Khó hoàn thành tiến độ
Dự án thoát nước mưa, nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòng là dự án trọng điểm, sử dụng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 5.513 tỷ đồng. Giai đoạn I của dự án gồm: Hợp phần thoát nước mưa, thoát nước thải cho khu vực nội đô Hải Phòng; Hợp phần chất thải rắn và xây dựng các khu tái định cư cho 2 hợp phần trên.
Theo BQL dự án cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường Hải Phòng, tính đến ngày 7/9/2017, gói thầu A1 - xây dựng các tuyến cống nước thải và đường dẫn đến nhà máy xử lý nước thải Vĩnh Niệm - đã hoàn thành thi công vào tháng 10/2016, hiện gói này đã giải ngân được 88.67%.
Gói thầu A2 - xây dựng các tuyến cống nước thải, kênh An Kim Hải và tuyến cống hộp Phương Lưu – phải hoàn thành vào 31/12/2017, tuy nhiên khối lượng thi công đến thời điểm 7/9/2017 mới hoàn thành 81,9%, giá trị giải ngân mới được 57,1%.
Gói thầu A3 - thi công 4 trạm bơm nước thải Kiều Sơn, Lạch Tray, An Đà, Chợ Hàng – mới thi công được 45%, giá trị giải ngân 56,79%.
Gói thầu A4 - xây dựng hồ điều hòa Vĩnh Niệm, Trại Chuối, kênh Ba Tổng, đê Vĩnh Niệm và cống hộp phải hoàn thành vào 20/6/2018. Nhưng đến nay khối lượng thi công mới đạt 32,97%, giải ngân được 35,66%. Gói thầu B: xây dựng nhà máy xử lý nước thải Vĩnh Niệm (phải hoàn thành vào 31/12/2017), nhưng khối lượng thi công 72,39 %, giải ngân 42,61 %.
Tại hợp phần chất thải rắn, gói thầu C – xây dựng khu chôn lấp chất thải rắn tại Gia Minh, huyện Thủy Nguyên - kế hoạch phải hoàn thành vào 1/7/2018. Nhưng hiện khối lượng công việc mới đạt 55%, giải ngân 62.03%, đặc biệt là chưa hoàn thành thu hồi đất của vùng đệm cách ly và gói thầu D mua sắm thiết bị cho Khu xử lý chất thải rắn.
Loay hoay vì đâu
Theo kế hoạch của năm 2017, nhu cầu vốn ODA thực tế của Dự án là 1.412 tỷ đồng, nhưng được giao có 680 tỷ đồng, thiếu khoảng 732 tỷ. Về vốn đối ứng do Hải Phòng bố trí, thực tế cần là 565,7 tỷ đồng nhưng mới được giao 204 tỷ đồng, trong đó chỉ có 104 tỷ là từ nguồn ngân sách, còn 100 tỷ là vốn trái phiếu địa phương chưa được giải ngân. Như vậy, thành phố còn thiếu gần 361,7 tỷ đồng đối ứng cho dự án. Đây có lẽ là 1 trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm tiến độ.
Về giải phóng mặt băng, tại gói thầu C, công tác thu hồi đất của vùng đệm cách ly của Khu xử lý chất thải rắn đang chậm trễ nghiêm trọng. Cụ thể, khu vực này có diện tích 26,6ha, trong đó có 389 hộ dân và 1 tổ chức cần phải di dời.
Tuy nhiên, diện tích giải phóng mặt bằng đợt 1 là 4,8ha thì mới giải phóng được 3,05 ha, chủ yếu là đất nông nghiệp. Đợt 2 cần giải phóng 22ha, mới dừng lại ở mức niêm yết công khai dự thảo phương án bồi thường.
Theo Ông Bùi Doãn Nhân – Phó Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên - ngày 17/8/2017, huyện và BQL dự án đã có báo cáo tới UBND thành phố. Nội dung xin bổ xung kinh phí 270 tỷ đồng giải phóng mặt bằng vùng đệm cách ly, và 37,3 tỷ cho công trình đường sử dụng vốn dư nối từ Khu xử lý chất thải rắn đến nhà máy xi măng Hải Phòng. Nhưng hiện đề nghị này vẫn đang chờ thành phố phê duyệt.
Còn đối với gói thầu D, đến 25/8/2017, BQL Dự án đã trình xin phê duyệt kết quả đấu thầu và nội dung hợp đồng nhưng và hiện đang chờ phê duyệt. Trong khi đó, theo kế hoạch thì cuối tháng 9/2017 việc cung ứng thiết bị phải được triển khai - trước 9 tháng (trước ngày hết hạn hợp đồng cho vay).
Quan tâm và lo ngại về tiến độ, trong thư gửi Hải Phòng Jica yêu cầu cần đẩy nhanh tiến độ sớm nhất có thể, đồng thời nêu rõ bất kỳ sự chậm trễ nào so với kế hoạch ban đầu đều sẽ không được chấp nhận.
Được biết, trong dự án này, Hải Phòng còn được sử dụng phần vốn dư gần 500 tỷ của Hiệp định để xây dựng con đường nối từ Khu xử lý chất thải rắn đến nhà máy xi măng Hải Phòng. Thành phố đang vận động, đề xuất vay vốn ODA để xây cầu Nguyễn Trãi qua sông Cấm.
Do vậy, nếu không hoàn thành Dự án cải thiện môi trường đúng tiến độ theo Hiệp định, địa phương sẽ gặp nhiều bất lợi.