Xem thêm: Tòa án Đức sắp phân xử lệnh cấm xe diesel chạy trong nội đô
Tòa án hành chính tối cao đặt ở Leipzig phán quyết rằng lệnh cấm xe chạy diesel mà hai thành phố Stuttgart và Dusseldorf đã ban hành trước đây là hợp pháp.
Phán quyết của tòa tối cao có thể khiến các thành phố khác của nước Đức cũng áp dụng lệnh cấm tương tự. Phán quyết có tính lịch sử này có thể ảnh hưởng đến 12 triệu xe đang lưu hành tại Đức, và giáng một đòn mạnh mẽ vào thị trường xe hơi lớn nhất châu Âu.
Các nhà hoạt động vì môi trường trước đây không ngừng chỉ trích các thành phố của Đức. Họ nói rằng cần phải có một lệnh cấm các xe chạy diesel nếu chúng không thỏa mãn các điều kiện về khí thải. Việc này nhằm giảm bớt tình trạng ô nhiễm khí hậu, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Luật sư Ugo Taddei đại diện cho tổ chức hoạt động vì môi trường ClientEarth đã gọi quyết định này là “một kết quả đáng kinh ngạc với sức khỏe người dân”. Ông nói với truyền thông Đức rằng hạn chế giao thông đối với các phương tiện gây ô nhiễm là cách hiệu quả để cải thiện chất lượng không khí.
Các chuyên gia môi trường ước tính rằng số lượng nitơ ôxit (NOx) quá nhiều trong không khí đã giết chết 6.000 đến 13.000 người Đức mỗi năm, gây ra hàng loạt các bệnh lý về sức khỏe, từ hen suyễn đến đột quỵ. Hầu hết NOx sinh ra từ động cơ diesel. Tiêu chuẩn EU về lượng NOx trong không khí là 40 microgam/mét vuông, tuy nhiên tại nhiều thành phố của Đức lượng khí thải luôn vượt quá tiêu chuẩn này, chẳng hạn như các thành phố Stuttgart, Düsseldorf, Cologne và Munich.
Về phía ngành công nghiệp xe hơi, Chủ tịch Hiệp hội ngành công nghiệp ô tô Đức Matthias Wissmann đã chỉ trích phán quyết này. Ông Wissmann nhấn mạnh rằng "các tiêu chuẩn chất lượng không khí ở các thành phố của Đức cũng có thể đạt được mà không cần phải ban hành một lệnh cấm xe".
Ông Wissmann nói rằng vấn đề chất lượng không khí có thể được giải quyết trong thời gian trung hạn “nếu ngày càng có nhiều xe hơi mới, đủ tiêu chuẩn gia nhập thị trường”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng trấn an người dân và nói rằng phán quyết của tòa án chỉ liên quan đến một vài thành phố riêng biệt. “Đó không phải là lệnh cấm trên cả nước và cấm tất cả các chủ sở hữu xe hơi”.
Trước đây, các nhà sản xuất xe hơi và Chính phủ Đức vẫn chống lại lệnh cấm xe vì họ cho rằng làm như vậy sẽ khiến cho giá trị của xe diesel giảm xuống, đồng thời người lái xe sẽ không thể sử dụng những chiếc xe mà họ đang sở hữu.
Tất nhiên, tòa án tối cao Đức nói rằng việc cấm xe chạy diesel là tùy quyết định của các thành phố, nhưng khuyến cáo các thành phố nên “thực hiện từ từ từng bước một” theo một tỷ lệ nhất định, lưu ý những trường hợp như xe cứu thương, xe tải chở rác và xe cảnh sát.
Các nước châu Âu khác cũng đã ban hành những quy định giới hạn đối với xe chạy diesel. Pháp và Anh tuyên bố họ sẽ ngừng bán các loại xe chạy bằng khí đốt và diesel vào năm 2040.