Đây là thông tin được ông Lê Kim Thành, Tổng giám đốc Ban Quản lý Dự án đường sắt (QLDA), Bộ GTVT xác nhận
Hiện Ban QLDA và tổng thầu Trung Quốc đã cơ bản thống nhất các nội dung của phụ lục hợp đồng mua sắm thiết bị, đoàn tàu. Ban QLDA đã chuyển biên bản thương thảo và nội dung phụ lục hợp đồng cho tổng thầu hoàn thiện để ký kết.
“Theo yêu cầu tiến độ, đến cuối tháng 10/2015, tổng thầu phải đảm bảo có một đoàn tàu mẫu về Việt Nam. Từ tháng 4 đến tháng 6/2016, số đoàn tàu còn lại sẽ được đưa tiếp về Việt Nam để vận hành thử” - đại diện Ban QLDA thông tin.
Trước đó, tổng thầu Trung Quốc cam kết trong tháng 10/2015 sẽ đưa tàu mẫu về Việt Nam, tuy nhiên không phải là 1 đoàn tàu mà chỉ 1 toa tàu mẫu. Theo đó, bên ngoài tàu được thiết kế theo mẫu của đường sắt Bắc Kinh, màu sắc của đoàn tàu cũng đã được chọn, vì vậy sẽ tiếp nhận góp ý bên trong tàu và kết cấu tàu.
Về vị trí đặt trưng bày mẫu tàu, Ban QLDA Đường sắt cho hay đang khảo sát một vài vị trí không quá xa dự án. Trong khi đó, tổng thầu Trung Quốc đề xuất vị trí trưng bày tàu mẫu tại bãi đúc dầm của dự án ở khu vực Dương Nội - Hà Đông.
Hiện Ban QLDA Đường sắt đang phối hợp với tổng thầu làm việc với các cơ quan hữu quan để thống nhất vị trí trưng bày. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường lưu ý cần có vị trí tốt để đảm bảo các Bộ ngành và nhiều người dân quan tâm có thể đến tham quan, tham gia góp ý, đồng thời hạn chế tối đa ùn tắc giao thông.
Theo thiết kế tàu điện Cát Linh - Hà Đông do Ban quản lý dự án đường sắt đề xuất, thiết kế đầu tàu có hình vát nhọn, hiện đại như các đoàn tàu tốc độ cao. Tàu có kính chắn gió, kính cửa sổ có màu sẫm, cửa sổ ẩn. Bên cạnh đó, họa tiết trang trí biểu tượng Khuê Văn Các ở giữa đầu tàu và tại các vị trí nổi bật, phía dưới là dòng chữ Cát Linh - Hà Đông.
Đoàn tàu sử dụng chất liệu vỏ thép không gỉ với bề mặt được đánh xước mờ. Màu sắc chủ đạo là màu xanh lá cây tạo cảm giác trẻ trung, năng động, thân thiện môi trường.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, được khởi công tháng 10/2011,có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 550 triệu USD, trong đó, vốn vay tín dụng ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc là 169 triệu USD; vốn vay ưu đãi là 250 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 2.123 tỷ đồng. Năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải đã điều chỉnh tổng mức đầu tư của tuyến đường tăng thêm 315 triệu USD so với phê duyệt ban đầu.
Toàn tuyến đường sắt dài 13 km chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa hai làn đường bộ thuộc trục Hào Nam - Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (quận Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông)
Phối cảnh tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông
Theo Đầu tư