|
Biểu tình ở Kazakhstan biến thành bạo loạn. Sáng 5/1, người biểu tình tấn công đốt phá trụ sở chính quyền thành phố Almaty (Ảnh: AP). |
Nhiều nhà phân tích cho rằng đây là cuộc "cách mạng màu" thứ ba tại các nước thành viên Liên Xô cũ sau các cuộc biểu tình nổ ra ở Ukraine năm 2014 và Belarus năm 2020. Mục tiêu thực sự của Mỹ trong giai đoạn này vẫn là buộc Nga lui bước trong cuộc khủng hoảng Ukraine, chứ không phải là chính quyền Kazakhstan, có biên giới chung với Nga và Trung Quốc và có mối quan hệ thân thiết lâu dài với hai cường quốc này.
Từ lâu nay, Kazakhstan luôn là quốc gia nằm dưới sự kiểm soát của Nga và Liên Xô cũ, ngay cả khi giành độc lập sau khi Liên Xô giải thể, Kazakhstan vẫn phụ thuộc vào Nga về nhiều mặt, cho đến khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc thì trở thành một quốc gia thân Nga về chính trị và thân Trung Quốc về kinh tế. Ngoài ra, do ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Mỹ trên toàn cầu, người Kazakhstan cũng có xu hướng thân Mỹ về văn hóa.
|
Lúc đầu cuộc biểu tình phản đối tăng giá gas diễn ra ôn hòa (Ảnh: Reuters). |
Xét về lịch sử, do vị trí của Kazakhstan nằm ngoài biên giới Trung Quốc nên quan hệ giữa hai bên rất xa cách, vào thế kỷ 19 và 20 từng xảy ra chiến tranh đều là Kazakhstan tiến vào Tân Cương vì vấn đề sắc tộc. Hai lần này khiến quân đội nhà Thanh và Trung Hoa Dân Quốc đóng ở đây bị thương vong hàng chục ngàn người. Dân số Kazakhstan tuy chỉ có 19 triệu người nhưng lại có diện tích rất rộng và có tầm ảnh hưởng ở Trung Á. Sau khi độc lập do Liên Xô cũ giải thể, Kazakhstan đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, hai bên thường xuyên có quan hệ qua lại cấp cao. Nhà lãnh đạo Nazarbayev đã thăm Trung Quốc tới 19 lần, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đã nhiều lần đến thăm Kazakhstan.
Mục đích của Kazakhstan khi lôi kéo Trung Quốc là nhằm cân bằng quan hệ với Nga, sau này trở thành một nước phụ thuộc kinh tế quan trọng vào Trung Quốc. Khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, kim ngạch thương mại chỉ đạt 370 triệu USD, nhưng trong 20 năm đã tăng khoảng 70 lần, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Kazakhstan, chiếm hơn 1/3 tổng lượng ngoại thương của nước này. Do các vấn đề dân tộc và tôn giáo ở các nước Trung Á liên quan đến sự ổn định của khu vực Tân Cương của Trung Quốc, nên Trung Quốc đã thành lập “Tổ chức Hợp tác Thượng Hải” (SCO) vào năm 2001. Quan hệ giữa hai nước càng mật thiết về Ngoại giao và Quốc phòng quân sự, đã nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
|
Trụ sở chính quyền thành phố Almaty bị người biểu tình thiêu cháy (Ảnh: Reuters). |
Sự tăng trưởng nhanh chóng của thương mại Trung Quốc-Kazakhstan chủ yếu là do nhu cầu năng lượng dầu khí mạnh mẽ của Trung Quốc trong phát triển kinh tế. Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào ngành dầu khí của Kazakhstan với quy mô gần 20 tỷ USD, một lượng lớn dầu và khí đốt được xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm 2013, Trung Quốc đề xuất sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, Kazakhstan đã nhiệt tình hưởng ứng và trở thành bàn đạp quan trọng để Trung Quốc thâm nhập vào các nước Trung Á. Tuy nhiên, xét cho cùng, Kazakhstan là địa bàn của Nga thông qua các cuộc chinh chiến quân sự và hoạt động kinh tế trong hơn một thế kỷ qua, Trung Quốc cố gắng hết sức để tránh thách thức quyền chủ đạo của Nga trong vấn đề Kazakhstan.
