Tin nóng công nghệ 27/7: Lý do Z Fold 7 không mở phẳng hoàn toàn, Huawei cạnh tranh AI với NVIDIA

Samsung giải thích một số điện thoại Z Fold 7 không mở phẳng hoàn toàn, Tab S11 lộ thiết kế Ultra lộ thiết kế notch hình giọt nước, Huawei ra mắt hệ thống AI cạnh tranh NVIDIA... là tin KHCN nổi bật ngày 27/7.

1. Huawei ra mắt hệ thống AI cạnh tranh với sản phẩm của NVIDIA

Gian hàng của Huawei tại Triển lãm AI Thế giới tổ chức tại Thượng Hải. Ảnh: Reuters

Tại Triển lãm AI Thế giới (WAIC) đang diễn ra ở Thượng Hải, Huawei đã công bố hệ thống điện toán AI CloudMatrix 384 – được thiết kế để cạnh tranh với model hàng đầu của NVIDIA là GB200 NVL72. Sử dụng 384 chip Ascend 910C, hệ thống của Huawei vượt trội trong một số chỉ số nhờ kiến trúc “supernode” kết nối tốc độ cao giữa các chip, mặc dù hiệu năng chip đơn lẻ vẫn thua kém B200 của NVIDIA. Hệ thống này hiện đã vận hành ổn định trên nền tảng đám mây Huawei Cloud.

Theo SemiAnalysis, CloudMatrix 384 đạt 300 PFLOPs hiệu năng BF16, cao hơn giới hạn 180 PFLOPs của hệ thống NVL72, tuy tốn điện gấp đôi - khoảng 559 kW so với mức tiêu thụ thấp hơn của GB200. Huawei tận dụng nguồn năng lượng giá rẻ tại Trung Quốc để bù lại sự kém hiệu quả năng lượng này.

2. Lý do một số điện thoại Galaxy Z Fold 7 không mở rộng hoàn toàn

Galaxy Z Fold 7. Ảnh: Phone Arena

Một vài mẫu trưng bày Galaxy Z Fold 7 tại cửa hàng được phản ánh là không mở phẳng hoàn toàn, thường mở ở góc khoảng 178–179°, gây lo ngại về chất lượng bản lề.

Theo nguồn tin nội bộ của Samsung, sự cố xuất phát từ lớp keo phủ màn hình chính bị dính sau khi máy gập lâu trong hộp. Khi được sử dụng thường xuyên và gập mở nhiều lần, keo sẽ dần đàn hồi và màn hình trở về góc mở tiêu chuẩn 178,5 - 181,5°.

Một kỹ sư từng làm tại Samsung cho rằng các thiết bị demo tại cửa hàng bị sử dụng cẩu thả quá mức, chứ không phải do lỗi thiết kế. Bản lề mới Armor FlexHinge cải tiến với cấu trúc nhiều ray và vật liệu nhôm cứng tăng độ bền là một bước tiến lớn trong dòng Z Fold 7.

3. Trung Quốc đề xuất thành lập Tổ chức hợp tác toàn cầu về AI

Khách tham quan tương tác với một robot hình người tại gian hàng Fourier trong Hội nghị AI thế giới ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tại Hội nghị AI Thế giới diễn ra ở Thượng Hải, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất thành lập một tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy hợp tác và quản trị AI toàn cầu, đặc biệt là để đáp ứng các yêu cầu của các quốc gia đang phát triển và giảm phân hóa trí tuệ số. Ông nhấn mạnh rằng hiện trạng quản trị AI toàn cầu còn rời rạc và do một nhóm quốc gia hoặc công ty lớn chi phối, đồng thời kêu gọi xây dựng khuôn khổ thống nhất với sự đồng thuận rộng rãi.

Trung Quốc cũng công bố kế hoạch hành động về quản trị AI toàn cầu, kêu gọi chính phủ, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và giới học thuật tham gia chia sẻ công nghệ, nghiên cứu mở, thúc đẩy trao đổi nhân lực và tăng cường cơ sở hạ tầng số như năng lượng sạch, mạng thế hệ mới và trung tâm dữ liệu. Trung Quốc đang cân nhắc đặt trụ sở tổ chức tại Thượng Hải và sẵn sàng thảo luận với các quốc gia quan tâm tham gia cùng nền tảng này.

4. Galaxy Tab S11 Ultra lộ thiết kế "giọt nước”

Galaxy Tab S10 Ultra có phần notch khá lớn. Phiên bản kế nhiệm Tab S11 Ultra được cho là có phần notch hình giọt nước nhỏ hơn. Ảnh: Phone Arena

Hình ảnh thực tế rò rỉ cho thấy Galaxy Tab S11 Ultra sử dụng màn hình AMOLED 14,6 inch với thiết kế notch hình giọt nước để chứa camera selfie đơn, thay vì notch lớn hơn với hai camera như Tab S10 Ultra trước đây. Thông tin rò rỉ còn tiết lộ cấu hình máy gồm chip MediaTek Dimensity 9400+, RAM 12GB hoặc 16GB, bộ nhớ trong có thể lên tới 1TB và pin tăng nhẹ lên khoảng 11.374mAh so với 11.200mAh ở model trước.

Ở mặt sau, máy vẫn trang bị cụm camera kép nhưng với vòng viền lớn hơn theo phong cách thiết kế từ Galaxy S25 Series. Đồng thời, dải gắn bút S Pen ở lưng đã bị loại bỏ, gợi ý rằng vị trí sạc bút đã chuyển sang cạnh máy như trên iPad Pro. Galaxy Tab S11 Series được dự đoán ra mắt vào khoảng tháng 9 hoặc đầu tháng 10/2025 với hai phiên bản: tiêu chuẩn và Ultra. Samsung có thể bỏ phiên bản Plus năm này để đơn giản hóa lựa chọn cho người dùng.

5. Nghiên cứu mới khẳng định AI đang học những điều mà nó chưa từng được dạy

Ảnh minh họa

Các nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã thử nghiệm mô hình SEAL (Self‑Adapting Language Models). Mô hình này cho thấy AI có thể tự tạo dữ liệu học tập và tự cập nhật thông số nhờ cơ chế “self‑edit” và vòng học tăng cường (reinforcement loops) mà không cần giám sát con người.

Một cách tiếp cận khác là AZR (Absolute Zero Reasoner) cũng cho phép AI hoàn toàn không dùng dữ liệu con người. AI tự đề xuất và giải các bài toán của riêng mình, mở đường cho “AI hoàn toàn tự học”.

Đồng thời, kỹ thuật như TTRL (Test-Time Reinforcement Learning) do Viện AI Trung Quốc phát triển đã giúp mô hình Qwen2.5-Math-1.5B cải thiện đáng kể kết quả từ 33% lên 80% độ chính xác khi giải toán – hoàn toàn nhờ học từ dữ liệu tự tạo và bỏ qua phản hồi gắn nhãn từ con người.

Cả ba hướng này, học không giám sát, tự học cải tiến, và phản hồi nội sinh đều đánh dấu bước ngoặt trong việc xây dựng AI ngày càng tự chủ, tự vận hành, có khả năng cải thiện bản thân liên tục mà không phụ thuộc dữ liệu huấn luyện do con người cung cấp.

Theo Reuters, Phone Arena, BGR