Phi công hẳn là một công việc mơ ước đối với nhiều bạn trẻ, không chỉ ở Việt Nam.
Nhìn những chàng phi công bảnh bao hằng ngày kéo vali qua cửa ưu tiên, điều khiển những chiếc máy bay khổng lồ đi khắp thế giới, và lĩnh những tháng lương có thể tới cả chục nghìn USD, bạn ngưỡng mộ và thầm ao ước được như họ…
Có bao giờ bạn tự hỏi, rằng làm cách nào để trở thành một phi công (?).
VietTimes trân trọng giới thiệu bài viết "Tôi đi học phi công". Tác giả bài viết là một phi công hiện đang công tác tại hãng hàng không quốc gia. Sau một chuyến bay dài, anh vẫn vui lòng nhận lời cộng tác với VietTimes cho đề tài: Nghề phi công.
…
Khởi đầu ước mơ
Bố tôi là phi công, tôi luôn tự hào khi nói với bạn bè như thế. Nhưng khi lớn lên, tôi đã nghĩ rằng phi công là một công việc nhàm chán. Phi công hằng ngày ngồi một chỗ, đi những tuyến đường cố định.
Tôi luôn băn khoăn rằng ngồi một chỗ hằng giờ làm sao chịu đựng được sự nhàm chán, khi xung quanh chỉ toàn nút bấm và một khung trời nhạt nhẽo màu mây, nắng.
Tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ không theo nghề của bố. Tôi muốn trở thành một luật sư và đã thi vào một trường Luật. Vậy mà năm thứ 2 đại học Luật, nghe lời gia đình, tôi đã thử thi tuyển phi công. Khá bất ngờ và có lẽ là nhiều phần may mắn – tôi trúng tuyển.
Khám tuyển phi công không đến nỗi khó khăn như tôi tưởng. Thậm chí là đơn giản, vì cấu tạo cơ thể và đầu óc của tôi hoàn toàn hợp với nghề. Có thể là gen di truyền.
Phi công không cần có sức khỏe hơn người, nhưng phải có một cơ thể hoàn hảo (Ảnh minh họa)
|
Yêu cầu khi khám tuyển khá đơn giản:
- Không có một bệnh gì bao gồm cả những bệnh phổ biến như viêm xoang, bệnh ngoài da, bệnh về mắt, bệnh về tai, tiền đình, đường ruột, men gan cao như viêm gan B (một bệnh rất phổ biến ở Việt Nam), tim mạch,…;
- Chức năng thần kinh bình thường;
- Tiền đình phải rất tốt (Chúng tôi được test qua các bài quay ghế 60 vòng/phút; sau đó đi trên một đường thẳng, thực hiện các phép tính nhân chia trong môi trường áp suất cao, 5-10.000ft và thiếu oxy);
- Khả năng định hướng không gian và logic.
Thực ra phi công không cần phải có một sức khỏe hơn người. Nhưng điều kiện cần là một sức khỏe hoàn hảo - không có bệnh. Thực tế, đã có tới 98% số thí sinh tham dự bị loại bỏ vì điều kiện “không có bệnh”.
Tôi thực sự hiểu rằng, để làm được phi công, cần được sinh ra với các điều kiện cần có. Nếu không, có cố gắng cách mấy cũng không được.
Tôi nhận ra bản thân đã may mắn thế nào!
Tôi quyết định từ bỏ Đại học Luật, bước vào con đường mà tôi cho rằng dễ dàng hơn - vì tôi sinh ra đã có tố chất.
Phi công không phải nghề dành cho kẻ lười biếng
Trên hành trình đầu để trở thành một phi công thực thụ, tôi đã bước vào FTC - Trung tâm huấn luyện bay. Một cảm giác đầy hào hứng, tự tin!
Qua 3 tháng học quân sự, thời gian học tại FTC với các môn học làm quen, tôi càng tự tin về khả năng của mình...
Thế nhưng! Sự tự tin đó đã biến mất hoàn toàn khi tôi bước vào học chuyên ngành.
"Và tôi có thể nói, cuộc đời tôi chưa bao giờ phải học nhiều và chăm chỉ đến vậy"
|
Với BAK - Basic Aviation Knowledge - Kiến Thức Cơ Bản về Hàng Không, tôi đã phải học, phải cố gắng rất nhiều, rất vất vả, mới có thể theo kịp.
