Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối thoại trực tiếp với công nhân ở Đà Nẵng

“Tôi đề nghị Quỹ Tấm Lòng Vàng tặng chị Sương một căn hộ“

VietTimes -- Sáng 22/4, tại Cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi đối thoại trực tiếp với khoảng 2.000 công nhân, người lao động thuộc các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.
Thủ tướng xuống gần chị Sương, hỏi thăm sức khỏe, hoàn cảnh gia đình chị khi để dự buổi đối thoại hôm nay, chị Sương đã mang theo cả hai con nhỏ đến cuộc giao lưu.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu buổi trò chuyện với công nhân bằng lời phát biểu ngắn gọn. Ông nhấn mạnh mong muốn lắng nghe ý kiến của công nhân - lực lượng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước.

Cuộc đối thoại chính thức được khai mạc từ 8h40' nhưng người đứng đầu Chính phủ đã đến khá sớm. Ông dành thời gian đi tham quan, xem xét các sản phẩm lao động, sáng tạo công nhân, trước khi chính thức bước vào đối thoại...

...

Một nữ công nhân đứng lên phát biểu ý kiến. Chị vừa hạ mic, định ngồi xuống nhưng Thủ tướng gọi: "Cho tôi hỏi lại, người vừa đặt câu hỏi này có phải là cô đã xuất hiện trên phóng sự ngắn vừa chiếu không?"

"Dạ thưa Thủ tướng, đúng ạ!", nữ công nhân đáp.

...

Kéo xuống để theo dõi chi tiết tường thuật theo diễn tiến thời gian:

7h55

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi tham quan khu trưng bày các sản phẩm lao động, sáng tạo công nhân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng DN tiêu biểu
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các sản phẩm lao động của công nhân Việt Nam

8h15

Ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu chào mừng sự kiện

Sự kiện có dự tham gia của hơn 2.000 công nhân và chủ các doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng và các tỉnh lân cận

8h30

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã bắt đầu buổi trò chuyện với công nhân bằng lời phát biểu ngắn gọn và mong muốn lắng nghe ý kiến của các công nhân, lực lượng đóng vai trò quan trọng đối với phát triển của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn lắng nghe nhiều ý kiến của lực lượng công nhân

8h40

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức bắt đầu cuộc đối thoại

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan điểm luôn lắng nghe để xây dựng một Chính phủ kiến tạo, tạo động lực phát triển đất nước

Công nhân đầu tiên nêu ý kiến trong cuộc đối thoại với Thủ tướng là anh Trần Ngọc Thành, công nhân Cty cổ phần công nghiệp nhựa Đà Nẵng. Công nhân Thành nêu ý kiến: Thưa Thủ tướng, Công nhân mong muốn được nâng cao năng suất lao động, là điều kiện mang lại quyền lợi ổn định cho công nhân. Doanh nghiệp cần có chính sách động viên công nhân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Cháu nghĩ như vậy có đúng không?

"Thủ tướng giúp cháu đề nghị doanh nghiệp tạo điều kiện để mong muốn của công nhân thành hiện thực", công nhân Thành bày tỏ.

Anh Trần Ngọc Thành, công nhân Cty cổ phần công nghiệp nhựa Đà Nẵng.

Chia sẻ với ý kiến của công nhân Thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Việt Nam đã tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định kinh tế với các quốc gia, châu lục. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động cũng nhiều hơn.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ, ngoài những thuận lợi, bối cảnh thực tiễn trên cũng đặt ra bài toán cạnh tranh với chính công nhân, khi người lao động ở các quốc gia sẽ được quyền tự do tìm kiếm việc làm ở các quốc gia khác. "Cạnh tranh về lao động sẽ gay gắt hơn, việc nâng cao trình độ, tay nghề của công nhân lao động là hết sức thiết thực và cấp thiết", ông nói.

Lường đoán được điều này, các cấp công đoàn đã đẩy mạnh chương trình "Nâng cao trình độ kỹ năng, nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động" gắn với Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2020. Chính phủ cũng sẽ có những chính sách ưu tiên cho việc dạy nghề, nâng cao trình độ cho người lao động.

Thủ tướng chia sẻ với các công nhân về bài toán cạnh tranh ngày càng gia tăng trên thị trường lao động.

