Hội đồng thẩm phán - Tòa án nhân dân tối cao vừa ban hành Dự thảo Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng các điều của Bộ luật Hình sự về tội Hiếp dâm, Cưỡng dâm, Dâm ô.
Theo đó, khái niệm dâm ô mới đã được mở rộng với nhiều hành vi cụ thể được liệt kê. Dự thảo Nghị quyết, tội Dâm ô quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là một trong các hành vi, nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục của người phạm tội, nhưng không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 16 tuổi.
Các hành vi gồm, sờ, bóp, hôn vào những bộ phận, vùng nhạy cảm như bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông… trên cơ thể người dưới 16 tuổi.
Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi sờ, bóp, hôn… vào những bộ phận, vùng nhạy cảm như bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông… trên cơ thể người phạm tội hoặc người khác.
Cố ý định chạm bộ phận của cơ thể mình hoặc sử dụng các đồ vật tác động vào các bộ phận, vùng nhạy cảm trên cơ thể người dưới 16 tuổi như bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...
Hành vi sờ, bóp, hôn, đụng chạm vào các bộ phận, vùng nhạy cảm có thể thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp, như qua lớp quần áo.
Dự thảo cũng quy định hành vi dùng cử chỉ, hành động, hình ảnh, âm thanh gây kích thích ham muốn tình dục được coi là hành vi Trình diễn khiêu dâm quy định tại khoản 1, Điều 147 của Bộ luật Hình sự.
Đặc biệt, để đảm bảo phòng ngừa tội phạm và tái phạm tội, khi xét xử các vụ án xâm hại tình dụng, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, cùng với việc áp dụng hình phạt chính, Tòa án phải áp dụng hình phạt bổ sung như cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đối với người phạm tội.
Dự thảo nêu rõ về một số tình tiết định tội như: “Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân” quy định tại khoản 1 Điều 141 và khoản 1 Điều 142 của Bộ luật Hình sự là việc người phạm tội lợi dụng tình trạng người bị hại đang bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn, bị ngất hay bị mê man, bất tỉnh do sử dụng các chất kích thích (rượu, bia, ma túy, thuốc an thần hoặc các chất kích thích khác) hoặc bị tâm thần dẫn đến không thể chống cự được để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác.
“Thủ đoạn khác” quy định tại khoản 1 Điều 141 và khoản 1 Điều 142 của Bộ luật Hình sự là những thủ đoạn không phải dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân, như lừa gạt, dụ dỗ, dọa nạt, cho nạn nhân sử dụng rượu, bia, ma túy... để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dụng khác.