Nhưng nên nhớ, đó chỉ là bước đầu của chuỗi ngày chỉ biết cắm đầu vào học! Khi đỗ phỏng vấn qua nước ngoài, tôi mới thấu hiểu được để làm được một phi công không hề đơn giản.
Trong vòng 18 tháng, chúng tôi – những học viên phi công - phải hoàn thành hơn 250 giờ bay. Mỗi chuyến bay kéo dài khoảng 1 - 2 giờ, với cái nắng gắt cháy lửa hoặc lạnh căm căm, và cả áp suất không khí. Nhưng trên tất cả, là áp lực bài tập: vừa giữ độ cao, tốc độ, hướng máy bay, vừa nghe chỉ huy mặt đất cho huấn lệnh và trả lời, vừa nghe Giáo viên hướng dẫn bài bay, vừa quan sát đồng hồ bên trong và quan sát địa hình lẫn máy bay khác trong khu vực và đương nhiên cả bản đồ bay cầm trên tay, song song với việc tính toán khoảng cách cần giảm độ cao, phương cách tiếp cận và hạ cánh.
Cùng một lúc bạn phải để ý tới cả 10 chi tiết/động tác. Đó thực sự là những khoảng thời gian mướt mồ hôi, bất kể dưới cái nắng 38 độ hay âm 2 độ C.
Nhưng phải nói rằng, việc học bay thực tế thú vị và đỡ hơn nhiều so với học lý thuyết.
Học lý thuyết: Chúng tôi phải học và thi qua 13 môn ATPL - Airline Transport Pilot Licence, mỗi môn học tương đương một chương trình đại học. Đương nhiên hoàn toàn bằng tiếng Anh. Ví dụ như môn Air law- Luật Hàng Không, nó tương đương học Bộ luật Dân sự, bạn phải nắm và thi qua; Môn Meteorology - Thời tiết phức tạp và khó, học xong có lẽ chúng tôi đã có kiến thức ngang một nhà dự báo khí tượng học.
Nhấn mạnh rằng, 13 môn học đó song song với việc học bay, chúng tôi chỉ có 18 tháng để hoàn thành. Và tôi có thể nói, cuộc đời tôi chưa bao giờ phải học nhiều và chăm chỉ đến vậy.
Phi công không phải là nghề cho những người lười biếng, kể cả có tố chất từ lúc sinh ra - như tôi đã từng lầm tưởng!
Xung quanh bạn là trời, mây và hàng nghìn nút bấm. (Ảnh: Internet)
|
Trở thành phi công thực sự
Cục Hàng không nói gì về chất vấn của ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương? |
Sau khi hoàn thành khóa học cơ bản khắc nghiệt. Tôi trở về và phỏng vấn chuyển loại máy bay thương mại A321.
Và sự lầm tưởng còn lớn hơn khi nghĩ rằng sự khó khăn đã kết thúc, sự học đã xong! Việc học lái một máy bay thương mại như A321 khó gấp bội phần việc 18 tháng học cơ bản mà tôi đã trải qua.
Đối với máy bay cơ bản, tôi chỉ cần làm việc một mình, máy bay thương mại là sự phối hợp nhịp nhàng của 2 phi công, song song với tuân thủ hàng chục ngàn quy định mà tôi nghiễm nhiên phải cập nhật.
Số sách để có thể vận hành một chiếc A321 bao gồm sách về hệ thống, sách về quy định an toàn bay, sách về Quy trình bay, sách về quy trình vận hành của Hãng, và hàng vài chục đầu sách khác tôi cần phải biết, đâu đó nếu xếp chồng lên nhau sẽ cao khoảng 8m.
Nghề lái máy bay đòi hỏi phải học cả đời (Ảnh minh họa)
|
Đối với một phi công thương mại, việc phối hơp với nhau ăn ý theo đúng quy trình là điều bắt buộc. Nghe thì đơn giản, nhưng quy trình đó dài khoảng hơn 600 trang và quy định mỗi phi công làm một việc nhất định trong khoảng thời gian nhất định, với hơn 2.000 nút chỉnh nhưng phải đúng vai trò của từng người. Không được phép làm việc của người kia!
Và những khó khăn, sự học ngày càng nhiều, những lời của những phi công đàn anh càng khiến tôi thấm thía "phi công là học cả đời"./.