Tin nhạy cảm là gì và nó có phải là yếu tố khiến tin giả tràn lan?

VietTimes -- "Tin nhạy cảm" hay còn gọi là tin chưa được phép công bố là một khái niệm tin tức đặc thù ở Việt Nam
T.S Thái Thị Tuyết Dung - Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
T.S Thái Thị Tuyết Dung - Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Hội Truyền thông Số Việt Nam vừa tổ chức một cuộc hội thảo với chủ đề "Chính sách nào để ứng phó với tin giả, thông tin không chính xác". Tin giả là một vấn nạn phổ biến tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. 

Trong hội thảo, khi được hỏi về khái niệm "tin nhạy cảm" ở Việt Nam, T.S Thái Thị Tuyết Dung - Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: "Ở nước ngoài, người ta phân loại tin tức thành: tin đúng, tin sai và tin chưa chính xác. Còn ở Việt Nam thì có thêm 2 định nghĩa đặc thù khác đó là tin nhạy cảm hay còn gọi là tin chưa được công bố. Về nguyên tắc những thông tin nằm trong danh mục hoặc nằm trong phạm vi được phép công bố thì các cơ quan báo đài có thể được phép khai thác. Tuy nhiên đối với các hành vi làm tiết lộ bí mật hoặc đưa các thông tin không được tiếp cận thì việc làm này hoàn toàn sai".

Liên quan đến vấn đề "tin nhạy cảm", nhiều ý kiến cho rằng chính việc nhà nước hạn chế đưa các thông tin nhạy cảm là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phát sinh tin giả trên mạng xã hội. Theo quan điểm của T.S Thái Thị Tuyết Dung, hiện nay nước ta chưa có điều luật nào cụ thể nào đề cập đến "tin nhạy cảm". Sự hạn chế này là do cơ chế quản lý của các cơ quan báo đài tự đặt ra.

"Dưới góc nhìn của tôi, tôi nghĩ rằng đã đến lúc các cơ quan nhà nước phải thay đổi phương thức truyền tải thông tin. Những thông tin không nằm trong nhóm không được tiếp cận thì nhà nước nên "bật đèn xanh" để các cơ quan báo đài có thể khai thác và công khai. Một trong những lý do khiến người dân hiện nay tin vào mạng xã hội hơn là bởi độ trễ thông tin từ những nguyền thông tin chính thống", T.S Thái Thị Tuyết Dung chia sẻ.

Tin giả đang xuất hiện tràn lan trên các mạng xã hội ở Việt Nam. Có rất nhiều người là nạn nhân của những thông tin không chính xác này, tuy nhiên họ lại không chủ động gửi đơn khiến nại đến cơ quan chính quyền. Lý giải về vấn đề này, T.S Thái Thị Tuyết Dung cho rằng lý do chính là bởi đa số người Việt Nam quan niệm rằng "vô phúc đáo tụng đình", họ ngại việc phải ra tòa kiện cáo nên thường sẽ chọn phương án chịu đựng.

Vậy nếu một người là nạn nhân của tin giả khởi kiện thì mất khoảng thời gian bao lâu họ sẽ nhận lại được kết quả từ cơ quan nhà nước?. T.S Thái Thị Tuyết Dung cho rằng cá nhân mình không thể trả lời được chính xác câu hỏi này :"Theo tôi vấn đề này còn tùy thuộc vào độ "hot" của vụ việc. Nếu như vụ việc đó lớn và được bàn tán xôn xao thì sẽ được giải quyết rất nhanh. Thêm một điểm nữa ảnh hưởng đến thời gian xác định kết quả các vụ kiện tin giả đó chính là ranh giới xúc phạm có thực sự rõ ràng hay không."

Phỏng vấn T.S Thái Thị Tuyết Dung về vấn đề "tin nhạy cảm" tại Việt Nam