Mặc dù các cuộc biểu tình nổ ra ở Kazakhstan lần này là do giá khí đốt tăng gây nên, nhưng các khẩu hiệu phản đối đã nhanh chóng chuyển sang phản đối các nhóm lợi ích quyền lực, đòi trừng trị tệ tham nhũng quan liêu và đòi quyền tự trị địa phương. Ngày càng có nhiều công nhân công nghiệp tham gia các cuộc biểu tình, làn sóng biểu tình cũng lây lan nhanh chóng ra các thành phố khác. Đây đã là cuộc biểu tình chống chính phủ lớn nhất, rộng rãi nhất và nghiêm trọng nhất ở Kazakhstan kể từ khi nước này độc lập khỏi Liên Xô cũ. Cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày đã gây bất ngờ cho tất cả các nước, bao gồm cả Kazakhstan.
|
Hỗn chiến giữa lực lượng an ninh với những người biểu tình bạo loạn (Ảnh: Reuters). |
Cuộc biểu tình quy mô lớn bất ngờ này ở Kazakhstan hiện được thế giới bên ngoài gọi là "cuộc cách mạng khí đốt" và so sánh nó với "cuộc cách mạng quảng trường" lật đổ chính quyền Ukraine năm 2014 và "cuộc cách mạng dép lê" nổ ra ở Belarus vào năm 2020. Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị vẫn có các quan điểm khác nhau về điều này. Nhiều phân tích cho rằng kể từ khi Kazakhstan độc lập dưới sự lãnh đạo của ông Nazarbayev, mọi lợi ích chính trị và kinh tế đều bị thế lực hùng mạnh của gia tộc quyền quý này nắm giữ; giai cấp thống trị cứng nhắc bảo thủ nhiều năm và sự đàn áp chính trị của họ mới chính là nguyên nhân dẫn đến sự bất mãn xã hội.
Do cả Nga và Trung Quốc đều có quan hệ thân thiết với Kazakhstan nên họ rất chú ý đến xu hướng bất ổn ở Kazakhstan. Đối với một quốc gia then chốt khác là Mỹ, trong những năm gần đây, các đại gia dầu mỏ Mỹ đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào Kazakhstan. Trong cuộc biểu tình lần này, ngoài các công ty dầu khí vốn Trung Quốc, các công ty dầu khí do Mỹ tài trợ cũng là các điểm bùng phát quan trọng. Theo thống kê, vào năm 2006, dân số Kazakhstan chỉ có 15 triệu người nhưng cùng lúc có tới gần 26.000 tổ chức phi chính phủ đăng ký hoạt động. Ví dụ, tổ chức tài chính khổng lồ Soros's Open Society Foundation của cá sấu tài chính George Soros đã tài trợ cho mấy trăm sinh viên đi học ở Châu Âu và Mỹ, tài trợ cho hơn 700 nhà báo, và đầu tư tổng cộng hơn 100 triệu USD để hỗ trợ "sáng kiến xã hội dân sự". Truyền thông của cả Nga và Trung Quốc đều chỉ ra rằng “loại hình tổ chức phi chính phủ của phương Tây là lực lượng quan trọng đứng sau hậu trường xúi giục các hoạt động chống chính phủ”.
