Tòa án Tối cao Italy: Cha mẹ không có nghĩa vụ hỗ trợ tài chính cho những “đứa trẻ” trưởng thành

VietTimes – Trong một phán quyết mang tính định hướng mà sẽ đóng vai trò là tiền lệ cho các phiên tòa tương tự trong tương lai, Tòa án Tối cao Italy đã ra phán quyết bác bỏ đơn kháng cáo của một người đàn ông 35 tuổi. Theo đó, người đàn ông này muốn sự hỗ trợ tài chính từ cha mẹ mình.
Ảnh minh họa

Bản án lịch sử nãy đã đánh dấu sự kết thúc của vụ kiện kéo dài 5 năm. Theo đó, một người đàn ông trưởng thành đang làm giáo viên dạy nhạc bán thời gian với mức thu nhập hàng năm là 20.000 euro (khoảng 550 triệu VNĐ) đã đòi hỏi sự hỗ trợ tài chính từ cha mẹ mình.

Trong phán quyết ban đầu, một thẩm phán tại Tuscany đã thực sự ra quyết định rằng cha mẹ của anh ta phải cấp cho con trai mình một khoản trợ cấp hàng tháng trị giá 300 euro (hơn 8 triệu VNĐ). Phán quyết này sau đó đã bị tòa phúc thẩm và Tòa án Tối cao bác bỏ. Các thẩm phán cùng đồng ý ra phán quyết rằng cha mẹ của người đàn ông 35 tuổi này không thể tiếp tục hỗ trợ tài chính cho con vô thời hạn.

 “Để giảm bớt lòng tham, những “đứa trẻ” trưởng thành này nhất định phải tìm cách tự nuôi chính mình” - thẩm phán Maria Cristina Giancola, người chủ trì hội đồng thẩm phán, viết - “Những “đứa trẻ” này trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải tìm kiếm việc làm một cách tích cực để đảm bảo sinh nhai độc lập.”

Giancola chỉ ra rằng không thể coi những khó khăn trong việc tìm kiếm một công việc đáp ứng kỳ vọng nghề nghiệp như một cái cớ để đặt gánh nặng tài chính lên vai cha mẹ. Giancola cũng nói thêm rằng, trừ khi những “đứa trẻ” này gặp rắc rối với những vấn đề như suy giảm thể chất hay tinh thần, nếu không, cha mẹ không có nghĩa vụ phải hỗ trợ tài chính.

Quyết định này được cho là sẽ ảnh hưởng rất lớn đến một bộ phận đáng kể người dân Italy, vì sự việc được mô tả ở trên đang trở thành hiện tượng phổ biến ở các quốc gia châu Âu. Nó phổ biến đến mức mà để mô tả những “đứa trẻ” ở độ tuổi ba mươi vẫn tiếp tục sống và dựa dẫm vào cha mẹ, người ta sử dụng một thuật ngữ có tên là “bamboccioni”.

“Italy không phải là quốc gia duy nhất phải chịu đựng những yêu cầu vô lý từ hội những “đứa trẻ” trưởng thành, nhưng đó chắc chắn là điều tồi tệ nhất” - Gian Ettore Gassani, người đứng đầu Hiệp hội Luật sư Hôn nhân Italy, nói với CNN - “Những người trẻ Italy phải can đảm hơn, phải có ý chí không ngại khó và chấp nhận rủi ro, nhưng điều đó sẽ thật khó khăn nếu như mỗi sáng, bạn vẫn được mẹ phục vụ tận giường bằng một tách cà phê”.

Bản án được hoan nghênh này được kỳ vọng sẽ trở thành biện pháp răn đe hiệu quả để buộc những người trẻ phải “tự đi trên đôi chân của mình”. Gassani tiết lộ rằng hiện nay đang có một trong ba đơn ly hôn của các cặp vợ chồng ở Italy là có liên quan tới việc hỗ trợ tài chính cho hội những “đứa trẻ” trưởng thành.