Theo Thủ tướng: Các doanh nghiệp cũng phải có chính sách đào tạo riêng - đó là yếu tố sống còn cho chính doanh nghiệp.

"Con người là nguồn lực quan trọng. Chính phủ cũng sẽ có những chính sách tác động và hỗ trợ. Về phía các bạn công nhân, mỗi người cũng phải đối diện với quy luật cạnh tranh, phải cố gắng không ngừng để giỏi hơn, có ích hơn thì mình sẽ tồn tại", ông nói.

Theo Thủ tướng, trong thời gian tới, ngoài sự vào cuộc của Chính phủ, tổ chức Công đoàn, các doanh nghiệp phối hợp với các cấp, các cơ quan chức năng để có thể triển khai các chương trình học bổng toàn phần, bán phần dành cho công nhân học để nâng cao chuyên môn, tay nghề; qua đó, đảm bảo và phát triển công việc, đời sống...

8h55

Công nhân Nguyễn Đình Quyết, Công nhân Cty Cổ phần nhựa miền Trung: Để công nhân có việc làm bền vững, xin Thủ tướng xem xét việc sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp dành một khoản chi cho đào tạo dài hạn, chuẩn hóa nghề nghiệp cho công nhân?

Thủ tướng: Hiện nay Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tồn dư lớn, chủ yếu là do Quỹ mới chi trợ cấp thất nghiệp và đào tạo nghề cho lao động sau khi thất nghiệp. Hiện mới có khoảng 4,9% người thất nghiệp được nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để học nghề, chuyển đổi nghề, chưa có người hưởng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề 

Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp được dùng để chi trả cho các hoạt động này và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ cũng đã chỉ rõ cần “Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật cao”.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cần phải tăng cường hỗ trợ, chi cho việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Các cấp công đoàn cần có đề án cụ thể để sử dụng hiệu quả phần kinh phí này cho đào tạo, buồi dưỡng nâng cao tay nghề cho công nhân lao động.

9h20

Ông Nguyễn Đức Trị, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ (Đà Nẵng): Thưa Thủ tướng, muốn tăng năng suất lao động đòi hỏi nhiều ở công nghệ. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ ở khu vực miền Trung Tây Nguyên có công nghệ và máy móc thiết bị lạc hậu. Chính phủ đã và sẽ có biện pháp gì để khuyến khích họ đầu tư công nghệ?

Ông Nguyễn Đức Trị, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ (Đà Nẵng) đặt câu hỏi tại buổi đối thoại

Thủ tướng: Thời gian qua, lĩnh vực khoa học và công nghệ nước ta tiếp tục phát triển và đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.

Tuy nhiên, chỉ số sẵn sàng công nghệ của Việt Nam chỉ đứng thứ 92; hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ còn hạn chế; nhiều đề tài chưa sát thực tế, cơ chế chính sách còn chưa phù hợp, chưa phát huy được nhiều nguồn lực xã hội vào phát triển khoa học và công nghệ.

Một trong những mục tiêu hàng đầu của Chính phủ là khuyến khích doanh nghiệp tham gia và đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ; nhận chuyển giao và ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ, thương mại hóa sản phẩm.

Về hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy KHCN phát triển, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, rà soát, báo cáo Chính phủ các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa KHCN phát triển. Chính phủ cũng đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các bộ ngành liên quan đề xuất cơ chế, chính sách đổi mới cơ cấu đầu tư, nâng cao tỷ trọng đầu tư của xã hội cho KHCN…

Để khuyến khích các DN sử dụng công nghệ và máy móc, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành những chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong đó quy định rất nhiều chính sách ưu đãi miễn, giảm về thuế nhằm khuyến khích các DN đầu tư, sử dụng các tiến bộ của khoa học công nghệ, đổi mới, cải tiến sử dụng máy móc hiện đại và đồng bộ.

Riêng khu vực Miền Trung Tây Nguyên, đúng là phần lớn DN chỉ ở mức vừa và nhỏ, công nghệ lạc hậu, Chính phủ sẽ yêu cầu chính quyền các địa phương quan tâm hơn, có chính sách động viên khuyến khích các DN áp dụng khoa học công nghệ tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, đặc biệt là tạo ra những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, trong đó những sản phẩm nông sản có thế mạnh.

