Tổng Bí thư đã “gióng trống” chống tham nhũng, chúng ta phải đánh tiếp

VietTimes -- Tổng Bí thư đã gióng trống rồi. Chúng ta phải đánh trống tiếp. Nếu chúng ta bỏ dùi thì pháp luật sẽ bị nhờn. Chính quyền bị giỡn mặt. Lòng dân sẽ ly tán. Mà muốn đánh trống rồi không bỏ dùi thì công tác chuẩn bị phải hết sức kỹ càng, làm đến nơi đến chốn.
ông Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.
ông Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.

Đó là chia sẻ của ông Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản với VietTimes.

Hồi trống chống tham nhũng của Tổng Bí thư

Thưa ông, người dân tin tưởng rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo trong sạch, liêm khiết, chí công vô tư. Nhưng người dân cũng cho rằng Tổng Bí thư còn là người nhân từ. Mà những người nhân từ thì thường không quyết liệt với cái xấu, cái ác. Tuy nhiên, những vụ việc như Trịnh Xuân Thanh, Núi Pháo, AVG-Mobifone, Tổng Bí thư đã chỉ đạo rất quyết liệt. Là người có thời gian công tác lâu năm với Tổng Bí thư ông có thể nói gì về vấn đề này?

- Tôi có may mắn là được làm việc dưới quyền đồng chí Nguyễn Phú Trọng hơn 20 năm, khi ông còn làm việc ở tạp chí Cộng sản. Ông là người đã hướng dẫn, dìu dắt, bảo ban và đào tạo tôi từ một phóng viên, biên tập viên trưởng thành lên đến Phó tổng biên tập tạp chí. Với tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa là thủ trưởng, nhà lãnh đạo, vừa là người anh.

Tôi vẫn giữ được tình cảm ấy, vẫn nhận được sự dìu dắt của ông, được trao đổi về nghề, được chia sẻ về những vui buồn của cuộc sống ngay cả khi ông đã được điều về làm Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, rồi Phó ban thường trực Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội và nhiệm kỳ thứ hai Tổng Bí thư Đảng.

Từ khi tôi được biết ông cho tới ngày hôm nay, ông vẫn luôn là người dễ gần, giản dị đến mộc mạc, nghĩa tình, trong sạch, liêm khiết, tận tụy, thủy chung, nhưng cũng hết sức quyết liệt và cực kỳ cẩn trọng. Ông luôn lo cho người khác, còn nỗi buồn, nỗi đau ông cố giữ lại cho riêng mình. Khi còn ở Tạp chí Cộng sản đã 3 lần ông bị chảy máu dạ dày. Có lần tôi chứng kiến tay trái ông ôm bụng, tay phải vẫn duyệt bài. Ông không bao giờ kêu ca, phàn nàn về bất cứ thứ gì.

Mặc dù ông là người hết sức cẩn trọng, nhưng ở những thời khắc quyết định có tính bước ngoặt thì ông luôn tỏ rõ là người hết sức bản lĩnh, mưu lược và đầy quyết đoán. Trước khi quyết định một việc gì ông cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, nâng lên đặt xuống, xem xét kỹ mọi khía cạnh. Và khi đã quyết rồi thì ông không bao giờ chùn bước.

Theo ông Nhị Lê, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người hết sức cẩn trọng nhưng cũng đầy bản lĩnh, mưu lược và quyết đoán

Tôi còn nhớ, năm 1991, Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu lần lượt sụp đổ. Khi ấy có không ít người dao động. Có người còn đề nghị đổi tên tạp chí Cộng sản, lấy lại cái tên ban đầu là tạp chí Học tập để tránh từ cộng sản. Khi ấy ông đang là Tổng biên tập. Ông bảo sự nghiệp của Đảng và nhân dân đã chọn thì phải tin tưởng và đi đến cùng. Xây dựng CNCS là mục tiêu lý tưởng của Đảng ta. Vì vậy không việc gì phải đổi tên cả. Tạp chí Cộng sản vẫn giữ tên ấy cho đến ngày hôm nay.

