Phát biểu tại Đại hội, Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương – nhấn mạnh: Nhiều phong trào do Bộ Y tế phát động đã mang lại hiệu quả thiết thực, ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng như nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng sự hài lòng của nhân dân, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của ngành Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, tăng cường y tế cơ sở hướng tới bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, xây dựng bệnh viện xanh, sạch đẹp,… Qua đó, ngành Y tế không chỉ giải quyết các vấn đề được đặt ra trong thực tiễn mà còn nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lượng dịch vụ y tế và sự hài lòng của người dân, đồng thời, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu qủa quản lý.
Bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương (Ảnh: Tuấn Dũng) |
Từ đầu năm 2020, trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Y tế đã phát động phong trào thi đua ngành Y tế chung tay phòng, chống COVID-19 làm tốt công tác vận động, tuyên truyền nhân dân tích cực phòng, chống dịch, đồng thời, có biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả góp phần kiểm soát tình hình dịch COVID-19.
Vì vậy, Đại hội thi đua yêu nước ngành Y tế đã tôn vinh 29 tập thể, 26 cá nhân đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước ngành Y tế.
Hàng vạn thầy thuốc không quản khó khăn, nguy hiểm chống dịch COVID-19
Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong 5 năm qua, Bộ Y tế đã tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước, lao động giỏi, lao động sáng tạo.
Trong công tác chống dịch COVID-19, các chiến sĩ áo trắng đã thể hiện ý chí, không ngại khó khăn gian khổ, đứng vững ở tuyến đầu chống dịch. Dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngành Y tế đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các tỉnh thành phố triển khai sớm các biện pháp phòng, chống dịch rất mạnh mẽ và hiệu quả theo chiến lược “ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng triệt để - dập dịch quyết liệt và điều trị”, kết hợp với nguyên tắc “4 tại chỗ” vốn lâu nay đã chứng minh được tính hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh và phòng chống thiên tai.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Tuấn Dũng) |
Hàng vạn thầy thuốc đã không quản nguy hiểm tới tính mạng, trực tiếp có mặt tại các ổ dịch, các cơ sở điều trị, các phòng thí nghiệm, các trung tâm cấp cứu. Nhờ vậy, những ổ dịch được nhanh chóng dập dứt điểm, số lượng ca mắc chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với quy mô dân số, tất cả các bệnh nhân nặng được điều trị bình phục.
Khi đợt dịch thứ 2 bùng phát tại Đà Nẵng, Bộ Y tế đã huy động sức mạnh tổng hợp của toàn ngành với hơn 1.000 cán bộ y tế trong đó có 300 thầy thuốc là những chuyên gia đầu ngành trong công tác phòng chống dịch và điều trị để hỗ trợ, phối hợp với Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và hoàn thành việc dập dịch dứt điểm trong chưa đầy 40 ngày, cứu sống nhiều bệnh nhân nặng.
Chiến sĩ áo trắng nói không với ngày nghỉ
PGS.TS. Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương – chia sẻ: Khi ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19 đầu tiên được ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đội cơ động phòng chống dịch 24/24h của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã có mặt để điều tra, thu thập mẫu bệnh phẩm, xác minh thông tin, lập danh sách người tiếp xúc, thông tin cho địa phương cũng như báo cáo cho Cục Y tế dự phòng và Bộ Y tế.
PGS.TS. Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Ảnh: Minh Thuý) |
“Những ngày sau đó, tất cả các cán bộ tại Viện đều căng mình chống dịch, cao điểm có những ngày đội trực điều tra, lấy mẫu tới hàng trăm ca bệnh nghi ngờ ở hầu khắp các bệnh viện trên địa bàn thủ đô. Việc trở về Viện vào lúc 2 - 3 giờ sáng là điều hết sức bình thường trong những ngày cao điểm. Các cán bộ trực tiếp tham gia phòng, chống dịch của Viện gần như không có tết, không có ngày nghỉ, nhiều cán bộ cả tháng không về nhà, bám trụ tại cơ quan, chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng đi vào tâm dịch, thu thập thông tin ca bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, điều tra dịch tễ bất cứ khi nào có thông tin được báo về.” – ông Dương nói.
Với vai trò là viện quốc gia đầu ngành, Viện đã phối hợp với Cục Y tế dự phòng, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các CDC tuyến tỉnh, thành phố thực hiện tập huấn xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 và đánh giá các phòng xét nghiệm thuộc khu vực phía Bắc. Từ 4 phòng xét nghiệm ban đầu thuộc 4 Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Viện đã cùng 3 viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur thống nhất quy trình xét nghiệm, đảm bảo chất lượng xét nghiệm để có thể thực hiện tại các CDC tuyến tỉnh, thành phố theo chỉ đạo của Chính phủ. Ngoài những hoạt động trực tiếp tại ổ dịch, Viện đã trực tiếp tổ chức điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm cho hơn 6.000 ca bệnh nghi ngờ và người tiếp xúc gần.
Cũng như PGS. TS. Trần Như Dương, là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, BSCKII. Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương – cho hay: “Ngay từ những ngày tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 đầu tiên, tôi cùng các bác sĩ trong khoa đã lên kế hoạch, xây dựng nhân sự, vật tư trang thiết bi, tiên hành triển khai tiếp nhận, sàng lọc, chăm sóc và điều trị bệnh nhân, nắm bắt thông tin, thu thập tài liệu soạn thảo những chuyên đề sinh hoạt khoa hoc và đào tạo trong nội bộ khoa về Coronavirus.
BSCKII. Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Minh Thuý) |
Từ khi tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 đầu tiên tại Bệnh viện, BS. Cấp đã trực 24/24h tại để tiếp nhận, sang lọc, chăm sóc và điều trị cho những bệnh nhân nghi ngờ cũng như bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Đến nay đã có 81 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi, không có bệnh nhân nào từ vong.
Cùng với đó, BS. Cấp cùng các bác sĩ tại Bệnh viện đã triển khai thành công các kỹ thuật cao để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng như: Thở máy nâng cao, lọc máu hấp phụ phân từ (lọc Cytokin), hỗ trợ hô hấp ngoài cơ thể (ECMO),… kết quả 10/10 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng đã bình phục, một số bệnh nhân khỏi bệnh và ra viện.
“Tôi đã trực tiếp tham gia thực hiện các kỹ thuật khó, nguy hiểm như đặt ống nội khí quản, thở máy, lọc máu, thở oxy lưu lượng cao cho các bệnh nhân nặng và tham gia cùng Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương triển khai chăm sóc, điều trị cho các cán bộ lãnh đạo. Với vai trò là lãnh đạo khoa Cấp cứu, tôi đã lập kế hoạch phân luồng bệnh nhân, lên quy trình làm việc cũng như bố trí, sắp xếp ca trực để dảm bảo công tác chuyên môn cũng như giám thiếu cao nhất nguy cơ lây nhiễm virus SARS- CoV-2 cho nhân viên y tế” – BS. Cấp chia sẻ.