Theo Tổng cục Hải quan, mặc dù giá trị và khối lượng than nhập khẩu không lớn bằng các mặt hàng như xăng dầu, máy móc linh kiện, điện thoại... nhưng tốc độ tăng của mặt hàng này so với cùng kỳ năm trước đều vượt 100%.
Đáng lưu ý, số liệu thống kê cho thấy lượng nhập khẩu tăng là do các doanh nghiệp đang được lợi về giá. Cụ thể, trong khi khối lượng nhập khẩu tăng 191%, thì giá trị kim ngạch nhập khẩu chỉ tăng hơn 107% so với cùng kỳ năm 2015.
Trước đó, Bộ Công thương dự đoán Việt Nam cần nhập khẩu 3,1 triệu tấn than trong năm 2016. Nhưng trong 8 tháng qua, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn than, hơn gấp 3 lần so với dự kiến.
Giá trị nhập khẩu than đạt kim ngạch hơn 600 triệu USD. Tính ra, mỗi tháng Việt Nam đã nhập 1,2 triệu tấn than, tương ứng khoảng hơn 75 triệu USD/tháng. Trong khi cả năm 2015, Việt Nam chỉ nhập 500.000 tấn than để phục vụ nhu cầu trong nước.
Trong thời gian qua, số than nhập về phục vụ cung cấp chủ yếu cho các nhà máy nhiệt điện, luyện gang thép, xi măng... Việc nhiều nhà máy sử dụng than đá làm nguyên liệu, trong khi lượng than khai thác đã gần cạn kiệt, trong khi quy hoạch một số nhà máy điện, thép và xi măng đang tăng về số lượng nhà máy. Điều này đẩy áp lực khiến Việt Nam ngày càng phải lo nhập khẩu than.
Nếu quay lại thời điểm năm 2014, Việt Nam vẫn là một nước xuất khẩu than với sản lượng 7,28 triệu tấn, trị giá 556 triệu USD. Trong đó thị trường xuất khẩu chính của than Việt Nam lúc đó là Trung Quốc, chiếm hơn 57% lượng than xuất khẩu.
Trước đó, trong giai đoạn từ 2006 – 2011, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu gần 21 triệu tấn than.
Như vậy, sau một thời gian dài chuyên xuất khẩu than, đến nay Việt Nam lại phải đi nhập khẩu than!
Có một điểm cần lưu ý, trong giai đoạn từ 2006 – 2014, hầu hết số than trên được khai thác ở các mỏ than “ngon lành”, dễ thăm dò, tiếp cận và tiến hành khai thác.
Thực tế cho thấy, trong kế hoạch đầu năm 2016, Tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) dự kiến sẽ sản xuất và tiêu thụ khoảng 36 triệu tấn than. Nhưng hiện đã phải giảm kế hoạch sản lượng xuống còn 33 triệu tấn do những khó khăn khi sản lượng than còn lại không còn nhiều và khó khăn trong việc khai thác.
Như vậy, Việt Nam đã xuất khẩu lượng than thành phẩm ở những mỏ dễ khai thác quá nhiều, khiến tình hình khai thác hiện tại khó khăn, cộng thêm với sản lượng mỏ than ngày càng giảm sút nên không đáp ứng được nhu cầu than của cả nước.
Được biết, hiện ba thị trường cung ứng than nhiều nhất cho Việt Nam là: Nga, cung ứng 2,8 triệu tấn, kim ngạch hơn 179 triệu USD; Trung Quốc với 1,4 triệu tấn, kim ngạch 100 triệu USD và Indonesia với 1,8 triệu tấn, kim ngạch đạt 80 triệu USD…
Tính ra, mức giá nhập khẩu trung bình than từ Nga là khoảng 63 USD/ tấn; giá than nhập trung bình từ Indonesia là 44 USD/ tấn. Cao nhất là giá than nhập khẩu từ Trung Quốc với 71 USD/tấn.
Với việc Việt Nam nhập khẩu than từ Trung Quốc, quốc gia nhiều năm qua vẫn luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thì đây có thể dự đoán là một đòn phá hoại kinh tế của Trung Quốc.
Ngoài ra, vùng biển Đông Bắc vẫn luôn là điểm nóng của xuất khẩu than lậu, vì thế, không ít giả thiết cho rằng số than xuất lậu trên đã đi vào nước láng giềng phương Bắc. Nếu vậy, Việt Nam đang nhập khẩu chính than của mình sản xuất nhưng với giá cao hơn nhiều lần!?
Hiện theo dự báo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, Chính phủ cũng đã nêu vấn đề nhu cầu than trong nước đang ngày càng tăng cao. Năm 2015 là 56,2 triệu tấn, năm 2020 là 112,3 triệu tấn, năm 2025 là 145,5 triệu tấn, và cho đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải tiêu thụ tới 220,3 triệu tấn.