Tôi xin quay trở lại vấn đề ông Trịnh Xuân Thanh, những vụ việc có liên quan đến bố con cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng. Mặc dù vụ việc còn đang được các cơ quan chức năng làm rõ, nhưng với tính cách và bản lĩnh như vừa nói ở trên, tôi tin rằng một khi Tổng Bí thư đã chỉ đạo thì vụ việc là hết sức nghiêm trọng và kết quả sẽ sớm được làm rõ. Bản thân ông Trịnh Xuân Thanh, ông Vũ Huy Hoàng và những người có liên quan, dù đó là ai, giữ chức vụ gì, nếu có sai phạm thì chắc chắn sẽ bị nghiêm trị.

Theo ông thì việc Tổng Bí thư “đánh lên hồi trống” trong những vụ việc chống tham nhũng vừa qua có ý nghĩa như thế nào?

- Cách đây 3 tuần, tôi được Tổng Bí thư cho gọi lên phòng làm việc của ông. Trong câu chuyện với Tổng Bí thư, tôi có thưa với ông: “Anh đã đánh trống rồi, người dân đang mong anh đánh trống trận”. Tổng Bí thư nói đây là hồi trống vào trận chống tham nhũng.

Đã đến lúc không thể lùi bước được nữa rồi. Sự suy thoái, biến chất, cửa quyền, kéo bè, kéo cánh, chạy chức, chạy quyền, chạy tội; nạn đồng hương đồng khói, họ mạc; đưa con, đưa cháu vào các vị trí bất chấp họ có làm được việc hay không; vơ vét của công, sách nhiễu người dân… đang trở thành những căn bệnh vô cùng nguy hại, phát tán không chỉ ở cấp địa phương mà cả ở Trung ương; không chỉ ở những cán bộ cấp dưới mà cả cán bộ cấp cao.  Những căn bệnh này đang làm xói mòn lòng tin của người dân vào Đảng. Vì vậy, việc Tổng Bí thư gióng hồi trống chống tham nhũng đã đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân.  

Vụ Trịnh Xuân Thanh: “Con voi chui qua lỗ kim”

Thưa ông, việc gióng lên hồi trống chống tham nhũng của Tổng Bí thư bắt đầu bằng một vụ việc cụ thể của Trịnh Xuân Thanh với việc làm tưởng như ít nghiêm trọng là “biển trắng, biển xanh”. Việc làm này khiến chúng ta liên tưởng đến Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh hồi cuối những năm 80 của Thế kỷ 20 với “Những việc cần làm ngay”. Ông có cảm nhận như vậy không?

- Chống tham nhũng không phải gần đây mới được đặt ra. Hẳn chúng ta còn nhớ, vụ án Trần Dụ Châu. Trần Dụ Châu (1906-1950), nguyên Đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu (nay là Tổng cục Hậu cần) bị tử hình trong vụ án tham nhũng nổi tiếng năm 1950. Đích danh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo xử lý vụ án này.

Rồi, cuối những năm 80 của thế kỷ 20, từ chỉ đạo của Tổng Bí thư Đảng ta lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Văn Linh với “Những việc cần làm ngay” các cơ quan chức năng đã xử lý rốt ráo rất nhiều vụ việc tiêu cực.

Tuy nhiên, phải nói rằng, chưa bao giờ công tác chống tham nhũng, tiêu cực và các tệ nạn khác lại cấp bách như ngày nay. 

Tổng bí thư nói, những vụ như Trịnh Xuân Thanh, phải làm chắc chắn, thận trọng, hiệu quả, đồng thời giữ cho được ổn định để phát triển đất nước.
Tổng Bí thư nói: Những vụ như Trịnh Xuân Thanh, phải làm chắc chắn, thận trọng, hiệu quả, đồng thời giữ cho được ổn định để phát triển đất nước.

Tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngày 6/8 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kể rằng, có người lục vấn ông: “Tổng Bí thư đã đánh trống rồi, thì tại sao không đánh liên hồi, mà lại lại đánh nhát một”. Rồi Tổng Bí thư trả lời: “Đánh” là phải thận trọng, “đánh” đâu chắc đó. Ông bình luận gì về vấn đề này?

- Theo tôi thì, đúng như Tổng Bí thư đã nói, đánh trống thì phải từng tiếng một, rành rọt; đánh đâu chắc đấy. Lòng dân thì mong muốn là vậy, nhưng người cầm dùi phải hết sức thận trọng. Tùy thuộc vào vụ việc cụ thể, hoàn cảnh cụ thể mà đánh trống trận hay trống ngũ liên vỡ đê. Đối với việc chống tham nhũng, tiêu cực thì càng phải thận trọng. Thận trọng để đúng người đúng tội.

