|
Tinh thần Việt Nam luôn góp phần làm nên chiến thắng cho các tuyển thủ |
Thử thách nghiệt ngã đối với Đội tuyển Việt Nam tại King's Cup 2019
Kings Cup là giải đấu nằm trong kế hoạch tổ chức các cuộc đấu giao hữu cấp độ A của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA). Khi nhận lời mời từ phía Thái Lan tham dự Giải King's Cup 2019, Đội tuyển Việt Nam đứng trước hai thách thức có thể nói là rất nghiệt ngã.
Thách thức thứ nhất là Đội tuyển Việt Nam đang hướng đến hai mục đích quan trọng là phải đạt kết quả cao, để tạo lợi thế cho việc chuẩn bị cho Vòng loại World Cup 2022, đồng thời, bảo vệ thứ hạng trên Bảng xếp hạng của FIFA. Theo huấn luyện viên Park Hang-seo, sau những thành công vang dội trong năm 2018 và 2019, Đội tuyển Việt Nam đang hướng đến một kế hoạch ở tầm cao mới. Đó là, với thứ hạng 16 châu Á trên bảng xếp hạng của FIFA, Đội tuyển Việt Nam đang có lợi thế trước khi bốc thăm chia bảng đá Vòng loại World Cup 2022 trong nhóm hạt giống số 2. Vị trí này hoàn toàn có thể bị thay đổi nếu ở các trận Kings Cup 2019 Đội tuyển Việt Nam không giành được kết quả tốt. Còn nếu Việt Nam giành giải vô địch tại King's Cup 2019 sẽ có nhiều lợi thế.
Thách thức thứ hai là, với quyết định mời Đội tuyển Việt Nam và Đội tuyển Ấn Độ tham dự King's Cup 2019, Thái Lan nuôi ý chí phục thù và khao khát khẳng định lại vị thế của mình. Thái Lan rất cay cú khi chứng kiến Giải vô địch AFF Cup 2018 rơi vào tay Đội tuyển Việt Nam và cũng rất hậm hực khi bị thua Đội tuyển Ấn Độ với tỷ số 1:4 tại Asian Cup 2018. Điều này giải thích câu hỏi vì sao Thái Lan mời Đội tuyển Việt Nam và Đội tuyển Ấn Độ tham dự Giải King's Cup 2019.
Tinh thần và bản lĩnh Việt Nam tại King's Cup 2019
Đội tuyển Việt Nam đã vượt qua hai thách thức trên là đánh bại Đội tuyển Thái Lan trong trận đấu tối ngày 5/6/2019. Trong trận đầu này, Đội tuyển Thái Lan đã thể hiện rất rõ tính cay cútrong các pha tranh bóng thô bạo đến trắng trợn và lố bịch, với tham vọng chiến thắng bằng mọi giá.
Báo chí đã phải mô tả hành động cay cú của các tuyển thủ Thái Lan khi tập trung đánh người, nhằm hủy hoại khả năng chơi bóng của đối thủ. Điển hình nhất là hành động của các tuyển thủ Thái Lan dùng chân và tay tấn công vào những điểm huyệt trên cơ thể các tuyển thủ Việt Nam. Nếu không được các trọng tài nương nhẹ đội nhà, thì Đội tuyển Thái Lan đã phải nhận nhiều thẻ đỏ.
Trước lối chơi phi thể thao của Đội tuyển Thái Lan, Đội tuyển Việt Nam vẫn bình tĩnh kiềm chế và duy trì lối chơi mang tinh thần thể thao cao thượng và giành chiến thắng chung cuộc.
Huấn luyện viên Park Hang-seo nhận định sau trận đấu:“Không phải vì chiến thắng Thái Lan mà trận đấu này mang lại ý nghĩa lớn đặc biệt cho bóng đá Việt Nam. Trước bất cứ đối thủ nào, trận đấu nào, chúng tôi cũng xác định tinh thần nỗ lực hết sức và quyết tâm chiến thắng bằng cách tiếp tục phát huy tinh thần Việt Nam, đoàn kết và chơi theo các đấu pháp thể thao để tiến bộ".
