|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội. (Ảnh: TTXVN) |
Sáng 25/9, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018-2023 bước vào phiên trọng thể.
Đại hội vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Các đồng chí nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng... dự Đại hội.
Cùng dự Đại hội còn có các đồng chí lão thành cách mạng; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể, các tỉnh, thành ủy; đại diện lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty; Chủ tịch, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam các khóa và các đoàn đại biểu quốc tế, Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn thế giới...
Đại hội đã đón nhận lẵng hoa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm niềm tin vào tổ chức Công đoàn trong giai đoạn mới.
Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gửi lẵng hoa tới Đại hội. Đại hội cũng đón nhận lẵng hoa gửi gắm niềm tin của Liên hiệp Công đoàn thế giới.
Trong phiên làm việc, Đại hội đã nghe Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI trình Đại hội; Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động và tổ chức công đoàn với Đảng và Nhà nước; các tham luận của Liên đoàn Lao động Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh về nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiến thức-kỹ năng nghề nghiệp, pháp luật cho công nhân, viên chức, lao động và việc thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động trong tình hình mới.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt chúc mừng, trân trọng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động của các cấp công đoàn trong cả nước.
Tổng Bí thư nhấn mạnh Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới giai cấp công nhân và người lao động. Trong tiến trình lịch sử, giai cấp công nhân luôn là lực lượng tiên phong của cách mạng Việt Nam, luôn đứng ở trung tâm các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, kế thừa và làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Đặc biệt là, sau hơn 30 năm đổi mới, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành, nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tổng Bí thư chỉ rõ: “Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, chúng ta tiếp tục kiên định quan điểm giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại; giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng."
"Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, việc xây dựng giai cấp công nhân nước ta lớn mạnh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, của mỗi người công nhân và toàn xã hội, trong đó tổ chức công đoàn có vai trò, trách nhiệm to lớn.”
Tổng Bí thư phân tích những thuận lợi và khó khăn trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực; những tồn tại, hạn chế trong hoạt động Công đoàn và phong trào công nhân hiện nay; đồng thời chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn mới.
Các cấp Công đoàn cần chú trọng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho công nhân, viên chức, người lao động. Tập trung tuyên truyền, giáo dục, giúp công nhân, viên chức, người lao động nhận thức sâu sắc hơn nữa về giai cấp, về Đảng, về tổ chức công đoàn, về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Giáo dục, phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức chính trị của công nhân.
Cần thống nhất nhận thức rằng, ngày nay, thước đo lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của công nhân, người lao động chính là không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, ý thức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp, lao động cần cù, sáng tạo, để thích ứng với điều kiện lao động trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, không ngừng phấn đấu vì việc làm bền vững và cuộc sống tốt đẹp hơn của chính mỗi công nhân, vì sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp, sự phồn vinh của đất nước.
Tổng Bí thư đề nghị tổ chức Công đoàn các cấp cần thường xuyên quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng của đoàn viên và thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động, coi đây là điểm then chốt để thu hút đông đảo người lao động tự nguyện tham gia công đoàn, luôn ủng hộ, gắn bó và tin tưởng vào tổ chức công đoàn.
Các cấp Công đoàn tập trung các nguồn lực, đổi mới hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động theo hướng phát triển các chương trình xuyên suốt toàn hệ thống gắn với các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội của Công đoàn phục vụ trực tiếp và đúng đối tượng, thực hiện đồng bộ giữa trách nhiệm và thụ hưởng, lấy lợi ích là một trong những động lực quan trọng tập hợp, thu hút người lao động đến với tổ chức công đoàn.
Chú trọng bảo vệ các chế độ, chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và môi trường lao động cho công nhân. Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể. Chủ động tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Đẩy mạnh chương trình phúc lợi đoàn viên Công đoàn để cụ thể hóa việc thực hiện lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần, lợi ích chính trị mà tổ chức công đoàn mang lại cho người lao động, nhất là các vấn đề về việc làm, nhà ở, nhà trẻ, giá điện, nước, chăm sóc sức khỏe... Chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân.
Các cấp Công đoàn tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức, phương thức và hiệu quả hoạt động Công đoàn cho phù hợp với tình hình mới, yêu cầu mới, thích ứng với tình hình thực tế nước ta đã và đang tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhiều thành phần, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Việc tham gia xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị là trách nhiệm và quyền lợi chính trị của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động và tổ chức công đoàn.
Các cấp Công đoàn phải tích cực đấu tranh bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; góp ý với đảng viên, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ với hình thức phù hợp, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng.
Tăng cường giới thiệu để bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những cán bộ, đoàn viên công đoàn ưu tú, xuất sắc; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng đoàn viên tiên tiến, nòng cốt trong các doanh nghiệp, đơn vị ngoài khu vực nhà nước, ngoài công lập.
Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp cần quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với việc chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy vai trò, tiềm năng của giai cấp công nhân Việt Nam.
Tập trung thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về giai cấp công nhân được thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X.
Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự nỗ lực vươn lên của bản thân mỗi công nhân, sự tham gia đóng góp tích cực của người sử dụng lao động; trong đó, sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước có vai trò quyết định, Công đoàn có vai trò quan trọng trực tiếp trong chăm lo xây dựng giai cấp công nhân.
Nhà nước quan tâm sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... để bảo đảm quyền lợi, nâng cao đời sống của công nhân, người lao động.
Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh phải gắn liền với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng tổ chức công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong giai cấp công nhân vững mạnh./.
Theo TTXVN/VIETNAM+
Link gốc: https://www.vietnamplus.vn/tong-bi-thu-doi-moi-nang-cao-chat-luong-hoat-dong-cong-doan/526376.vnp