Vừa qua tôi có viết một bài với tiêu đề là “Không đánh trống bỏ dùi”. Tệ nạn như tôi vừa nói ở trên ngày càng lan rộng. Tính chất ngày càng nghiêm trọng. Tổng Bí thư đã gióng trống rồi. Chúng ta phải đánh trống tiếp. Nếu chúng ta bỏ dùi thì pháp luật sẽ bị nhờn. Chính quyền bị giỡn mặt. Lòng dân sẽ ly tán. Mà muốn đánh trống rồi không bỏ dùi thì công tác chuẩn bị phải hết sức kỹ càng, lực lượng phải đầy đủ, làm đến nơi đến chốn, không được “mang thúng úp voi”.

Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội hôm 6/8, Tổng Bí thư có nói rằng, trong vụ việc Trịnh Xuân Thanh cho thấy còn rất nhiều vấn đề hệ trọng, các cơ quan chức năng đang điều tra, chưa thể công bố ra hết được. Là người hết sức cẩn trọng, việc Tổng bí thư nói ra như vậy cho thấy vụ việc Trịnh Xuân Thanh là cực kỳ nghiêm trọng, liên quan đến nhiều cá nhân. Xin ông cho biết ý kiến về về vấn đề này!

- Có một thời kỳ dài khi nói đến những vụ việc như Trịnh Xuân Thanh thì người ta hay cho rằng đó là tưởng tượng ra, là làm trầm trọng hóa vấn đề, hoặc người ta đặt câu hỏi ngược lại: chứng cứ đâu?

Vụ việc Trịnh Xuân Thanh xảy ra cho ta thấy ở đó tích tụ và biểu hiện tất cả những bệnh hoạn mà xưa nay chúng ta lo lắng là có thật. Đây là những ung nhọt và bây giờ nó mới vỡ ra. Bản thân vụ việc đã trầm trọng rồi, nhưng nó còn cho chúng ta thấy thêm một điều nữa là những ung nhọt như Trịnh Xuân Thanh không phải là ít.

Tính chất của vụ việc này không phải đơn giản nữa rồi. Có sự kéo bè kéo cánh rồi. Lợi ích nhóm có rồi. Thậm chí là trùng trùng, điệp điệp, chằng chịt rồi, tầng tầng lớp lớp rồi. Lợi ích nhóm có không? Có. Sự vô nguyên tắc có không? Có. Chống lại quyết định cấp trên, có không? Làm méo mó quyết định cấp trên, có không? Quá rõ rồi còn gì. Có bôi trơn không? Ai dám bảo không có.

Trong Hội nghị triển khai Nghị quyết đại hội XII mới đây, Tổng Bí thư đã nói về vấn nạn “chạy luân chuyển”, thì Trịnh Xuân Thanh là một biểu hiện cụ thể. Trước kia người ta nói đến chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy tuổi, giờ thì thêm một loại chạy nữa là chạy luân chuyển.

Vụ Trịnh Xuân Thanh là điển hình của việc dắt được cả con voi qua một cái lỗ kim. Cái nguy hiểm nhất là công tác tổ chức cán bộ của Đảng bị xâm hại. Tuy nguyên tắc bị xâm hại vẫn có thể sửa chữa được. Nhưng lòng tin của người dân bị xâm hại thì đâu có dàng lấy lại được. Những vụ việc như vậy làm người dân oán thán, bất bình.

Điều đó giải thích tại sao Tổng Bí thư phải trực tiếp chỉ đạo. Nếu như vụ Trịnh Xuân Thanh không bị phát hiện, hoặc đã bị phát hiện, nhưng  không có sự chỉ đạo rốt ráo của Tổng Bí thư thì rồi nó lại bị xập xí xập ngầu bằng kiểu “đúng quy trình”.

Với tính cách của Tổng Bí thư như chúng ta phân tích ở trên, tôi rất tin rằng vụ việc Trịnh Xuân Thanh, Núi Pháo, Formosa... sẽ được xem xét kỹ lưỡng và không chỉ có Trịnh Xuân Thanh, Vũ Huy Hoàng và nhiều cá nhân khác nữa có liên quan sẽ bị xử lý nghiêm khắc, nếu đủ cơ sở kết luận họ vi phạm pháp luật.

Xin cám ơn ông!