Thông tin CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HSX: HAG) vừa huy động thành công 930 tỷ đồng từ đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ đang nhận được sự chú ý lớn của thị trường.
Nhiều nhà đầu tư tỏ ra bất ngờ xen lẫn băn khoăn. Bởi phát hành trái phiếu, xét cho cùng cũng là một hình thức vay nợ. Mà tính đến cuối quý III/2016, nợ phải trả của HAG đã lên đến 34.893 tỷ đồng, không ít trong đó đã thuộc diện quá hạn hoặc cận hạn.
Vậy có nghĩa sau đợt phát hành trái phiếu này, HAG sẽ lại nợ thêm 930 tỷ đồng?
Chưa hẳn vậy…
“Đảo nợ” trái phiếu?
Bản công bố thông tin của HAGL về đợt phát hành, dù tối giản, song cũng cho biết một số chi tiết quan trọng.
Trước tiên, đợt phát hành đã diễn ra tương đối chóng vánh. Nếu lấy mốc là thời điểm Hội đồng quản trị HAG phê duyệt phương án phát hành (Theo Nghị quyết HĐQT số 2312 ngày 23/12/2016), thì tính đến thời điểm hoàn tất (ngày 29/12/2016), chỉ mất có 6 ngày.
Kết quả phát hành cho thấy, chỉ có một nhà đầu tư duy nhất tham gia đợt phát hành trái phiếu này của HAG. Họ đăng ký mua toàn bộ 930 trái phiếu mà HAG dự kiến phát hành và đã thành công 100%. Đợt phát hành giúp HAG thu về 930 tỷ đồng.
“Đối tượng mua trái phiếu: tổ chức tín dụng”, bản công bố thông tin của HAG tiết lộ.
Vậy ngân hàng nào đã dũng cảm bỏ ra 930 tỷ đồng ngay trước thềm năm mới để đầu tư vào lô trái phiếu này? Họ nhìn thấy lợi ích gì và rủi ro gì từ khoản đầu tư với thời hạn 7 năm?
Thực tế là HAG đang ở trong tình trạng hết sức khó khăn. Tại báo cáo soát xét gần nhất, đơn vị kiểm toán tiếp tục đặt ra nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn. Điều này giới ngân hàng rõ hơn ai hết. Những gì có thể thế chấp để làm tài sản đảm bảo cho các khoản nợ, HAG cũng gần như đã thế chấp hết.
Hoạt động cấp tín dụng cho HAG trong thời điểm này (kể cả dưới hình thức đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) chắc chắn sẽ được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giám sát rất chặt. Nhất là khi phương án tái cơ cấu nợ cho HAG mà NHNN trình lên Chính phủ, hiện, vẫn chưa thấy kết quả. Áp theo các chuẩn mực quản trị rủi ro mà hệ thống ngân hàng đang triển khai, việc cho vay mới đối với HAG - doanh nghiệp đang có dư nợ xấu tại tất cả các ngân hàng chủ nợ - là cả một vấn đề.
Với các phân tích trên, không lạ nếu nhà đầu tư vừa bỏ ra 930 tỷ đồng để đầu tư trái phiếu HAG lại là một chủ nợ cũ của tập đoàn. Càng không lạ nếu thương vụ này chỉ đơn thuần là một khoản “đảo nợ” trái phiếu, hỗ trợ HAG trong việc làm đẹp sổ sách hay tái cấu trúc nợ mùa cuối năm.
Kịch bản phát hành trái phiếu “đảo nợ” cũng tỏ ra phù hợp với chiến lược không vay nợ thêm mà lãnh đạo HAG đã chia sẻ gần đây.
Ngân hàng nào?
Theo Báo cáo tài chính sau soát xét gần nhất mà HAG phát hành, tập đoàn này có dư nợ (bao gồm cả dư nợ trái phiếu) tại 8 tổ chức tín dụng bao gồm: BIDV, HD Bank, Bac A Bank, Viet Capital Bank, Eximbank, NCB, LaoVietBank. Trong đó, BIDV là chủ nợ lớn nhất với gần 11 nghìn tỷ đồng đã tài trợ cho các dự án của HAG, theo nhiều hình thức.
Xét riêng dư nợ trái phiếu thường trong nước, cập nhật tại ngày 30/09/2016, giá trị là 9.891 tỷ đồng (đã trừ 69 tỷ đồng chi phí phát hành trái phiếu). Trong đó, trái phiếu đến hạn trả là 3.306 tỷ đồng, trái phiếu dài hạn là 6.585 tỷ đồng. Các trái phiếu chủ yếu là BIDV (5.950 tỷ đồng), HDBank (850 tỷ đồng)...
Trong đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ mà HAG mới tiến hành, khi người trong cuộc chưa công bố, chưa thể khẳng định tổ chức tín dụng nào là đối tượng mua trái phiếu. Nhưng với kịch bản phát “đảo nợ”, thứ tự ưu tiên sẽ phải được dành cho lô trái phiếu quá hạn.
Thuyết minh cho thấy, có lô trái phiếu đã quá hạn nhưng chưa được thanh toán. Đó là lô trái phiếu trị giá 950 tỷ đồng phát hành ngày 9/7/2013 cho ngân hàng BIDV, nhằm mục đích bổ sung vốn cho các dự án đầu tư và tái cấu trúc nợ, đã đáo hạn toàn bộ từ ngày 9/7/2016...
Lịch sử giao dịch ghi nhận, HAG và BIDV đã từng bắt tay để đảo nợ trái phiếu.
Theo đó, ngày 20/08/2015, HAG có văn bản gửi SSC và HoSE công bố việc, vừa hoàn tất đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn 5 năm, qua đó thu về 850 tỷ đồng. Nhưng không nói rõ mục đích cũng như đối tượng nhận phát hành.
Tìm hiểu sau này hé lộ, mục đích duy nhất của đợt phát hành nêu trên chỉ là để hoán đổi cho các trái phiếu có tổng mệnh giá 850 tỷ VND mà lẽ ra HAG đã phải thanh toán cho BIDV vào ngày 17/08/2015.
Sẽ không quá bất ngờ nếu thời gian tới, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai lại có thêm nhiều lần công bố kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ đầy thành công khác./.
Hôm nay: Tròn 1 năm kể từ ngày HAG xuống dưới mệnh giá
Phiên giao dịch ngày 5/1/2016 chắc chắn sẽ là cột mốc không thể quên đối với “bầu” Đức và các cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) khi mà lần đầu tiên cổ phiếu HAG của công ty rơi xuống dưới mệnh giá 10.000 đồng kể từ khi niêm yết vào cuối năm 2008.
Phiên này, với việc giảm thêm 500 đồng, thị giá cổ phiếu HAG đã xuống còn 9.600 đồng. Cách đó 1 năm, cổ phiếu HAG vẫn còn giao dịch ở mức giá hơn 22.000 đồng.
Tính đến thời điểm hiện tại, một năm qua đi, cổ phiếu HAG ngày càng trôi xa mệnh giá. Hiện chỉ còn giao dịch quanh mức trên 5.000 đồng/cổ phiếu./.