|
Các xe quân sự của Quân đội Nga tập kết chờ lên máy bay tới Kazakhstan (Ảnh: Reuters). |
Dựa trên phân tích cấu trúc chính trị nội bộ của Kazakhstan, nhà lãnh đạo Nazarbayev đã cai trị ở Kazakhstan suốt 30 năm. Lợi ích của gia tộc quyền quý này đan xen nhau. Năm ngoái, ông ta buộc phải nhả quyền lực và hỗ trợ người kế nhiệm là ông Tokayev làm tổng thống. Trong quá trình chuyển giao quyền lực này này chắc chắn sẽ làm bùng phát các cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ nhóm cầm quyền, vì vậy các yếu tố bên ngoài và bên trong đều bí mật vận hành. Tuy nhiên, trước lập trường cứng rắn của Nga đối với vấn đề Kazakhstan với sự ủng hộ của Trung Quốc, Mỹ muốn sử dụng chiêu "vây Ngụy cứu Triệu", gây ra tình hình hỗn loạn ở Kazakhstan để buộc ông Putin phải lui bước trong vấn đề Ukraine, nhưng e rằng khó có thể thực hiện được.
Theo trang Dwnews ngày 7/1, mặc dù có nhiều bên lợi ích liên quan đứng sau vụ bạo loạn này, nhưng “kẻ đứng sau hậu trường” cốt lõi nhiều khả năng là thủ lĩnh phe đối lập Mukhtar Ablyazov, cựu Bộ trưởng Năng lượng và Thương mại Kazakhstan đang lưu vong, được George Soros tài trợ
Theo tờ Pravda của Nga ngày 5/1, Ablyazov đã sống ở Pháp trong nhiều năm, nhưng có rất nhiều người ủng hộ và theo dõi ở Kazakhstan. Khi bắt đầu cuộc biểu tình, ông ta điều phối hoạt động biểu tình trên Facebook, sau đó đưa lên giai đoạn bạo loạn.
"Đả đảo Nazarbayev (Nur Sultan) và hạ bệ chế độ của ông ta. Chúng ta sẽ nỗ lực để tống ông ta vào tù trong suốt cuộc đời còn lại", Ablyazov nói trên truyền hình trực tiếp.
Theo AFP ngày 6/1, Ablyazov nói: "Tôi cho rằng chính quyền này đã đi đến hồi kết. Vấn đề chỉ là bao lâu nữa". “Sau nhiều năm không hài lòng với các vấn đề kinh tế, sự thất vọng bị kìm nén đã bùng phát. Khoảnh khắc đó đến và mọi thứ đã bùng nổ."
"Xét từ thực tế, đã xảy ra một cuộc cách mạng trong ba ngày. Đó thực sự là một cuộc cách mạng về ý thức quần chúng ... Mọi người hiểu rằng họ không yếu". Ông tiếp tục: "Tôi nghĩ rằng nhiều nhất là một năm, cũng có thể lâu hơn một chút. Nhưng có lẽ mọi thứ sẽ thay đổi trong hai tuần, không ai biết trước được."
|
Ông Mukhtar Ablyazov, được coi là người đứng sau lãnh đạo sự kiện bạo loạn với sự ủng hộ của Quỹ Soros (Ảnh: Theguardian). |
Theo tờ Aydinlik của Thổ Nhĩ Kỳ, Mukhtar Ablyazov là một trong những nhà lãnh đạo của Cuộc nổi dậy da cam ở Kazakhstan do George Soros ủng hộ. Ablyazov đã đưa ra một tuyên bố trên truyền hình Ukraine, nêu rõ, "Mục tiêu chính của chúng tôi là tiêu diệt chế độ Nazarbayev, và ông ta đã khiến đất nước trở nên như thế này."
Theo báo này, các quỹ và nhóm thân Mỹ đã tham gia vào việc lãnh đạo sự kiện bạo lực đang diễn ra ở Kazakhstan. Quỹ quốc tế Kazakhstan và cái gọi là Cơ cấu Phát triển dân chủ kiểm soát các phần tử quá khích và cố gắng kích động công chúng thông qua Phong trào Đánh thức Kazakhstan. Phong trào này được thành lập vào năm 2019 bởi 5 người, 4 người trong số họ là thành viên tích cực của Quỹ Soros và các trung tâm nước ngoài khác.