|
Ông Nguyễn Đình Hương: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu ứng cử Chủ tịch nước là “ý Đảng, lòng Dân”. |
"Tôi không ngạc nhiên"
Ông Hương, người từng có hai khóa là Ủy viên Trung ương Đảng, nói: Tôi không ngạc nhiên, bởi đó là “ý Đảng, lòng Dân”. Theo Quyết định số 90- QĐ/TW của của Ban Chấp hành Trung ương, quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thì đồng chí Nguyễn Phú Trọng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn để được giới thiệu Quốc hội bầu vào vị trí Chủ tịch nước tại ký họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV - dự kiến sẽ khai mạc vào 22/10 tới.
Còn ý Đảng? Ngày hôm nay Trung ương, với 100% ủy viên Trung ương, đại diện cho toàn Đảng, thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu vào vị trí Chủ tịch nước. Có thể nói Trung ương chưa bao giờ thống nhất cao như thế.
Còn lòng dân thì chúng ta thấy rồi: uy tín của đồng chí Nguyễn Phú Trọng ngày càng cao trong nhân dân. Nhân dân tin tưởng vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư. Công cuộc phòng chống tham nhũng còn hết sức cam go, nhưng bước đầu đã đạt được những kết quả to lớn làm cho người dân ngày càng tin vào Đảng.
Ông vừa nói về ý Đảng, lòng dân; vậy còn những đồng chí nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta thì có còn băn khoăn gì nữa không, thưa ông?
- Trước Hội nghị Trung ương 8 tôi đã viết tâm thư gửi Bộ Chính trị, đề nghị Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu vào vị trí Chủ tịch nước.
Trước khi làm việc này tôi đã có những cuộc trao đổi, tham vấn ý kiến các đồng chí nguyên là Chủ tịch nước: Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang và một số nguyên là lãnh đạo cấp cao khác. Các đồng chí ấy đều cho rằng, đây là thời điểm chín muồi để Tổng Bí thư ra ứng cử vào cương vị Chủ tịch nước.
Thưa ông, đây không phải lần đầu tiên ông nêu ra vấn đề này, trước Hội nghị Trung ương 5, ông cũng đã nêu ra ý kiến là cần thành lập một “siêu Ủy ban” đủ quyền lực để chống tham nhũng. Siêu Ủy ban này nên là Tổng Bí thư – Chủ tịch nước đứng đầu. Khi ấy, ý ông muốn nói là Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước?
- Thực ra đây không phải lần đầu tiên chúng ta đặt ra vấn đề này. Tôi cũng không phải là người đầu tiên lên tiếng. Ở những thời kỳ khác nhau đã có bàn thảo đến chuyện này rồi. Tuy nhiên hoàn cảnh lúc bấy giờ chưa chín muồi nên Trung ương gác vấn đề này lại. Trước đây, khi còn trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười lo ngại rằng, một cá nhân đảm nhận hai chức vụ cực kỳ quan trọng, nếu không được chuẩn bị tốt, không có cơ chế giám sát tốt thì sẽ gây ra nhiều bất cập.
Hai năm trước khi qua đời, đồng chí Đỗ Mười thi thoảng lại cho gọi tôi đến trao đổi thông tin. Trong các câu chuyện về tổ chức, đồng chí Đỗ Mười cũng đã nói là đã đến lúc chín muồi để Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Internet)
|
Cán bộ, Đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải liêm chính
Đảng đã có nhiều quy định; gần đây nhất là Quy định số 47 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều Đảng viên không được làm; Quy định số 101 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, Đảng viên; đồng thời nội dung này cũng đã được đề cập ở nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Đảng. Vậy tại sao lại ban hành thêm một quy định mới nữa?
- Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng đã vừa qua đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, Đảng viên; góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của cán bộ, Đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Tuy nhiên, kết quả thu được còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Nhiều cán bộ, Đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt chưa thật sự gương mẫu, có cán bộ còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; đặc biệt có cán bộ lãnh đạo cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, Đảng viên và nhân dân.
Để khắc phục tình trạng nêu trên Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, ban hành một quy định mới về vấn đề này. Nội dung của bản quy định cần cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ kiểm tra, giám sát. Dự thảo quy định đã nêu 9 nội dung yêu cầu từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện 9 nội dung này.
Thưa ông, ông đã nghiên cứu kỹ 9 nội dung của quy định này chưa và ý kiến của ông về dự thảo quy định này?
- Tôi đã đọc, nghiên cứu và có những đóng góp cho dự thảo quy định này khi Ban Tổ chức Trung ương lấy ý kiến.
Tôi nhất trí cao với quy định. Tuy nhiên để những quy định này đi vào cuộc sống thì việc giám sát đội ngũ cán bộ, Đảng viên thực hiện đúng quy định là hết sức cần thiết. Tôi nghĩ Trung ương sẽ bàn thảo kỹ vấn đề này.
|
Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương. |
Với kinh nghiệm 55 năm làm công tác tổ chức, điều cốt lõi nhất đối với một cán bộ lãnh đạo, nhất là lãnh đạo chủ chốt, là gì, thưa ông?
- Tôi đã nói nhiều lần rồi; đó là sạch và không tham nhũng. Trước lúc ra đi, Bác Hồ đã để lại Di chúc, căn dặn những điều rất cốt lõi về công tác cán bộ.
“Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” – Bác dặn. Nếu cán bộ, Đảng viên, trước tiên, làm được hai điều Bác dạy thôi là “trong sạch” và “là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” thì đã xứng đáng là học trò của Bác và được dân tin tưởng, yêu quý và noi theo rồi.
Theo Quy định số 90-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Chủ tịch nước phải là người bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời cần có các phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong Trung ương, Bộ Chính trị và trong toàn Đảng. Có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp. Chủ tịch nước phải là trung tâm đoàn kết các lực lượng xã hội và các cộng đồng dân tộc trong, ngoài nước. Quyết liệt trong lãnh đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Chủ tịch nước cũng phải là người đã kinh qua và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chức danh Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy hoặc Trưởng Ban, Bộ, Ngành Trung ương, tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên (trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định)./. |