nguyễn Duy Lực), viết: “Anh Thế kính yêu của em! Có lẽ anh hết sức ngạc nhiên khi nhận được lá thư của đứa em chưa quen biết này. Em giới thiệu em với anh nhé. Em là Trọng (Nguyễn Phú Trọng) là người bạn, người đồng chí rất thân thiết của Lực. Hai đứa chúng em đã quen nhau, đã thân nhau được hơn 6 năm nay, lúc nào cũng kề vai sát cánh, giúp đỡ nhau, thông cảm hoàn cảnh của nhau và đã coi nhau như anh em ruột thịt. Hoàn cảnh em cũng tương tự như hoàn cảnh Lực. Gia đình cũng túng thiếu nghèo đói từ xưa, cuộc đời học sinh của chúng em cũng gian khổ, vất vả.
Em kém Lực 1 tuổi nhưng có lẽ trông khổ người có đậm hơn Lực một chút. Hiện nay em có được may mắn là tiếp tục học Đại học. Em học khoa Văn trường Đại học Tổng hợp, đây là ngành mà em rất ưa thích. Em đã học được 1 năm và đang nghỉ học, lao động ở quê. Năm học vừa qua em cũng hài lòng với kết quả học tập và tu dưỡng của em, mặc dù điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Chúng em có gửi thư cho nhau và động viện nhau luôn. Lực có bảo em đến thăm anh, anh hãy coi em như Lực nhưng vì điều kiện chưa thể đến được, em mong anh thông cảm, và hôm nay em viết thư này để anh khỏi bỡ ngỡ khi anh thấy em đến, hỏi thăm sức khỏe của anh. Một thiếu sót rất lớn là em với Lực thân nhau đã lâu mà em ít đến thăm anh, nhất là thời gian anh bị mệt mà em chỉ biết anh, hỏi thăm anh qua Lực. Anh tha lỗi cho em nhé”.
Không lâu sau khi nhận được bức thư của ông Nguyễn Phú Trọng, ông Doãn Duy Lực hy sinh trong một trận đánh ác liệt tại chiến trường. Cuốn nhật ký của liệt sĩ Lực đã được các đồng đội của ông gìn giữ và sau đó mang ra Bắc trao tận tay cho gia đình. Sau đó gia đình liệt sĩ Lực trao tặng trường THPT Nguyễn Gia Thiều.
Sau này học xong, ra trường và về làm tại Tạp chí Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng luôn được cấp dưới nể phục và kính trọng.
“Ông là người nghiêm khắc trong nghề nghiệp, có lý tưởng. Điều đáng kính trọng ở ông là sự tận tâm với công việc. Là người từng nhiều năm được làm việc dưới quyền ông, được ông dìu dắt, chỉ bảo, chúng tôi học được rất nhiều ở ông tính chuyên cần, cẩn trọng, cần kiệm. Ông là mẫu người “Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” như Bác Hồ từng dạy”- ông Nhị Lê, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nhận định.
Khi đã trở thành Chủ tịch Quốc hội ông Nguyễn Phú Trọng vẫn là cán bộ cấp cao mẫu mực, sống trong sáng và liêm khiết. GS TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có lần kể ông nhận được Thiếp mời cưới con của Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng, nhưng đã qua ngày đám cưới. Ông cứ trách người trợ lý của Chủ tịch: “Anh đưa thiếp mời cho tôi chậm quá. Dù sao tôi cũng là cấp dưới và lại là chỗ thân tình với anh Trọng. Không đi dự đám cưới con anh ấy được tôi áy náy quá”. Người trợ lý cười: “Anh không đọc kỹ à? Đấy là thiếp báo hỷ. Anh Trọng dặn tôi là qua ngày cưới rồi hẵng đưa cho anh!”.
Thế nước đi lên
Không phải ngẫu nhiên mà nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhấn mạnh rằng, ông tin là BCH TƯ mới đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ phát huy tối đa khối đại đoàn kết toàn dân để xây dựng đất nước hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như khẩu hiệu (cũng là mệnh lệnh) của Đại hội Đảng XII.
Trong Báo cáo trước 1.510 đại biểu tham dự Đại hội Đảng XII và cũng là với toàn dân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nhưng đổi mới phải luôn quán triệt quan điểm “lấy Dân làm gốc”, vì lợi ích Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân. Đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp, tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra”.
Điều quan trọng nhất mà người đứng đầu Đảng ta nhiều lần nhấn mạnh là “Phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao. Đấu tranh đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, yếu tố quyết định cho thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Với một BCH TƯ mới, với một người đứng đầu Đảng nhân hậu, nghĩa tình, nhưng lại quyết liệt, tỉnh táo; với một cương lĩnh trí tuệ, sáng tạo, đầy thực tiễn, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, đất nước thân yêu của chúng ta sẽ từng bước vượt qua khó khăn, thử thách để để đạt được mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
T.L