Huấn luyện viên Park Hang-seo hoàn toàn đúng. Chiến thắng của Đội tuyển Việt Nam trước Đội tuyển Thái Lan không chỉ là do chiến thuật và đấu pháp hợp lý mà còn là do tinh thần và bản lĩnh Việt Nam. Nói rộng ra, đó là bản lĩnh “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”. Đại nghĩa ở đây là hướng tới những mục tiêu cao cả của thể thao, còn chí nhân ở đây là khát khao giành chiến thắng bằng lối chơi theo chiến thuật và đấu pháp hợp lý.
Sân cỏ là nơi thể hiện bản tính con người
Năm 1982, tôi được trải qua một lớp đào tạo nghiệp vụ quân sự kéo dài trong thới gian 2 năm tại Trung tâm huấn luyện chỉ huy - tham mưu của Bộ Quốc phòng Liên Xô, cùng với rất nhiều học viên đến từ nhiều nước trên thế giới, chủ yếu là các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi, Trung Đông, Mỹ Latinh và các nước thành viên của Hiệp ước phòng thủ Varsava.
Trong quá trình học tập tai đây, Bộ Chỉ huy trung tâm thường tổ chức các trận đấu giao hữu bóng đá giữa các đội học viên đến từ các nước. Nước nào không đủ số học viên thành lập một đội thì liên kết với học viên các nước khác để có được một đội có thể thi đấu.
Là người thạo tiếng Nga vì trước khi gia nhập quân đội, tôi từng tốt nghiệp đại học ở Liên Xô và cũng có quan hệ thân mật với các giáo viên của Trung tâm huấn luyện, nhưng lại không biết chơi bóng mà chỉ đứng ngoài sân cổ vũ, tôi được giáo viên chủ nhiệm lớp học viên Việt Nam “bật mí”:“Trung tâm huấn luyện tổ chức các cuộc đấu giao hữu bóng đá không chỉ nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tạo dựng tình hữu nghị giữa học viên các nước, mà còn là để nhận xét đánh giá tính cách và bản lĩnh của các học viên. Đây là điều không thể thiếu đối với Trung tâm khi viết nhận xét kết quả học tập của học viên và đưa ra kiến nghị đối với chính phủ các nước khi tuyển dụng các học viên vào các cương vị lãnh đạo sau khi kết thúc khóa học.
Theo giáo viên chủ nhiệm lớp, sân cỏ là một trong những môi trường thể hiện rõ nhất tính cách và bản lĩnh của một cầu thủ bóng đá. Nóng vội hay bình tĩnh, cẩu thả hay thận trọng và biết kiềm chế bản thân, dễ dàng bị khuất phục, hay có ý chí mạnh mẽ trước mọi thức thách, bản tính hung hăng hay điềm đạm và nhân hậu v.v... đều có thể được bộc lộ rất rõ trong các cuộc giao tranh trên sân cỏ.
Quan sát nhiều trận đấu trên sân cỏ qua màn ảnh nhỏ trong thời gian qua có sự tham gia của Đội tuyển Việt Nam và đặc biệt là trận đấu giao hữu với Đội tuyển Thái Lan, tôi càng thấm thía lời nhận xét của giáo viên chủ nhiệm lớp tập huấn quân sự cách đây hơn 30 năm. Trong trận đấu tối ngày 5/6/2019, tuyển thủ hai bên đã thể hiện quá rõ tính cách và bản lĩnh của họ.
Trong khi các tuyển thủ Thái Lan bộc lộ rất rõ tính chất cay cú, nuôi ý chí phục thù không trong sáng và sẵn sàng sử dụng các thủ pháp bẩn thỉu để đạt được mục đích, thì các tuyển thủ Việt Nam đã thể hiện tinh thần thể thao cao thượng và rất nhân văn. Đây là bài học đối với chúng ta không chỉ trên sân cỏ mà còn trong nhiều lĩnh vực khác khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu vào khu vực và quốc tế.