9h25:

Ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Cảng Đà Nẵng: Thưa Thủ tướng, để góp phần nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, Chính phủ khuyến khích DN ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Tuy nhiên, thủ tục xét duyệt, thẩm định hồ sơ còn có nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian, thậm chí có nơi xảy ra việc công nghệ càng mới thì thẩm định, xét duyệt càng lâu. Chính phủ có biện pháp gì để cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực này?

Ông Nguyễn Hữu Sia, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Cảng Đà Nẵng đặt câu hỏi

Thủ tướng: Đúng là có thực trạng các DN quan tâm, mong muốn ứng dụng và đầu tư công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay vẫn còn nhiều khó khăn do các chính sách của Nhà nước chưa hấp dẫn, thủ tục xin xét duyệt hỗ trợ còn rườm rà, mất thời gian... Cần những giải pháp vận dụng phù hợp với thực tiễn, cải cách thủ tục để các DN có thể tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, có điều kiện ứng dụng KHCN, tạo ra những sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Đầu năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó có đặt trọng tâm là cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, kiên quyết đổi mới công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu theo thông lệ quốc tế; Thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa và ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong giải quyết thủ tục hành chính.

9h35:

Anh Đỗ Hữu Phước, công nhân Cty TNHH Điện tử Việt Hoa: Thưa Thủ tướng, năm trước ở Đồng Nai, Thủ tướng đã nhấn mạnh về an toàn thực phẩm trong bữa ăn công nhân. Ở đâu có công nhân bị ngộ độc, chủ DN phải chịu trách nhiệm. Năm nay vấn đề an toàn thực phẩm vẫn nóng bỏng, xin Thủ tướng cho biết cần phải làm thế nào để chấm dứt tình trạng này?

Thủ tướng trả lời:

Tôi được biết, những năm qua, các cấp công đoàn đã có nhiều biện pháp chủ động tham gia với người sử dụng lao động nhằm chăm lo đời sống cho công nhân. Công đoàn đưa nội dung bữa ăn ca của người lao động vào nội dung đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết thỏa ước lao động tập thể. Đến nay, ngày càng có nhiều DN quan tâm tới bữa ăn ca của NLĐ với chất lượng khá tốt; nhiều DN tự tổ chức bữa ăn ca cho công nhân đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Tuy nhiên, tại nhiều doanh nghiệp khác thì bữa ăn ca của công nhân lại chưa đáp ứng nhu cầu; thiếu dinh dưỡng, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh...

Để chấm dứt tình trạng ngộ độc tập thể tại các DN có đông CNLĐ, các cấp, các ngành cũng phải phối hợp chặt chẽ với tổ chức CĐ để giám sát chất lượng thực phẩm cũng như giám sát định mức kinh phí DN dành cho bữa ăn ca của người lao động.

Anh Đỗ Hữu Phước, ông nhân Cty TNHH Điện tử Việt Hoa (Đà Nẵng) đặt câu hỏi đối với Thưa Thủ tướng liên quan đến thực trạng an toàn thực phẩm trong bữa ăn công nhân.

Chính quyền các cấp cần tăng cường chế tài và hành lang pháp lý đủ mạnh, đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, DN, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể, nhất là trách nhiệm của người sản xuất; trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, phải gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại địa phương.

Đối với doanh nghiệp sử dụng lao động phải đảm bảo kiểm tra nguyên liệu, nơi chế biến và bếp ăn cho người lao động, gắn trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, cần có chế tài phạt nghiêm, thậm chí xử lý hình sự các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng.

Cuối cùng, để bảo đảm an toàn thực phẩm đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị như tổ chức, các đoàn thể chính trị xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan dân cử để tạo ra sự chuyển biến đồng bộ trong bảo đảm an toàn thực phẩm. Bữa ăn của công nhân không chỉ đù chất mà còn phải đảm bảo sức khỏe.

9h40:

Chị Phan Thị Tuyết Sương, công nhân Cty TNHH Điện tử Foster (Quảng Nam): Công nhân chúng tôi đang rất phấn khởi trước thông tin Thủ tướng đã phê duyệt Đề án về xây dựng các Thiết chế công đoàn. Công nhân mong ước điều này sẽ sớm thành hiện thực.

Chị Phan Thị Tuyết Sương, công nhân Cty TNHH Điện tử Foster (Quảng Nam) phát biểu

Thủ tướng: "Cho tôi hỏi lại, người vừa đặt câu hỏi này có phải là cô đã xuất hiện trên phóng sự ngắn vừa chiếu không?"

Chị Sương: Dạ thưa Thủ tướng, đúng ạ!

Thủ tướng: Tôi được báo cáo hiện trong số 2,7 triệu lao động của 344 KCN-CX trên cả nước thì có 1,2 triệu lao động có nhu cầu về nhà ở, nhưng mới chỉ từ 5-10% nhu cầu trên được đáp ứng. Vấn đề đặt ra là nhu cầu nhà ở, nơi gửi trẻ, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, chăm sóc y tế hỗ trợ pháp luật cho công nhân lao động là hết sức bức thiết.

Thủ tướng xuống gần chị Sương, hỏi thăm sức khỏe, hoàn cảnh gia đình chị khi để dự buổi đối thoại hôm nay, chị Sương đã mang theo cả hai con nhỏ đến cuộc giao lưu.

Tổng LĐLĐVN đã trình Chính phủ “Đề án đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCN-CX”. Theo đó Tổng LĐLĐVN sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng các khu thiết chế phục vụ công nhân lao động và đoàn viên công đoàn tại các KCX-CX gồm: Nhà ở, nhà trẻ, trường học, siêu thị, nhà thuốc, trung tâm tư vấn pháp luật; các công trình văn hóa, thể thao... với mức giá ưu đãi, giảm giá tối đa cho người lao động. Đặc biệt là đoàn viên công đoàn. Việc làm này đặc biệt có ý nghĩa, chăm sóc trực tiếp, thiết thực và hiệu quả đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên công đoàn và người lao động

Tôi cũng được biết, Tổng LĐLĐVN đã tích cực triển khai thực hiện các thiết chế dành cho đoàn viên, người lao động ở các địa phương.

Riêng vấn đề nhà ở cho công nhân, hiện nay mới chỉ đáp ứng được 5-10% nhu cầu, vấn đề nhà ở cho công nhân đã trở nên vô cùng cấp bách và bức xúc. Với đồng lương còn hạn hẹp như hiện nay thì việc để có được chỗ ở (dù khiêm tốn) cũng là mơ ước của nhiều công nhân. Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh xây dựng các khu thiết chế của Công đoàn như đã nói, Chính phủ sẽ tạo điều kiện tốt nhất về đất đai, cơ chế, vốn, thuế má… nhằm khuyến khích ngày càng có nhiều DN quan tâm đầu tư xây nhà ở cho công nhân.

Tôi đề nghị chính quyền các tỉnh, thành phố phối hợp cao nhất với Công đoàn trong việc cấp đất, hỗ trợ hạ tầng để xây dựng nhà ở và thiết chế công đoàn dành cho công nhân. Tôi cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cùng quan tâm, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho công nhân, giúp họ “an cư, lạc nghiệp”.

Tôi đề nghị Tổng liên đoàn, Quỹ Tấm lòng Vàng tặng cho chị Sương một căn hộ để chị Sương ổn định cuộc sống.

Sự kiện do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức trong khuôn khổ “Tháng Công nhân năm 2017” với chủ đề “Công đoàn đồng hành với doanh nghiệp: Tăng năng suất lao động; thực hiện quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên và người lao động”. Và chào mừng ngày Giải phóng miền Nam-Thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2017), Ngày Quốc tế Lao động 1/5 sắp tới.

Trong khuôn khổ sự kiện còn có chương trình “Tết Lao động” được tổ chức từ 22/4-23/4 với nhiều hoạt động thiết thực và sôi nổi như: Ngày hội ẩm thực, liên hoan các nhóm nhạc công nhân, trò chơi dân gian, khám sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng… Đặc biệt là các hoạt động ký cam kết đảm bảo chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và người lao động về giảm giá dịch vụ, sản phẩm cho đoàn viên công đoàn./.